Thí sinh: Nguyễn Ánh Uyên
Hà Nội, ngày 2 tháng 5 năm 2021
Gửi tác giả Nguyễn Bảo Trung kính mến!
Cũng khoảng thời gian này năm trước, cháu đã vô tình đọc được một cuốn sách của chú: “Nhà”. Giọng văn điềm đạm, gợi lên một sự dịu dàng, thuần khiết mà sâu sắc như Thạch Lam. Tâm tư gửi trong từng trang sách, lại gợi nhớ đến những triết lí uyên thâm, bác ái của Đức Phật Thích Ca.
Vô duyên hay hữu duyên, cuốn sách này như giúp cháu tìm được một tâm hồn đồng điệu, một người bạn tâm giao cùng chung cách nghĩ, chung một thế giới quan. Nhân vật Du trong cuốn sách, thực sự đã cộng hưởng được với một độc giả trẻ tuổi đang tìm kiếm sự trưởng thành, tìm kiếm một lối đi riêng cho mình trong một cuộc sống đầy bộn bề, là cháu.
Nhà là nơi để trở về, là nơi khiến lòng bình yên mỗi buổi chiều, là nơi khiến ta mỉm cười khi buổi sáng thức dậy, nhận ra mình vẫn còn được sống, vẫn còn mẹ cha, vẫn còn một gia đình. Cây nguyệt quế của Du đẹp đẽ, long lanh trong cơn mưa vội buổi chiều tối bỗng làm cháu nhớ đến cây lộc vừng to lớn, hiên ngang trước sân nhà cũ. Những buổi chiều vàng nắng, tiếng chim sẻ râm ran, mặt trời phía tây đỏ như một quả cầu lửa, lấp nửa mình dưới áng mây vàng mùa hạ. Khung cảnh ấy, chỉ một chữ thôi cũng đủ khiến lòng bình yên, thênh thang lạ thường: Nhà.
Xuyên suốt cuốn sách, qua lời kể của nhân vật Du, về chính mình, về Châu, về Vy... tất cả đều mang một sự nhẹ nhàng, thanh khiết. Thế giới vận hành theo muôn vàn quy luật, nhưng suy cho cùng, để tìm thấy hạnh phúc thực sự cho bản thân, ta cần sâu sắc hiểu hai chữ vô thường. Đức Phật Thích Ca khi còn tại thế đã từng giảng về vô thường. Hiểu về vô thường, ta có thể an nhiên mà sống, an nhiên tìm một lối đi nhẹ tênh, không vướng bận, không khổ đau, không thù hận. Qua nhân sinh quan của nhân vật Du, cháu cảm nhận như chính chú đang hóa thân và kể chuyện. Sự đồng điệu về đức tin, về tôn giáo, như một sợi dây vô hình liên kết một độc giả phương xa đến tác giả Nguyễn Bảo Trung, một bác sĩ, một nhà văn với thế giới quan sâu sắc.
“ Dặn nhau muôn sự vô thường
Bình tâm mà sống mà thương dịu dàng.”
(Trích “Nhà”, Nguyễn Bảo Trung)
20 tuổi, cháu học được cách yêu thương qua sự bình tâm và tĩnh lặng. Như nhân vật Châu và Vy, cháu cũng đã đi qua những tháng ngày sống mà chỉ như đang tồn tại, ngày qua ngày như một cái cây thiếu ánh nắng mặt trời, héo úa và bi thương. Trong nỗi cô đơn, cô đơn và nhớ nhà, một kẻ lạc đường và bi quan như cháu bỗng thấy lòng mình dịu lại, và lần đầu tiên trong đời thật sự cảm thấy bản thân của trước đây đã đi sai đường...
Từ đó, cháu học cách bình tâm, mỉm cười, thấu hiểu, và an yên. Và cháu nhận được quả ngọt từ sự thay đổi tích cực của bản thân mình. Lòng bình yên hơn, tâm hồn đồng cảm hơn, cách nghĩ cũng đa chiều hơn.
Cô đơn không đáng sợ. Đôi khi sự cô đơn lại giúp ta biết trân quý những gì ta có: một ngôi nhà ấm áp, gia đình, người thân, sức khỏe... hay chỉ đơn giản là một buổi chiều dạo quanh. Đáng sợ hơn sự cô đơn là khi ta luôn sợ hãi: sợ hãi mất mát, sợ hãi đau thương, sợ hãi thay đổi. Cuộc sống này vốn vô thường. Mặt trời mọc rồi lặn, lá xanh rồi lại héo tàn. Cố gắng hết mình và bằng lòng với những gì ta có, cuộc đời có phải nhẹ tênh?
Sống không thấu hiểu, sống không yêu thương, thật uổng phí những phút giây quý giá của sự sống. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, nhân sinh ngàn người, ngàn người khác biệt. Đặt mình vào người khác để thấu hiểu chính là thấu hiểu và yêu thương chính mình.
Cảm ơn tác giả Nguyễn Bảo Trung, cảm ơn tác giả về những câu chuyện được sẻ chia và những quan niệm nhân sinh đồng điệu trong “Nhà”. Chúc chú sức khỏe và cuộc sống luôn hạnh phúc, an yên.
Thư từ một độc giả trẻ yêu mến tác phẩm của chú.
Bạn có thấy đồng cảm với bức thư này không? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comentarios