top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[37] Một chỗ trong đời (Annie Ernaux) - Câu chuyện tình cha con “lạnh lùng”

Tôi lại tìm thấy cuộc sống của mình trong những sự kiện rời rạc của cuốn hồi kí.



Gần đây, tôi, một sinh viên đang theo học chuyên ngành Văn học được giao nhiệm vụ tìm hiểu cuốn sách “Một chỗ trong đời” – một cuốn sách đã đạt giải Renaudot của một nhà văn đạt giải Nobel văn học 2022. Đến với cuốn sách bằng một sự cưỡng ép, và bản thân tôi bị những danh hiệu cao quý kia tạo ra trở ngại. “Chắc sẽ là một câu chuyện khó ăn đây” – tôi nghĩ vậy. Thế nhưng, sau khi đọc hết các trang truyện, trong tôi lại là sự đồng cảm đến lạ thường, đặc biệt, là mối quan hệ cha – con của các nhân vật trong câu chuyện.


“Một chỗ trong đời” là một cuốn hồi kí được Annie Ernaux viết vào năm 1983. Đó những lời hồi tưởng, tường thuật của tác giả về cha mình – một người đàn ông chăm chỉ, thực dụng và ít thể hiện tình cảm với gia đình. Ông ta vốn xuất thân nông dân, trở thành công nhân, và sau bao khó khăn cũng bước chân được vào giới tiểu thương bằng việc mở quán tạp phẩm – cà phê. Người đàn ông ấy vừa vật lộn với tiền bạc, vừa chậm chạp từng bước nâng cao địa vị xã hội của mình. Suốt cả đời, ông tự điều chỉnh từng cách ăn, cách mặc, cách nói chuyện, lo lắng những ánh nhìn, sao cho bản thân mình như người của trí thức, của tư sản. Song song với việc chứng kiến và thuật lại cuộc đời người cha, đó cũng là câu chuyện về quá trình trưởng thành của người con, những cảm xúc phức tạp của cô gái ấy với gia đình, cuộc đời, đặc biệt là với người cha.


Đọc hết 2/3 câu chuyện, tôi cho rằng, tác phẩm này thật khô khan và khó nuốt. Không phải do nội dung truyện cao xa, khó hiểu, đầy tính triết học, triết lý. Đó là bởi câu chuyện mang giọng văn lạnh lùng và nội dung chỉ đơn thuần là liệt kê cách hành động, sự việc. Đúng như tác giả đã thừa nhận trong cuốn hồi kí: “Lối viết nhạt nhẽo đến với tôi một cách tự nhiên, chính là lối viết tôi vẫn dùng ngày trước để biên thư cho bố mẹ, kể những tin tức chính”. Đây là điều mới lạ với bản thân tôi, và tôi nghĩ cũng mới lạ với nhiều người. Khi viết về tình cảm gia đình – một thứ tình cảm máu mủ thiêng liêng, đáng lẽ ngòi bút phải ngập tràn cảm xúc, phải tuôn ra những dòng văn như hoa nở hay lệ đổ. Ví dụ như tình cha con đau thương của bé Thu và anh Sáu trong “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng), hay là lời thủ thỉ tâm tình của cha với con trong “ Nói với con” (Y Phương),…. Vậy mà chẳng có bất cứ cảm xúc nào được bộc lộ ra với cha, yêu, ghét, hay giận hờn. Bỗng dưng tôi nghĩ đến bản thân mình. Chẳng phải, rất lâu rồi, tôi cũng chưa từng nói câu “Con yêu bố”?


Tôi lại tìm thấy cuộc sống của mình trong những sự kiện rời rạc của cuốn hồi kí. Đó là khi còn nhỏ, tôi được bố cõng trên vai, đi chơi công viên hát vang những bài hát truyền miệng. Có hình ảnh của một người công nhân chăm chỉ, chịu khó phải vất vả lao động, trang trải cuộc sống. Có hình ảnh một người đàn ông khô khan với gia đình, nhưng lại cẩn thận trong đối nhân xử thế, để ý đến suy nghĩ của những người xung quanh. Có những cuộc cãi vã vặt vạnh của người cha với đứa con gái đang tuổi dậy thì. Giữa tôi và cha cũng có những rào cản vô hình chẳng thể định nghĩa. Nhưng người đàn ông kia, cũng như cha tôi, không ngừng cổ vũ tôi học tập, để tôi có cuộc sống dễ dàng hơn. Ban đầu là sự ngạc nhiên với lối viết lạnh lùng, nhưng rồi tôi lại tự vấn mình: “Liệu mình đã hiểu cha mình như bà ấy?”.


Tôi nhận ra mình đã bỏ qua dòng tâm sự của tác giả: “Để thuật lại một cuộc đời chỉ mải lo việc cơm áo, tôi không có quyền vị nghệ thuật trước tiên,cũng không có quyền tìm cách tạo ra thứ gì đó “khiến người ta say mê” hay “gây xúc động”. Quả thực, nếu nhà văn viết về cuộc đời khô khan của cha mình bằng ngôn từ mỹ miều, giọng điệu - , đó mới chính là sự phản bội, vô tâm. Tác giả nhớ từng câu nói, dáng điệu, cử chỉ của cha mình. Bà còn hiểu cha mình tới mức, tuy sử dụng ngôi kể thứ nhất, nhưng bà vẫn có thể nói lên nỗi mặc cảm giai cấp luôn thường trực trong lòng ông. Tình cảm gia đình, hay tình cảm nói chung, quả thực có nhiều cách thể hiện!!


Cuốn sách giúp tôi có dịp dừng lại để nhìn lại bản thân mình, nhìn lại về gia đình giữa cuộc sống học tập và công việc quay cuồng. Một lần đọc truyện, một lần đồng cảm, một lần tự vấn và rồi tự giải thoát những khúc mắc trong lòng. Trái tim tôi như vậy đã được sưởi ấm rồi.


 

Bài dự thi số 37

Thí sinh tham dự: Nguyễn Mai Hiền

Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách


229 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

[36] Giận

bottom of page