Phép màu lớn nhất mà tôi nhận được ở cuốn sách này, chính là niềm tin về lòng tốt.
Bạn có tin vào phép màu hay những điều kỳ diệu trong cuộc sống? Lúc còn thơ bé, “phép màu” đối với tôi chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, và nó là một thứ gì đó thật vĩ đại và quyền năng. Khi lớn lên, “phép màu” trong suy nghĩ của tôi phai nhạt dần, nó trở thành một thứ giống như may mắn và rủi ro trong cuộc sống, đều không thể nắm bắt và kiểm soát được. Nhưng tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ sau khi đọc “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” của nhà văn người Nhật Higashino Keigo. Đây cũng chính là cuốn sách đầu tiên gieo những hạt giống màu nhiệm vào tâm hồn của tôi.
“Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” của là một cuốn tiểu thuyết bao gồm năm câu chuyện chính kể về những con người với hoàn cảnh, tính cách, số phận khác nhau. Nhưng họ lại được kết nối với nhau qua một cửa tiệm tạp hóa tên là Namiya, nơi có hòm thư tư vấn. Ban đầu, Namiya chỉ là một tiệm tạp hóa bình thường và nó trở thành nơi nhận thư tư vấn bắt nguồn từ một lời nói bông đùa của ông Namiya Yuji – chủ tiệm tạp hóa với đám trẻ con về việc sẽ giải đáp những khúc mắc của chúng. Lúc đầu, chỉ toàn là những câu hỏi tào lao vớ vẩn, nhưng dần dần với sự nghiêm túc của ông Namiya Yuji, những câu hỏi nghiêm túc bắt đầu xuất hiện. Kể từ đó, hình thức nhận thư tư vấn cũng được thay đổi. Những câu hỏi thắc mắc phải được viết thành thư, sau đó nhét vào khe nhận thư ở cửa cuốn và đến lấy thư hồi âm trong hộp nhận sữa ở cửa sau vào ngày hôm sau. Điều khiến tôi bất ngờ nhất là năm câu chuyện trong cuốn sách tưởng chừng như rời rạc lại được liên kết với nhau một cách mạnh mẽ và thống nhất. Cửa tiệm Namiya cũng trở thành nơi nối liền hai khoảng thời gian ở quá khứ và hiện tại, với sự đan xen hài hòa giữa các tình tiết, sự kiện trong từng câu chuyện.
Phép màu lớn nhất mà tôi nhận được ở cuốn sách này, chính là niềm tin về lòng tốt. Lòng tốt vẫn luôn tiềm ẩn trong cuộc sống này, và tồn tại trong chính mỗi người. Lòng tốt thật sự là trao đi mà không cần đền đáp, là niềm tin thuần túy nhất về việc muốn giúp đỡ một ai đó. Giống như cách ông Namiya suy nghĩ thật kĩ trước khi trả lời mỗi bức thư tư vấn, kể cả khi nhận được ba mươi lá thư từ cùng một người ông cũng không hề trả lời qua loa. Vì ông cảm nhận được, người viết thật sự muốn nhận được hồi âm của ông nên không tiếc công sức bỏ ra để viết tận ba mươi lá thư. Cuối cùng ông nhận lại một lá thư xin lỗi từ chính người đó. Chi tiết này thật sự đã khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng. Tôi hiểu ra rằng khi chúng ta giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng, kể cả là một người xa lạ, có thể không nhận được gì về vật chất nhưng hơn cả là cảm giác ấm áp đem lại cho chính mình.
Khép lại trang sách cuối cùng, tôi cảm thấy tâm hồn mình trở nên diệu kỳ hơn bao giờ hết. Hy vọng rằng khi bạn đọc xong cuốn sách này cũng sẽ được sưởi ấm như tôi.
Bài dự thi số 89
Thí sinh dự thi: Phạm Xuân Thu
Cuộc thi viết Trú đông: ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách
Comments