top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[65] Làm gì có ai thực lòng muốn chết

Tôi nhận ra rằng bản thân vẫn vô cùng quý giá đối với những người thân bên cạnh hoặc tôi đã từng quý giá với những người nào đó.



Tôi cần tìm một nơi trú ẩn.

Tôi cần tìm một mái ấm an yên.

Tôi cần những suy nghĩ đừng ào ạt tuôn ra lúc giữa đêm…


Tôi rất sợ đi ngủ. Mỗi lần màn đêm buông xuống, tôi lại hỏi bản thân rằng: “Hôm nay sẽ ngủ được bao nhiêu tiếng?” và “Cuộn phim đó liệu có chiếu tiếp không?” Một cuộn phim tổng hợp những đau đớn từ trong quá khứ đến hiện tại, chúng cứ lặp đi lặp lại cho đến khi tôi bừng tỉnh trong nức nở và vỗ mạnh vào đầu như cố quên đi. Tôi xem nhẹ rằng bản thân mình chỉ căng thẳng vì cuộc sống vội vã và bộn bề, nhưng tôi quên rằng điều đợi chờ tôi phía trước có thể là căn bệnh trầm cảm. Thật may mắn thay tình trạng của tôi có nhiều điểm tương đồng với Lim Sewon - một vị bác sĩ tâm thần, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách giúp tôi tự chữa lành tâm hồn của chính mình bởi “Làm gì có ai thực lòng MUỐN CHẾT.”


Cuốn sách Làm gì có ai thực lòng MUỐN CHẾT” vừa là một món quà cuối cùng của vị cố giáo sư này để lại cho nhân gian vừa là khao khát tìm lại hạnh phúc cho những người đang rơi vào nỗi đau tuyệt vọng, trong đó có cả chính bản thân tác giả và cả tôi.


Mọi việc trong cuộc sống luôn chuyển biến theo những tình tiết mà chúng ta không thể lường trước được. Tôi không biết từ bao giờ căn bệnh trầm cảm đã xuất hiện và tôi cũng không biết đến bao giờ nỗi đau mới ngừng lại. Tôi chỉ nhận thức rằng nụ cười, năng lượng và giấc ngủ của bản thân đã dần vơi đi, thậm chí nhiều suy nghĩ tự bộc phát khiến tôi đau đớn và đánh mất hy vọng. Tôi mang tâm bệnh, tôi biết rất rõ suy nghĩ càng nhiều sẽ khiến bản thân đau khổ càng nhiều. Thế nhưng tôi không thể thoát ra được, tôi chợt thức giấc giữa đêm khuya như một trò đùa và bắt đầu bị cuốn vào mớ hỗn độn của sự suy diễn. Những suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại và chúng sẽ quay trở lại ban đầu khi tôi cố gắng nghĩ khác đi.


Không một ai có thể hiểu được nỗi đau của những người mắc phải bệnh trầm cảm. Đó là sự dày vò và đau đớn xuất phát từ chính những suy nghĩ và trạng thái cảm xúc của bệnh nhân. Hãy tưởng tượng căn bệnh quái ác này tìm đến tôi như một “mũi tên đầu tiên”, thì tôi rõ ràng là rất bất hạnh. Nhưng “mũi tên thứ hai” mang tên sợ hãi, oán trách số phận và tuyệt vọng thì lại khác. Đó là mũi tên tôi tự ghim vào chính mình. Tác giả đã nhắn nhủ với tôi như thế, và từ đó tôi học được cách vượt qua “mũi tên thứ hai”: biết chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực và cho bản thân một cơ hội lựa chọn khác. Khi những việc không hay xảy ra, phản ứng tiêu cực là một lẽ thường tình vì đó không phải sự lựa chọn của ta mà là phản ứng tự nhiên của con người. Nhưng thay vì dằn vặt bản thân với những tiêu cực đó, ta nên bình tĩnh suy nghĩ đâu là lựa chọn phù hợp dành cho mình. Chỉ bằng việc ta còn đủ lý trí cũng giúp ích rất nhiều cho việc ngăn chặn những quyết định gây tổn thương cho bản thân.


“Tôi tự hứa với bản thân rằng từ giây phút này, ngay hôm nay, tôi sẽ bắt đầu tránh mũi tên thứ hai bằng cách trở nên tử tế hơn chính mình.”- Lời hứa của Lim Sewon và cũng là của chính tôi. Sau nhiều lần tự cào cắn bản thân và lên kế hoạch cho biết bao lần tự tử, sau nhiều lần suy nghĩ bản thân bất tài, không còn giá trị gì trên đời này nữa và sau nhiều lần nhìn thấy ánh mắt hốt hoảng, tiếng gào khóc xé lòng của mẹ,... tôi quyết định trân trọng và tử tế với mình hơn. Tôi nhận ra rằng bản thân vẫn vô cùng quý giá đối với những người thân bên cạnh hoặc tôi đã từng quý giá với những người nào đó. Bằng cách suy nghĩ như vậy, tâm hồn mệt mỏi của tôi lại có thêm được một chút năng lượng.


“Bác sĩ, tôi biết là mình có thể chiến thắng được bệnh trầm cảm.” Tôi đọc được câu nói này từ một câu chuyện trong sách của Lim Sewon. Tôi nghĩ mẹ tôi sẽ rất vui khi chính miệng tôi nói câu này với bà thay vì câu nói: “Con nghĩ mình nên chết đi thì hơn.” Tôi đã rất cố gắng gạt phăng đi những kế hoạch tự tử trong đầu. Tôi học được cách khôi phục lại những hoạt động thường nhật nhỏ bé, tôi chăm chỉ sống cho ngày hôm nay và tôi trân trọng từng phút giây bên gia đình.


Thật nhẫn tâm với bản thân khi lựa chọn đi đến bước đường cùng, thật đau lòng khi nhìn thấy một người chọn cách tự mình kết thúc cuộc đời. Làm sao chúng ta có thể ngăn cản một người đã có ý định tự tử? Thật ra người mắc bệnh trầm cảm không thật sự muốn chết, suy cho cùng họ chỉ là muốn thoát khỏi những ám ảnh và đau khổ nhưng lại cảm thấy không có con đường nào ngoài con đường chết. Vì vậy, nếu một khoảnh khắc nào trong cuộc đời khiến bạn có ý định tự tử, bạn nên biết rằng tự tử không chỉ chuyện mỗi cá nhân bạn và đó cũng không phải kết thúc thật sự. Tự tử suy cho cùng là nỗi ám ảnh kinh hoàng và không thể xóa nhòa xuyên suốt cuộc đời đối với những người thân trong gia đình.


Tôi cảm thấy thật may mắn vì bản thân đang dần bình phục và tôi hy vọng lời chia sẻ của tôi sẽ giúp đỡ được phần nào cho những ai vẫn còn loay hoay trong vòng xoáy của sự bất hạnh, không riêng gì bệnh trầm cảm. Hãy đánh bại “mũi tên thứ hai” mà bạn đang đâm vào chính mình, hãy cho phép bản thân lựa chọn sự phù hợp bởi “Làm gì có ai thực lòng MUỐN CHẾT.”


 

Bài dự thi số 65

Bút danh: Xoài Xoài

Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách

1.320 lượt xem5 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

5 comentarios


Hoàng Song Ngân
Hoàng Song Ngân
09 dic 2022

Bài viết thật sự chạm được lòng tôi


Me gusta

Hoàng Song Ngân
Hoàng Song Ngân
09 dic 2022

Mong rằng tác giả có thể vượt qua của nỗi đau căn bnh.

Me gusta

Hoàng Song Ngân
Hoàng Song Ngân
09 dic 2022

Tôi nghĩ rằng chỉ có người đã từng mắc bệnh mới có thể viết ra những giai đoạn bệnh chính xác như vậy

Me gusta

Tường Vy Trần
Tường Vy Trần
03 dic 2022

Mình lần đầu hiểu được nỗi đau mà người bệnh trầm cảm, cảm ơn bạn đã tiếp sức thêm sức mạnh cho người bệnh và thậm chí là những người bị stress vì công việc như mình đây


Me gusta

Tường Vy Trần
Tường Vy Trần
03 dic 2022

Bài viết sâu sắc quá


Me gusta
bottom of page