top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Bức Thư “Viết Về Dải Sam”

Thí sinh: Lê Hoàng Ánh


Hà Nội, Việt Nam, ngày 22 tháng 5 năm 2021


Kính gửi nhà văn Laetitia Colombani,


Cháu là một độc giả đến từ Việt Nam, một nước trong khu vực Đông Nam Á. Qua cuốn “Dải Sam” (tên gốc: La Tresse) (đã được dịch sang tiếng Việt bởi dịch giả Nguyễn Mai Chi) - thành tựu nổi bật trong chuỗi hoạt động nghệ thuật của cô, cháu biết đến cô. Vào năm 2019, website mua sắm trực tuyến Tiki có chương trình giảm giá lớn, và tất nhiên, cháu không thể bỏ qua dịp này. Lượn lờ trên mạng cháu thấy cuốn sách này. Sau khi đọc mô tả và bình luận của mọi người, cháu quyết định mua nó.


“Dải Sam” là câu chuyện về 3 người phụ nữ sống ở 3 quốc gia, ở 3 châu lục khác nhau trên thế giới: Smita ở Ấn Độ, Giulia ở Ý và Sarah ở Canada. Tưởng chừng như họ chẳng có gì liên quan đến nhau cả, nhưng không, chỉ qua những sợi tóc mảnh mai mà tất cả như được gắn kết lại với nhau. Smita và Lalita - con gái Smita dâng lên thần Vishnou mái tóc của họ ở Điện Thờ Vàng, mái tóc đó đã đến tay Giulia, cứu được công xưởng trên bờ vực phá sản, sau đó thì đã truyền được động lực sống cho Sarah khi cô ấy đội chúng lên đầu.


Đầu tiên cháu rất ấn tượng việc cô kể xen kẽ các sự việc xảy ra với 3 người phụ nữ. Khi cô xen kẽ các sự việc của 3 người lại, các sự việc đều có một mức độ tương đương nhau. Mở đầu sự xen kẽ, cô kể về hoàn cảnh của Smita, Giulia và Sarah. Tiếp theo đó chính là những khó khăn của 3 người: Smita bỏ làng ra đi, công xưởng của Giulia bên bờ vực phá sản, Sarah mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, mới đầu cháu thấy cách sắp xếp sự kiện xen kẽ như vậy có chút không liền mạch ở câu chuyện của các nhân vật.


Smita, người phụ nữ thuộc tầng lớp bị khinh miệt nhất trong xã hội. Xuyên suốt câu chuyện về Smita luôn có “một sự bồn chồn êm dịu tựa như một chú bướm lạ đang cồn cào vẫy cánh trong khoang bụng”, cháu nghĩ đó là khát vọng bình đẳng, sự mong muốn giải thoát khỏi tất cả đau khổ mà cô ấy phải chịu, sự mạnh mẽ, can đảm và cả sự lo lắng cho con gái của mình trong chuyến bỏ trốn và tương lai của cô bé. Lalita cũng mạnh mẽ như mẹ của cô bé vậy. Khi thầy giáo bắt cô bé quét lớp trước các bạn, Lalita đã nói “Không”, dù cho bao nhiêu đòn roi rơi xuống da thịt cô bé, Lalita vẫn đứng vững với sức mạnh nội lực “từ sâu thẳm bên trong, vẹn nguyên không tì vết”.


Giulia, cô nàng đã đương đầu với khó khăn, dám nghĩ dám làm khi quyết định nhập khẩu tóc, những sợi tóc của mẹ con Smita, để cứu công xưởng. Cô và Kamal - người tình của Giulia, đã vượt qua những định kiến về dân tộc, tôn giáo để ở cạnh nhau. Kamal luôn ủng hộ cô với tất cả sự nhiệt tình, trân trọng tất cả ý tưởng táo bạo của cô. Cô biết rằng trong tương lai còn rất nhiều điều hứa hẹn và cô là người quyết định tương lai ấy.


Sarah, cô luật sư mắc bệnh ung thư vú, bị đồng nghiệp phân biệt đối xử, nhờ bộ tóc giả mà công xưởng của Giulia làm ra đã cho cô niềm tin mãnh liệt rằng cô sẽ sống. Cô vạch ra những kế hoạch đấu tranh cho cuộc chiến của chính mình, để cô không còn là “người phụ nữ bị chẻ làm đôi”.


Câu chuyện của 3 người phụ nữ khác nhau về địa vị, về tầng lớp, về màu da, về độ tuổi,… nhưng họ luôn vươn lên nghịch cảnh, đấu tranh, không chịu khuất phục trước số phận, khó khăn, bệnh tật. Qua “Dải Sam” cháu biết thêm về phân chia giai cấp ở Ấn Độ, đồng cảm với nhân vật khi phải đứng giữa gia đình, tình yêu, sự nghiệp, và cảm thấy sự vất vả thậm chí cô độc của người phụ nữ phải gánh vác gia đình và lo cho sự nghiệp.


Cháu xin kết thư ở đây. Chúc cô nhiều sức khỏe để vượt qua đại dịch COVID-19.


Độc giả đến từ Việt Nam

Lê Hoàng Ánh


Bạn có thấy đồng cảm với bức thư này không? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________

Bookiee - Sách là niềm vui

16 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page