top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Bức Thư “Bác Haruki Murakami Ơi, Cháu Có Điều Muốn Nói!

Thí sinh: Tử Nghiễn



Gửi bác Haruki Murakami!


Năm 18 tuổi, sau khi thi xong đại học cháu lần đầu đọc cuốn “Rừng Na-uy”, lần đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm của bác. Thật sự thì đó là lần mà cháu đọc nhưng không hiểu được bao nhiêu cả phần nhiều vì thiếu trải nghiệm trong tình yêu cũng như trải nghiệm trong cuộc sống. Nhưng với bản tính tò mò, cháu suy nghĩ rất nhiều về mối liên kết giữa tình cảm, tình yêu, nỗi cô độc và cái chết mỗi khi nghĩ đến cuốn sách nên cháu đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.


Bác đã nghĩ gì khi viết cuốn sách này? Tại sao bác có thể nói về cái chết một cách nhẹ bẫng như thế? Dụng ý của bác là gì khi viết một cuốn sách lay động tâm can, đầy rẫy những bi kịch nhưng cũng không kém phần dịu dàng, quyến rũ?


“- Cậu có thường ở một mình như thế không?

- Luôn là thế!

- Cậu thích cô đơn à?

- Không. Chả ai thích cô đơn cả. Tớ chỉ không cố kết bạn. Thế thôi!”

( Rừng Na-uy, Haruki Murakami)


Bi kịch chính là nỗi cô đơn của những người trẻ, những người bị mất kết nối với chính bản thân mình, mất kết nối với thế giới bên ngoài. Không một ai có thể giúp đỡ, sự vùng vẫy không có điểm tựa và bờ vực giữa sống và chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Và từ đó, họ lựa chọn kết thúc, họ từ bỏ chính bản thân mình, họ tước đi cơ hội của bản thân mình cũng như những người khác. Cái chết nối tiếp cái chết khiến màu sắc trong cuốn sách nhuốm màu u ám. Nếu được gặp bác trước thời điểm cuốn sách được hoàn thành, cháu hy vọng bác đừng lấy đi sinh mệnh của Naoko. Cuộc sống đã lấy đi quá nhiều điều quý giá của cậu ấy, bác hãy để cậu ấy được tồn tại, theo bất kì dạng thức nào. Bởi vì “Ý nghĩa của sự tồn tại có lẽ không phải là ở ngay trước mắt, cũng không phải là điều làm cho ta dễ dàng nhận thấy. Nhưng nó vẫn luôn hiện hữu như bản thân nó vậy”( Tình muộn, Dạ Vi Lan).


Màu sắc tương phản lại như một áng thơ dịu dàng, mối tình đầy giằng xé giữa các nhân vật trong truyện mang yếu tố lãng mạn, chạm vào trái tim người đọc. “Rừng Na-uy” là một tác phẩm 18+, tình dục chính là liều thuốc cứu rỗi tâm hồn các nhân vật, là cách mà con người trong truyện của bác kết nối với nhau, họ cảm thấy ấm áp khi nằm trong vòng tay nhau. Tình dục chỉ đơn thuần là tình dục như bản chất của nó mà thôi. Điều cháu cảm thấy đáng tiếc nhất trong tác phẩm của bác chính là giữa những con người đều có sợi dây vô hình tồn tại dù cho họ đang ở bên nhau, đang trong vòng tay nhau. Họ hoà vào nhau khi làm tình nhưng khi trở về cuộc sống thường ngày, sợi dây vô hình đó lại hiện lên ngăn cản họ chữa lành cho người kia cũng như cho chính bản thân họ. Trong cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” bác có câu thế này “Nỗi đau là điều không thể tránh khỏi, nhưng chịu đựng nó hay không lại là sự chọn lựa”. Phải chăng trong “ Rừng Na-uy” bắt đã để cho các nhân vật của bác tự gánh chịu nỗi đau?


Tác phẩm này giúp cháu thấm thía hơn câu nói “Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội” và “Nghệ thuật không đòi hỏi ta thừa nhận các tác phẩm như là hiện thực”. Tấm gương phản chiếu đời sống xã hội chính là hiện thực của tư tưởng, hiện thực của tinh thần. Nghệ thuật không có đúng- sai, không có tuyệt đối, nghệ thuật chính là sự cảm nhận của con người. Bác cũng cho cháu hiểu bác viết về cái chết một cách nhẹ nhàng là bởi vì cái chết chính là một phần của sự sống, cái chết vẫn luôn tồn tại, ngay bên sự sống.


Cảm ơn bác đã viết ra một tác phẩm sâu sắc như là một người bạn cho các thế hệ sau này!


Chúc bác sức khoẻ!


Tử Nghiễn.


Hãy cùng Bookiee cùng suy nghĩ về bức thư này nhé!


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

______________________________

Bookiee - Sách là niềm vui


3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page