Thí sinh: April
Bí mật của một mối quan hệ thân thiết
Chị Cách Tử San thân mến,
Em là Ngân, hiện đang là sinh viên đại học năm hai. Em thực sự cảm ơn chị vì đã viết ra và cho em có cơ hội được biết đến cuốn sách hay như “Sống tự lập chứ đừng cô lập”.
Cấp ba là lúc em bắt đầu cảm thấy “sai sai” trong việc giao tiếp và tạo mối quan hệ. Khi những đứa bạn xung quanh đã tìm được “tụ” của mình để chơi chung trong những giờ ra chơi, cũng dễ dàng chia sẻ quan điểm của mình lên nhóm chat của lớp, em lại ngược lại - không thể tham gia cuộc trò chuyện của bất kỳ “tụ” nào và sống khép kín đến mức không dám nói một lời nào trên nhóm chat chung của lớp. Tuy sau đó em tình cờ vô được một hội bạn cũng hơi “độc lập” trong lớp nhưng sự thân thiết của tụi em hầu hết là đến từ sự chủ động của bạn thân của em. Lúc đó em đã nhận ra được sự thụ động của bản thân là thứ cản trở lớn nhất khi tạo một mối quan hệ thân thiết. Và sau đó cấp ba kết thúc, tụi em không lên chung một trường đại học.
Nhưng nên chủ động hơn như thế nào đây? Lên đại học, em đọc nhiều sách self-help về giao tiếp nhưng do không hiểu bản chất của vấn đề, năm nhất trôi qua nhưng em vẫn cảm thấy lạc lõng trong những mối quan hệ xung quanh mình.
Cho đến khi em có duyên đọc được cuốn sách của chị. Ngay từ những chương đầu tiên, em đã nhìn thấy mình khi nghe chị mô tả bản thân chị trong quá khứ, rằng chị cũng từng là một cô gái cực kỳ mạnh mẽ, độc lập: “Chấm công, tự tôi chấm; Cà phê, tự tôi mua… Thậm chí đến lúc ốm đau, cần sự giúp đỡ của người khác, tôi cũng sẽ không lên tiếng làm phiền họ, tôi đều sẽ cắn răng chịu đựng, đến tận lúc thân thể hoàn toàn bình phục.” Ngẫm lại, em thấy đó cũng là cách em hay giao tiếp với những người xung quanh. Việc tôi tôi làm, việc anh anh làm. Việc tôi có thể làm được tuyệt đối sẽ không làm phiền tới anh.
Mỗi khi đọc được điều gì thú vị, em không dám gửi cho đứa bạn nào vì sợ làm phiền tụi nó mà chỉ lặng lẽ lưu về hoặc chia sẻ ở chế độ riêng tư mà thôi. Chưa kể hồi đó em lại làm nhóm trưởng nữa chứ. Cứ nghĩ rằng việc than thở sẽ ảnh hưởng đến hình tượng của một nhóm trưởng mẫu mực nên điều gì em cũng thầm chịu đựng, cho rằng sự trách nhiệm của mình sẽ khiến mọi người yêu mến. Nhưng những người bạn em quý mến, mỗi lần nói chuyện, em lại chẳng biết nói gì ngoài những chuyện học hành trên lớp khiến cuộc nói chuyện muốn duy trì cũng trở nên gượng gạo.
Chị của quá khứ với em lúc bấy giờ dù khác đất nước, khác độ tuổi cũng khác công việc, nhưng điểm chung lớn nhất lại là suy nghĩ – suy nghĩ “sợ làm phiền”. Để rồi một lời nói đơn giản đã khiến cho chị, cho em, và cho những người đang sợ làm phiền người khác giật mình nhận ra rằng: “Em không muốn làm phiền người khác, mục đích ban đầu dĩ nhiên là tốt, nhưng em có bao giờ nghĩ rằng nếu em vẫn không làm phiền, không tác động qua lại với mọi người thì mối quan hệ giữa em và những người khác sẽ không thể nào trở nên thân thiết, người khác nhìn thấy em đương nhiên sẽ cảm thấy lạnh như băng hay không?”
“Làm phiền chính là làm thân”, hiểu được điều đó, em đã bắt đầu can đảm hơn trong việc “làm phiền” người khác. Em bắt đầu than vãn về những khó khăn của mình với bạn bè, tham gia vào những câu chuyện bà tám trong lớp, chia sẻ với bạn bè những điều thú vị, hay ho mà em tìm thấy… Nhờ những điều nho nhỏ đó thôi, em cảm thấy em và những người bạn em yêu quý đã mở lòng và thân thiết hơn với nhau rồi. Nếu không biết đến bí mật này, có thể em sẽ lại vẫn như cũ, đánh mất những người bạn dễ thương khi rời đại học và cũng chẳng thể có một cuộc sống đại học vui vẻ và ý nghĩa như bây giờ.
Một lần nữa cảm ơn chị Tử San!
Thân,
Ngân
Sau khi đọc bức thư này bạn có cam nghĩ gì? Hãy chia sẻ với Bookiee nhé!
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments