top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[92] Ước mơ của mẹ là gì?

Nhưng cuốn sách đã giúp tôi nhận ra một điều, có một thế giới ở rất gần tôi, nhưng tôi lại không hề hiểu biết về thế giới đó là “thế giới của người mẹ”.



“Mẹ bị lạc đã một tuần”


Câu nói này đã lôi quấn mình mở từng trang sách ra đọc và bị cuốn vào câu chuyện trong đó, đến nỗi khó lòng thoát ra được, bởi lẽ mình đã thấy mình, thấy bạn và thấy rất nhiều người trong đó. Đó là một ngày tình cờ, ánh mắt mình hướng tới cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ” của tác giả Shin Kyung-sook. Mình sẽ nhớ mãi khoảnh khắc này, bởi lẽ, chính khoảnh khắc được bắt gặp cuốn sách, mình đã mở ra một cách sống mới cho bản thân, để mai này mình sẽ không phải nuối tiếc mà thổn thức hai từ “giá như...” Nếu bạn còn đang là một người con chẳng ngó ngàng gì đến những chuyện hằng ngày của mẹ mình, thì cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung-sook sẽ khiến bạn phải giật mình, ngoảnh lại, rơi lệ và quan tâm nhiều hơn đến người mẹ đáng kính bấy lâu nay.


“Hãy chăm sóc mẹ” kể về cuộc hành trình đi tìm người mẹ bị thất lạc của những thành viên còn lại trong gia đình. Người mẹ ấy tên Park So Nyo – một người mẹ Hàn Quốc điển hình và mẫu mực. Cuốn sách kể về câu chuyện người mẹ bị đi lạc trong một lần cùng chồng lên thành phố để thăm các con, vì bà không đi kịp chồng nên đã bị lạc ở ga tàu. Nhưng ngỡ ngàng là, khi viết thông báo tìm mẹ, những ký ức họ nhớ về mẹ mình sao mà nhạt nhòa đến

vậy, đó chỉ là “tóc muối tiêu ngắn, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi màu xanh da trời”, có lẽ đã quá lâu rồi, các anh chị em trong nhà và cả người bố đã không ngắm nhìn hay để tâm nhiều đến người mẹ, để rồi họ không thể nhớ thêm được đặc điểm nhận dạng nào của mẹ mình. Và còn thảng thốt hơn là, khi cần có ảnh của mẹ để đăng thông báo tìm người đi lạc, họ mới nhận ra, chiếc ảnh cuối cùng mà họ chụp với mẹ đã cách đây hơn 2 năm rồi. Mọi người chợt nhận ra sự tồn tại của bà hình như quá ít ỏi trong tâm trí họ, họ không có bức hình tử tế với bà, không biết đến căn bệnh mất trí nhớ trầm trọng của bà, không muốn biết đến quá khứ, hiện tại và cả tương lai sau này của bà ra sao, những gì họ có chỉ là những mảnh ghép vụn không rõ chính xác từ người lạ: “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn” và một sự hy sinh vốn dĩ phải có từ bà: “Mẹ sinh ra đã là mẹ.”


Đọc tới những dòng này, tôi chợt thấy khóe mắt mình cay cay, tôi thấy hình ảnh của mình trong đó. Mẹ cứ luôn bên tôi, ân cần chăm sóc, quan tâm tôi hàng ngày, đến nỗi tôi cảm thấy đó là những điều đương nhiên và mẹ sẽ luôn ở đó. Tôi chưa bao giờ dừng lại để cảm nhận khoảnh khắc được ở bên mẹ thật ý nghĩa biết bao. Tôi chợt tự hỏi: “Mẹ bị lạc đã một tuần” hay “Mẹ bị lạc đã rất lâu rồi”, mẹ bị lạc trong chính ngôi nhà mình, mẹ lạc mất trong sự vô tư quá mức mà đôi lúc nó trở thành vô tâm của người chồng, của các con, mẹ cũng đã lạc mất chính mình từ rất lâu rồi. Lâu tới nỗi, ba anh em trong câu chuyện không thể biết được “Ước mơ của mẹ là gì?”. Người con trai cả mang theo ước mơ cả đời của người mẹ ấy rằng anh sẽ trở thành công tố viên. Nhưng sau này ước mơ không thành, anh chỉ xem đó như một cú chuyển mình đau đớn của tuổi trẻ, mà không nhận ra được vì anh, vì khát khao ấy, mẹ đánh đổi nhường nào.


Đứa con gái thứ cứ ngỡ rằng mẹ là bếp, và bếp cũng là mẹ, đến khi lấy chồng rồi sinh con,

mới biết mẹ hình như cũng có những góc khuất tâm hồn bị cào cấu đến chai sạn.


“Chị có nghĩ mẹ thực sự thích ở dưới bếp không?”

“Sao em lại hỏi vậy?”

“Chẳng hiểu sao em cứ nghĩ mẹ không thích ở dưới bếp.”


Chồng của bà – sau những tháng năm phiêu bạt khắp nơi, những tháng ngày “đuổi hoa bắt bướm” với những người đàn bà chớp nhoáng, về lại căn nhà không còn nghe thấy tiếng bà nữa, mới nghĩ về bà nhiều hơn, không biết được là bao năm qua, bà âm thầm quyên góp cho “Ngôi nhà hy vọng” của những đứa trẻ mồ côi. Ông chỉ nhớ đến bà, khi bà không còn xuất hiện trước mặt ông mỗi ngày nữa. Trong suốt năm mươi năm kể từ lần đầu gặp mặt khi ông mới hai mươi tuổi, câu nói: “Ông đi chậm một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình. Sao ông không đi chậm lại khi mà suốt đời vợ ông luôn bảo ông đi chậm lại một

chút cơ chứ? Ông có thể dừng lại đợi vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh chuyện trò với bà như bà muốn, chưa bao giờ, dù chỉ một lần.”


Bạn thân yêu, chúng ta là những người trẻ, được sống trong thời đại phát triển, với sự thông minh vượt bậc của công nghệ mà tôi và bạn tưởng chừng, không gì là chúng ta không thể hiểu biết. Nhưng cuốn sách đã giúp tôi nhận ra một điều, có một thế giới ở rất gần tôi, nhưng tôi lại không hề hiểu biết về thế giới đó là “thế giới của người mẹ”.


Cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ” được nhiều độc giá nhận định là một điểm sáng chói của văn học Hàn Quốc vì đã khơi gợi những cảm xúc thiêng liêng nhất về tình cảm gia đình, cuốn sách đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng và được xuất bản ở 19 quốc gia.


“Hãy chăm sóc mẹ” không khiến mọi người bàn luận về tài năng nghệ thuật trong văn chương của tác giả, cũng không khiến người đọc trầm trồ về sự uy nghi tráng lệ. Mà cuốn sách đã khắc họa những hồi ức chân thật nhất, chân thật đến ám ảnh về người mẹ tần tảo “mẹ bị thương ở mu bàn chân, đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào đôi bàn chân chỗ gần ngón chân cái sâu đến nỗi miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, ruồi muỗi vây quanh vết thương đang rỉ mủ”. Chính những hình ảnh chân thật, những hồi ức riêng tư, lay động, vừa khao khát, vừa chống chếnh mất mát, thay phiên nhau đã dẫn người

đọc trên một hành trình kép, tới những nẻo xa của một nền văn hóa độc đáo và tới những góc khuất sâu thẳm của trái tim.


Với vị trí là một người con, là một người may mắn được nhận sự chăm sóc và yêu thương cao cả của tình mẹ, tôi muốn giới thiệu đến tất cả các bạn cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ”, của tác giả Shin Kyung-sook, được xuất bản vào năm 2009.


 

Bài dự thi số 92

Thí sinh dự thi: Trần Thị Ngọc Diệp

Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách

12 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Opmerkingen


bottom of page