top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Trung Thu, Tôi Tập Làm Văn Thuở Thơ Ấu

Hồi bé, mỗi khi Hà Nội sang thu, cô giáo sẽ giao cho chúng tôi một bài tập làm văn về nhà, nhưng câu hỏi luôn giữ nguyên như vậy dẫu qua ngần ấy năm: “Kể về một Tết Trung thu đáng nhớ nhất của em.”



Mới năm ngoái vẫn còn là những khuya cuối hạ oi ả, hầm hập dù thời gian theo lịch khi ấy đã là tiết Lập thu. Vậy mà mấy hôm nay, trời tuôn mưa xối xả, càng gần đến rằm tháng Tám, mưa càng dữ dội hơn, cả một ngày dài không dứt. Có lúc, tôi khẽ mở cửa sổ, lại bắt gặp làn gió heo may phảng phất hơi thở se se lạnh của đất trời đang cựa mình chuyển giao vào những tháng cuối năm.


Hồi bé, mỗi khi Hà Nội sang thu, cô giáo sẽ giao cho chúng tôi một bài tập làm văn về nhà, nhưng câu hỏi luôn giữ nguyên như vậy dẫu qua ngần ấy năm: “Kể về một Tết Trung thu đáng nhớ nhất của em.” Thế mà, phải đến tận lúc tôi trưởng thành, khi nỗi niềm nhớ thương và đau đáu về những ký ức tuổi thơ gắn chặt trong tâm trí, tôi mới có đủ dũng khí tự mình viết bài văn này. Không còn là những câu từ, dòng chữ mà tôi học lỏm ở mấy cuốn sách văn mẫu ngày xưa, đây chỉ đơn giản là cảm giác mong mỏi được “sống lại” lần nữa những kỷ niệm dấu yêu của tuổi nhỏ.


Nếu có ai hỏi điều gì đã vỗ về tôi mãi say trong giấc nồng của tuổi trẻ, tôi sẽ bảo họ rằng tôi nhớ nhung những sạp bánh Trung thu trải dài bên vệ đường mỗi chiều tan học khi ấy, lúc tôi cùng ba ngắm nhìn và chọn mua những hộp bánh trung thu sặc sỡ. Nhưng chúng tôi không còn như vậy khi tôi chuyển về ngôi trường gần nhà, khi tôi biết tự đạp xe đi học, khi gia đình tôi chỉ mua bánh ở những cửa tiệm truyền thống gần nhà.


Khi số lần ngồi sau trên chiếc xe máy cũ kỹ của ba ngày một vơi dần, là lúc tôi nhận ra, khoảng cách giữa ba và tôi ngày càng lớn hơn. Tôi không còn là một đứa trẻ được ba chở đến trường mỗi ngày và ba cũng không còn là người sẽ luôn dìu dắt tôi trên mọi nẻo đường đời sau này.


Nếu ai đấy hỏi tôi sao luôn ước ao sống mãi trong hình hài đứa trẻ, tôi sẽ kể họ nghe rằng mẹ vẫn luôn sắm sửa cho tôi những bộ cánh tiên lộng lẫy như nào mỗi khuya rằm rước đèn phá cỗ. Tôi của năm tháng thấp bé, đầu nấm, răng sún lại như một nàng công chúa nhỏ trong vòng tay ấm nóng cùng tiếng ru à ơi của mẹ. Nhưng khi tôi không còn mân mê những nếp vải mịn màng ấy nữa, là lúc mẹ cũng ngừng nắm chặt tay tôi mỗi lần ghé qua cửa hàng quần áo và thứ dần lớn dần giữa hai chúng tôi lại là những khoảng lặng vô hình.


Ai đấy từng hỏi tôi sao còn chờ mong mỗi khoảnh khắc cận kề rằm tháng Tám tới vậy, dù trăng không còn sáng bằng những ánh điện huỳnh quang, dù lũ trẻ không còn thiết tha đèn ông sao năm cánh như xưa nữa, hay ngay cả khi tiếng kèn, tiếng trống mang âm hưởng dân gian nhường chỗ cho những tiếng nhạc hiện đại, xập xình. Có lẽ bởi vì Trung thu vẫn là một cái “cớ” cho tôi, cho những người trẻ khó giãi bày suy tư, được thêm một lần sum vầy bên gia đình, được đắm chìm trong cảm giác đoàn tụ, khi cả nhà quây quần bên mâm cỗ, cắt từng miếng bánh, thưởng thức một ngụm trà hương nhài.


Tuy không còn là hình bóng trong nỗi nhớ cũ của tôi, dù Trung thu giờ “khoác” lên mình một sắc màu mới, nhưng vẫn sẽ luôn là một dịp để gắn kết gia đình, để thỏa nỗi mong ngóng về một tuổi thơ trọn vẹn.


Trung thu này, bạn có ở bên người thân không?


 

Bookiee - Sách là niềm vui

7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page