top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

“Bỏ Túi” 4 Tips Đọc Sách Văn Học Hiệu Quả

Đã cập nhật: 19 thg 9, 2022

Đôi khi một quyển sách khó sẽ ló cái khôn của bạn: mở mang tầm mắt, kiến thức và đem cho bạn những cảm xúc mà chưa từng gặp. Vậy thì làm thế nào để việc đọc sách trở nên “dễ thở” và tiếp thu tốt hơn?



Bạn có bao giờ cầm trên tay một quyển sách và đọc nó thật chăm chú nhưng thật khó để cảm nhận được sách đang viết về gì, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển nước ngoài. Nhưng cũng không thể vì thế mà ta bắt đầu hoài nghi về năng lực bản thân rằng chúng ta chưa đủ trình độ để tiếp nhận nó. Đôi khi một quyển sách khó sẽ ló cái khôn của bạn: mở mang tầm mắt, kiến thức và đem cho bạn những cảm xúc mà chưa từng gặp. Vậy thì làm thế nào để việc đọc sách trở nên “dễ thở” và tiếp thu tốt hơn?


Nào, cùng mình tìm hiểu 4 tips đọc sách văn học hiệu quả dưới đây, để có thể hiểu sâu - nhớ lâu bạn nhé.


Bối cảnh ra đời của quyển sách


Thay vì mình tập trung phân tích tình tiết quyển sách, về nhân vật, thì bối cảnh là cái đầu tiên mình cần chạm tới.


Mình thấy đa phần giáo viên dạy văn thường tóm tắt sơ lược nhất phần tác giả, tác phẩm nhưng thật sự đó là điều không nên. Bởi lẽ bối cảnh là cái nhào nặn ra tác phẩm như Hoài Thanh viết “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.


Lấy một ví dụ, bạn có nhớ bài Đánh nhau với cối xay gió học ở lớp 8 không? Mình nhớ đó là bài mà đa số học sinh ngán ngẩm nhất vì không hiểu mình đang học về cái gì.


Đánh nhau với cối xay gió là đoạn trích trong tiểu thuyết Đôn-ki-hô-tê của nhà văn Xéc-van-téc. Tác phẩm đã phá vỡ hoàn toàn quy phạm của truyện sử thi và hiệp sĩ dựa trên quy tắc giễu nhại (PARODY). “Giễu” tức là cười cợt và “nhại” là bắt chước hình tượng người hiệp sĩ.

Đôn-ki-hô-tê xuất thân là một gã quý tộc nghèo, lão ta vì quá say mê truyện kiếm hiệp nên đã tìm mọi cách để trở nên giống với kiểu nhân vật này: ông tìm cho mình một chiến mã và đặt một cái tên thật “kiêu” là Rô-xi-na-tê, lão ta tìm kiếm một bộ binh giáp cũ để tự trang bị cho mình… Cuối cùng, Đôn-ki-hô-tê xung trận để đánh bại kẻ khổng lồ nhưng thực chất là chỉ là những chiếc cối xay gió.


Don Quijote và Sancho, tượng đồng tại Madrid, nguồn: Wikipedia


Qua cuộc phiêu lưu hão huyền và đầy mộng tưởng của gã Đôn-ki-hô-tê, Xéc-van-đéc đã vạch trần bộ mặt giả tạo của truyện hiệp sĩ, nó trở nên lỗi thời và không còn ý nghĩa trong xã hội Tây Ban Nha vào thế kỷ 15.


Vậy đấy, nếu như ta không có một lượng kiến thức nhất định về chuyển biến trong nền văn học phương Tây thì ắt hẳn sẽ thấy gã Đôn-ki-hô-tê như một kẻ điên dại. Nhưng nếu ta hiểu rõ bối cảnh ra đời của nó, ta càng thấm sâu hơn bức tranh được phác họa cách ta hơn 6 thế kỷ trước.


Đây chỉ là một ví dụ nhỏ để cho bạn hiểu rõ bối cảnh là một phần quan trọng trong việc đọc sách như thế nào. Đừng vội vàng đọc một quyển sách và đánh giá chủ quan về nó khi chưa có nền tảng nhất định.


Ngôn ngữ


Đây là điều quan trọng không kém trong việc đọc sách. Vì sao nhiều tác phẩm nước ngoài có bản dịch tiếng Việt nhưng người người, nhà nhà vẫn đổ xô đi mua sách nguyên ngôn ngữ của nó? Là bởi, đôi khi một tác phẩm chỉ đẹp khi ở chính ngôn ngữ nó - Thơ.


Ví dụ năm lớp 11 ta được học bài "Tôi yêu em" của nhà thơ Puskin. Đây được xem là bài thơ nổi tiếng, bất hủ mà “Mặt trời của thi ca Nga” đã để lại. Nhưng khi ta đọc nó, đa phần đều khó cảm nhận được một cảm xúc mãnh liệt như khi đọc thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi…. Là bởi lẽ, thơ đã được sàng lọc sang một lăng kính khác và trong quá trình đó, thơ đã rơi bớt đi những tinh túy nhất mà nó đã ủ lại. Dịch giả Trịnh Lữ từng phát biểu rằng “Thơ - những lời vàng ngọc chỉ đẹp trong chính ngôn ngữ của nó”. Nếu thơ được dịch sang ngôn ngữ thứ hai, thật chẳng khác nào “một con bướm bị ép khô trên trang sách”


Ta nhắc đến "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" - tác giả Ocean Vương. Khi quyển sách được Nhã Nam mua bản quyền và dịch lại, rất nhiều người mong đợi tác phẩm anh dưới ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Và kết quả là, “đứa con tinh thần” ấy vẫn thành công vang dội như trên đất Mỹ.


Nhưng tập thơ của anh - "Night sky with Exit Wound" (Trời đêm những vết thương xuyên thấu) đã giúp anh đạt nhiều giải thưởng danh giá đến giờ phút này, vẫn chưa có bản dịch chính thức. Một trong những lý do đó là bởi, thơ ca chỉ thực sự đẹp ở ngôn ngữ ban đầu của nó mà thôi.


Thế nên, có nhiều tác phẩm, dù là ta cố gắng cảm nhận vẻ đẹp của nó cũng thật khó. Nhưng trên hành trình đào sâu, tìm tòi thì ta cũng thu hoạch được một lượng giá trị nhất định.


Bức thành thời gian


Mỗi một thế kỷ qua đi, đều có tầng lớp mới đè lên tầng lớp cũ - trong đó có vốn từ. Chúng ta có thể bắt gặp những từ cổ, từ lạ, từ mượn,... ở trong sách và đôi khi nó khó hiểu nhưng lại là một điểm nhấn khác biệt. Sách đã một phần giúp từ ngữ được lưu lại và cách ta đọc sách là cách giúp từ ngữ đó vẫn còn sống mãi.


Ví dụ như “tao đoạn” thường được bắt gặp trong văn chương Nguyễn Tuân, như Hán Việt “trạch lân xử” trong bài Một đồng bạc của Vũ Trọng Phụng, hay “hóc bà tó” trong sách Ocean Vương. Mỗi lần ta tiếp nhận một từ mới nhưng thực chất là từ cũ là một điều may mắn, vì ta có thời gian mở rộng vốn từ, song với đó, là cho từ ngữ đó tiếp tục sống trong thời đại này.


Bức thành thời gian sẽ không đồ sộ, khổng lồ nếu như ta chịu cất cánh bay lên và vượt qua nó bằng việc tiếp nhận văn học.


“Nếu chúng ta đọc chỉ để đọc thì không nên, như vậy ta chỉ biết là đọc nhiều hơn người ta” (Trịnh Lữ). Trong quá trình đọc, không nên thụ động tiếp nhận nó và xem mọi thứ đã được giãi bày trên trang sách. Khi chúng ta thật sự khao khát và tò mò về một tác phẩm, là lúc ta tự bước chân vào một thế giới khác, nơi mà người ta tưởng đó là thời đại đã qua nhưng thực chất vẫn in hằn vết tích qua các tác phẩm.


Lưu giữ văn chương không phải là việc của các nhà nghiên cứu văn học, mà nó còn là thiên chức của tất cả chúng ta.


Loại/ Thể loại


Việc am hiểu mình đang đọc loại/thể loại nào là vô cùng cần thiết. Ta không thể đòi hỏi một tác phẩm trữ tình lại có cốt truyện đặc thù như tác phẩm tự sự, ta không thể yêu cầu tác phẩm trinh thám lại có nhiều tình tiết yêu đương, ta không thể đòi hỏi một truyện ngắn phải có dung lượng như tiểu thuyết, giọng đọc thơ Tố Hữu không thể giống với giọng đọc thơ Hàn Mặc Tử… Ngay từ khi một tác phẩm ra đời nó đã được chính tác giả ấn định nằm ở phân khúc nào và buộc ta phải có kỹ năng đọc hiểu.


Và để rèn luyện kỹ năng đọc các tác phẩm văn học, ta cần trau dồi mỗi ngày, cố gắng mày mỏ, tìm kiếm và thử sức. Đọc sách bằng cả trí óc lẫn tâm hồn, nhất định một ngày nào đó, ta sẽ nhận được những điều xứng đáng: đó có thể là kiến thức, kỹ năng, khí chất mà không phải bất cứ ai cũng đạt được.


Mong rằng, chúng ta ngày ngày duy trì thói quen đọc sách như việc uống nước mỗi buổi sáng. Khiến sách trở thành bạn, là niềm vui, là sự hiện diện trong chúng ta.


Sau khi đọc qua chủ đề này, bạn có tìm ra tips yêu thích của mình không? Hãy chia sẻ cho chúng tớ biết nhé!


Người viết: Giang
Người thiết kế: Trâm Anh

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui


53 lượt xem3 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page