Học tập là một quá trình trọn đời, đòi hỏi người học phải kết hợp nhuần nhuyễn nhiều kỹ năng khác nhau để đạt được thành quả mong muốn. Thế nhưng...
Bạn bối rối và hoang mang không biết những kỹ năng nào thực sự quan trọng giúp việc học trở nên thú vị và hiệu quả?
Liệu một người tin rằng mình không có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật, khoa học có thể giải quyết những bài toán phức tạp hay sáng tác một bài thơ?
Khóa học “Learning How To Learn” từ Coursera sẽ là một câu trả lời hữu ích cho bất kỳ ai muốn tiếp thu nguồn tri thức quý giá của nhân loại. Một trong những thông điệp cốt lõi đầy cảm hứng của khóa học này là khuyến khích con người tin rằng với sự nỗ lực và phương pháp học tập đúng đắn, họ có khả năng làm chủ mọi lĩnh vực. Ở phần đầu tiên, Bookiee sẽ khái quát nội dung và đưa ra những nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả học tập mà chúng mình đúc kết được từ khóa học “Learning How To Learn”.
1. Tổng quan về khóa học
Hãy thử trải nghiệm khóa học "Learning how to learn"
“Learning How To Learn” là một khóa học chuyên sâu về kỹ năng học tập kéo dài 4 tuần, được giảng dạy chính bởi cô Barbara Oakley và Tiến sĩ Terrence Sejnowski. Khóa học này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về vai trò của não bộ trong quá trình học tập. Đồng thời, nó còn trang bị những công cụ giúp tăng cường hiệu quả học tập được sử dụng bởi các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, văn học, âm nhạc, toán học, khoa học và thể thao…
2. Hai trạng thái học tập của não bộ
Trong bài giảng đầu tiên, cô Barbara Oakley chỉ ra rằng não bộ con người chủ yếu hoạt động ở hai trạng thái trong quá trình học, được gọi là Focused Mode và Diffuse Mode.
Focused Mode, hay phương pháp tập trung, được sử dụng khi trí não tập trung cao độ trong một khoảng thời gian nhất định để hiểu ý chính của vấn đề.
Ngược lại, Diffuse Mode là phương pháp phân tán, cho phép não bộ thả lỏng và nhìn nhận vấn đề ở mức độ tổng quát hơn. Chúng ta có thể áp dụng kiểu suy nghĩ này khi đi tắm, chạy bộ, đi dạo, hay uống trà... Dù bạn có vẻ như tận hưởng thời gian nghỉ ngơi nhưng thực ra, não vẫn đang hoạt động và cố gắng kết nối các mảng kiến thức đã học để tìm ra lời giải đáp.
Não bộ con người chủ yếu hoạt động ở hai trạng thái Focused Mode và Diffuse Mode
Nguồn: pluspng.com
Phương pháp này được nhà họa sĩ siêu hiện thực nổi tiếng Salvador Dalí cực kỳ yêu thích mỗi khi ông cần kích thích sự sáng tạo. Ở tư thế ngồi, Dalí sẽ cho phép trí óc ông được thư giãn, trong khi vẫn tự do suy nghĩ về chủ đề ông vừa tập trung. Dalí giữ một chiếc chìa khóa trong tay cách sàn nhà một khoảng nhất định, điều này giúp người họa sĩ không rơi vào cơn buồn ngủ, vừa kịp lúc cho các ý tưởng nảy ra được ghi nhớ. Và sau đó, Dalí sẽ trở lại trạng thái tập trung cao độ, tiếp tục khai thác những kết nối được hình thành khi não ở trạng thái phân tán.
Một chú ý nho nhỏ: bạn không thể sử dụng cả hai trạng thái này cùng một thời điểm.
3. Một giấc ngủ đủ giúp não bộ học tập tốt hơn
Cơ thể con người ở trạng thái thức sẽ tạo ra độc tố trong não bộ do quá trình trao đổi chất diễn ra liên tục. Và khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, trí não không hề ngừng hoạt động mà bắt đầu “dọn dẹp” những sản phẩm dư thừa gây bất lợi cho quá trình học. Cô Barbara giải thích rằng khoảng cách giữa các tế bào não được kéo dãn trong lúc ngủ do kích thước của chúng co lại. Điều này cho phép các chất dịch chuyên biệt (fluid) dễ dàng đi qua và rửa trôi những chất độc hại tồn đọng.
Khoảng cách giữa các tế bào não được kéo dãn trong lúc ngủ do kích thước của chúng co lại
Ngoài ra, trong lúc ngủ, não bộ sẽ sắp xếp, loại bỏ những ý tưởng và khái niệm không cần thiết, đồng thời nó kết nối các dây thần kinh chứa thông tin bạn muốn và cần phải ghi nhớ nhằm củng cố những kiến thức đó một cách thụ động.
Bởi vậy, một giấc ngủ quá dài hoặc quá ngắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng học tập. Chúng ta không thể suy nghĩ rõ ràng và mạch lạc. Nghiêm trọng hơn, việc ngủ không đủ giấc hoặc kéo dài quá lâu là nhân tố gây nên tình trạng đau đầu, trầm cảm; tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì và giảm tuổi thọ.
4. Chunks và cách hình thành Chunks
Xuyên suốt các tuần học, bạn sẽ bắt gặp khái niệm “chunk” lặp lại rất nhiều lần. Hiểu một cách đơn giản, “chunk” là những khối thông tin cô đặc mà não bộ có thể dễ dàng sử dụng nếu muốn. Theo cô Barbara Oakley, các “chunks” thực chất là những bước nhảy vọt tinh thần (mental leap), giúp chúng ta kết nối các đơn vị thông tin đơn lẻ với nhau thông qua ý nghĩa của chúng.
Việc hình thành các khối thông tin được miêu tả như việc nén một file tài liệu kích cỡ lớn thành một tệp ZIP. Mỗi một “chunk” đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các dây thần kinh để đơn giản hóa những khái niệm và suy nghĩ trừu tượng.
Có thể thấy, “chunks” là một thành tố vô cùng quan trọng trong quá trình học tập. Vậy, làm thế nào để người học tạo nên các “chunks”? Cô Barbara đã chỉ ra ba bước cơ bản để hình thành khối thông tin:
Bước 1: Tập trung cao độ vào những thông tin bạn muốn kết nối.
Trong thời gian đó, người học nên giảm thiểu tiếng vô tuyến, tránh kiểm tra email và mạng xã hội.
Bước 2: Hiểu những ý tưởng cơ bản mà bạn đang cố hình thành.
Tuy nhiên, bạn cần phải nhận ra rằng “hiểu” không dừng lại ở hành động quan sát một giải pháp hoạt động ra sao. Điều này giống như việc nhìn vào một bức tranh, hay dõi theo người họa sĩ vẽ tranh không có nghĩa bạn có thể thực sự vẽ lại bức họa ấy. Bạn chỉ hiểu khi và chỉ khi bản thân bắt tay vào giải quyết chính vấn đề đó bằng năng lực của mình.
Bước 3: Nắm bắt được bức tranh toàn cảnh (context) của khối thông tin để biết làm thế nào và khi nào nên sử dụng chúng.
Ở phần sau, mình sẽ liệt kê và phân tích những phương pháp học thú vị và hiệu quả mà khóa học “Learning How To Learn” đem đến. Stay tuned!
“Học, học nữa, học mãi.” - V.I. Lenin
Còn bạn thì sao? Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu thêm về khóa học "Learning How To Learn" chứ?
Người viết: Đào Thu Huyền
Người thiết kế: Quỳnh Anh
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Kommentare