top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

“Rừng Na-uy”: Sự Cô Đơn Của Tuổi Trẻ

Đã cập nhật: 28 thg 7, 2022


Có một câu nói như thế này: Nỗi cô đơn giống như một dạng dị tật bẩm sinh của toàn nhân loại.


rừng na-uy haruki murakami

Có một câu nói như thế này “Nỗi cô đơn giống như một dạng dị tật bẩm sinh của toàn nhân loại”. Nhưng cô đơn đến chết như Naoko, Kizuki, Hatsumi trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này có lẽ còn hơn cả một dạng dị tật mà con người ta đủ sức chấp nhận được. Đó là một căn bệnh của sự trưởng thành, gặm nhấm họ đến chết. Đó là một cuộc chiến sinh tồn bên trong mỗi người trẻ, nhưng đó cũng là sự chọn lọc của tự nhiên. Hãy thử đọc cuốn sách này một lần nếu bạn cũng cô đơn và đang tìm lối thoát.


Tác giả Haruki Murakami


Haruki Murakami là tiểu thuyết gia, dịch giả nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc. Ông sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949 tại Kyoto, nhưng lớn lên tại thành phố Nishinomiya và thành phố Ashiya ở tỉnh Hyogo. Xuất thân trong một gia đình có bố mẹ đều là giáo viên môn “văn học Nhật Bản”, tuy nhiên, ông lại chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhiều hơn.


Hầu hết các tác phẩm của Haruki đều được bán rất chạy và tạo tiếng vang lớn, không chỉ trong mà còn ngoài nước. Bằng lối viết độc đáo, sâu sắc cùng cái nhìn tinh tế, những tác phẩm của ông thường gây xúc động mạnh, hoặc sự ám ảnh cho độc giả. Một số tiểu thuyết nổi tiếng có thể kể đến như “Rừng Na-Uy”, “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”, “Kafka bên bờ biển”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”...


Nhà văn Haruki Murakami (nguồn: The New Yorker)


Tác phẩm “Rừng Na-uy”


Tựa đề


Rừng Na-uy vốn không phải là một địa danh có thật, và tôi cũng không hiểu vì sao lại có tựa đề này, mặt khác tác giả cũng chưa có chia sẻ gì về nó. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ đó là khu rừng bên trong mỗi người, như một câu văn trong cuốn sách này đã nhắc đến "Mỗi người đều có một khu rừng của riêng mình, có lẽ chúng ta chưa bao giờ đi qua, nhưng nó đã ở đó và sẽ luôn ở đó. Người cần lạc sẽ lạc, người cần gặp lại ắt sẽ gặp lại."


Nội dung sơ lược


Câu chuyện là dòng hồi ức của chàng trai Watanabe Toru về một giai đoạn đầy biến động trong cuộc đời anh. Ở cái độ tuổi 18 20 ấy, anh đã yêu sâu đậm một cô gái tên Naoko, bạn gái của cậu bạn anh thân nhất - Kizuki. Tình yêu ngang trái này đã khiến anh giằng xé rất nhiều. Tuy nhiên, một sự kiện bất ngờ đã xảy ra, Kizuki tự sát bằng ống xả trong ô tô kín. Cái chết của Kizuki đã để lại vết thương rất lớn trong lòng Toru và Naoko, Toru luôn thấy ám ảnh, còn Naoko thì cảm giác như mất đi một phần con người mình.


Có lẽ vì đồng cảm với nhau, Naoko đã nảy sinh tình cảm với Toru, và họ ngủ cùng nhau trong lần sinh nhật thứ 20 của cô. Sau sự kiện ấy, Naoko nghỉ học ở trường và tiếp nhận điều trị tâm thần ở nhà nghỉ Ami. Về phần Toru, cuộc sống của anh vẫn diễn ra bình thường nhưng có phần tẻ nhạt, đôi lúc anh cũng có những chuyến ghé thăm Naoko.


Một thời gian sau, Toru kết bạn với Midori - một cô gái hoàn toàn trái ngược với Naoko. Họ đã yêu nhau, tuy nhiên, tình yêu này lại một lần nữa khiến Watanabe giằng xé. Anh tự hỏi đó là yêu hay là ham muốn? hay có chăng là sự tạm bợ để khỏa lấp cô đơn?


Một cảnh trong film Rừng Na-uy (Nguồn: Pinterest)


Có lẽ cái hay và sâu sắc nhất của tiểu thuyết này chính là chúng ta đã không tìm ra được cái kết chính xác cho câu chuyện này. Watanabe sau cùng đã nhận ra Midori mới là người anh luôn yêu. Nhưng chuyện tình giữa họ có tiếp tục hay không, hay mãi dừng ở cuộc điện thoại cuối cùng ấy. Một cái kết đầy ám ảnh, vỏn vẹn trong dòng suy tư của Toru “Tôi gọi Midori, gọi mãi, từ giữa ổ lòng lặng ngắt của chốn vô định ấy”...



Những khía cạnh tâm đắc


Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống. Nó là một phần của cuộc sống.

(Trích “Rừng Na-uy”)


Quả thật, có rất nhiều cái chết trong cuốn tiểu thuyết này. Ngay từ những trang đầu tiên là cái chết của Kizuki tự sát bằng ống xả trong ô tô, chị gái Naoko treo cổ trong phòng, cả hai khi ấy đều mới 17 tuổi. Về sau là cái chết của bác ruột Naoko (21 tuổi) do nhảy vào đoàn tàu đang chạy, Hatsumi cắt cổ tay sau 2 năm kết hôn. Cuối cùng là cái chết của chính Naoko, cũng chung một phương thức là tự sát. Tất cả họ đều rất trẻ, nhưng tất cả họ đều khiếm khuyết một điều gì đó trong tâm hồn.


Tôi không nghĩ sự tự sát của những nhân vật này là tiêu cực. Họ chỉ đang tự cứu rỗi mình, tự giải thoát bản thân khỏi sự nghẹt thở khi phải gồng mình tồn tại.


Wanatabe trong phim (nguồn ảnh: Mongrel Media)



Tôi cũng không nghĩ họ đáng thương. Người đáng thương nhất chính là những người ở lại, đặc biệt là Watanabe Toru. Cứ ngỡ, với chừng ấy những nỗi đau, và tuyệt vọng, Toru cũng sẽ tự sát. Nhưng anh đã chọn vượt qua và sống tiếp, có lẽ vì anh chấp nhận được cái chết hiện hữu quanh anh, cái chết như một phần trong cuộc sống, và mãi chẳng thể khác đi. Anh cũng không thể là một quân cờ domino trong vòng xoáy chết chóc ấy.


Sau khi đã tìm kiếm, tổn thương và lạc hướng, chúng ta vẫn có thể tin vào tình yêu như cũ chính là một loại can đảm.

(Trích ‘Rừng Na-uy”'


Có lẽ, tất cả chúng ta đều đã từng hoặc đang là một phiên bản của Watanabe, hay Hatsumi. Đều có một tình yêu sâu đậm, đơn thuần, yêu bằng một trái tim với nhịp đập “trẻ”. Đó là tình yêu đẹp nhất và duy nhất trong đời người. Dẫu cho có thể trong suốt cuộc đời mình, bạn sẽ yêu nhiều người nhưng bạn sẽ không thể yêu một tình yêu như Watanabe dành cho Naoko đến hai lần. Bởi không phải tình yêu nào cũng giống nhau....


Trong câu chuyện này, tôi nghĩ tình yêu của hai nhân vật phụ Hatsumi và Nagasawa chính là mô tả thực nhất về tình yêu tuổi trẻ, với đầy đủ những cung bậc cảm xúc từ hạnh phúc, đến tổn thương, và sau cùng là lạc hướng. Tình yêu của Toru dành cho Midori cũng vậy, nhưng dường như Toru đã can đảm hơn Hatsumi và Nagasawa. Sau rất nhiều tổn thương, anh vẫn yêu thêm một lần nữa, sau rất nhiều giằng xé, anh vẫn thừa nhận tình yêu của mình dành do Midori.


Wanatabe và Midori trong phim (nguồn ảnh: Amazon)



Phát hiện thú vị


Có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết thành công nhất của Haruki Murakami, tác phẩm không chỉ lấy đi nước mắt, mà còn để lại sự ám ảnh, day dứt trong lòng người đọc, trở thành một trong những cuốn sách best - seller, cuốn sách kinh điển của thời đại


Giống như những cái chết, tình dục hiển hiện khắp mọi ngóc ngách của câu chuyện. Có lẽ, đây là dụng ý của tác giả, một phần lột trần thực trạng về lối sống của giới trẻ Nhật giai đoạn 1960, nhưng mặt khác cũng phê phán mặt tối của con người, sự ham muốn thể xác đến bừa bãi.



Kết luận


Đây không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết, đúng hơn là một bức tranh toàn cảnh về xã hội. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm đều mang tính thời sự trong mọi thời đại, ví dụ như thực trạng về sự yếu đuối của người trẻ, quan hệ tình dục bừa bãi, lối sống thiếu trách nhiệm, vô cảm,...


Khép lại cuốn sách, điều khiến tôi vẫn luôn day dứt chính là sự cô đơn của những nhân vật trong câu chuyện. Mỗi người đều có một nỗi đau riêng, có lẽ vì vậy mà họ có sự liên hệ, móc nối với nhau. Trong số họ có người chọn cái chết để giải thoát, có người chấp nhận vượt qua và bước tiếp. Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều chọn vượt qua nỗi đau và bước tiếp, cũng hy vọng chúng ta không có ai phải đau đớn đến méo mó trong tâm hồn như Naoko.



(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui


1.336 lượt xem1 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page