Sự truyền tải một thứ sống động trong quá khứ của một người mà tạo thành sức lay động những câu chuyện trong tâm khảm của nhiều người ở hiện tại là cái hay của một tác phẩm.
“...con người ta đi cu cu, về trao tráo, còn mi, còn mi, suốt ngày đi đập chắc, quỷ tha ma bắt mi đi, quỷ tha ma bắt mi đi!...
- - - - -
CU VÀ MẸT…
(Nguyễn Văn Chất)
Mấy độ sáng trời hơi mát, tôi bâng quơ chưa biết làm gì để bắt nhịp một ngày mới, chợt nhớ tới món quà được tặng trong một góc quán cà phê Cộng - Xuân Thủy Branch với người thầy - một món quà đầu tay mà nghe tên tưởng đặc sản ẩm thực vậy “Cu & Mẹt”. Trong những lặng lẽ, an tĩnh tôi lượn từng dòng chữ đầu đề thì phát hiện trên bàn tay này nóng hổi một trường năng lượng siêu hình của ký ức tuổi thơ về những năm trước thiên niên kỷ thứ hai, từng thứ một như sờ vào còn ấm hiểm.
Thú thật tôi không chăm chăm coi sách để nghiền ngẫm, chỉ như xem qua để lượt một chút giá trị có trong nó để nuôi những tư duy và tư tưởng mới. Thế mà giở đến hơn hai trăm trang giấy cho đến khi đóng lại quyển sách ấy, không biết thế nào, tôi đã nghĩ thật sâu về hơn 10 năm về trước của mình. Tôi nhớ lũ trẻ nhỏ đủ lứa đi “giăng nắng dầm mưa” bên mé những con kênh, gạch phù sa ở Phú Tân mùa nước nổi, hái lục bình chơi “nhà chòi”, những lần dầm mưa đi lượm xoài, chạy ra đồng bắt cá lóc, cá rô,... Cái mùi cảm giác tuổi thơ trong trẻo, thanh mát, không tư lự ấy tràn về ngự tại trong tâm trí, điều mà câu chuyện về ngôi làng miền Trung năm ấy của cu Méo với từng thứ một ngồn ngộn trong cảm xúc, mượt mà về ký ức, những nét riêng trong cả văn hóa ngôn ngữ và lẫn đặc trưng vùng miền. Tất cả kết nối lạ lùng với tôi và triền suy tư như thế.
Tôi biết mình không đủ sức để bàn luận về độ “hay” của một tác phẩm đầu tay của thầy, trong đó ươm hơn 20 năm mầm cảm xúc của một cậu bé trẻ “vui sướng và tự do” đúng nghĩa. Tôi chỉ biết cái cảm giác mang lại trong “Cu & Mẹt” là một câu chuyện tuổi thơ rất Việt Nam, rất đúng với những năm tháng trong hoàn cảnh của thế hệ 7x 8x lớn lên. Tôi không thể sống ở cái độ đó, nhưng đọc xong sách, cái rõ của ngôn ngữ có giá trị là ở chỗ đó. Sự truyền tải một thứ sống động trong quá khứ của một người mà tạo thành sức lay động những câu chuyện trong tâm khảm của nhiều người ở hiện tại là cái hay của một tác phẩm. Ít nhất, với tôi, tác phẩm đi đúng hướng với cái giá trị mà thầy Chất luôn muốn mang tới.
Tôi nhớ trong “Lắng nghe người già”, có một trích dẫn hay thế này: "Đôi khi ta ít để ý tới người già. Ta sợ đối diện với họ, bởi họ sẽ nhắc mãi ta về một điều gì đó quá cũ, rót vào ta mãi một câu chuyện ta đã nghe,... "
Có lẽ những câu chuyện xưa cũ trong tuổi thơ, không phải là dĩ vàng để quên đi, nếu ở đó, trong những góc độ nào đó, những lấp lánh riêng của nó vẫn đẹp trong lòng mình: Nó vẫn xứng đáng để kể lên cho nhiều thế hệ sau thưởng tưởng.
Bài dự thi số 39
Thí sinh tham dự: Phạm Vĩ Lâm
Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách
Comments