Nửa bức tranh là sự hiện diện của trẻ con và nửa còn lại là của người lớn cũng đẹp đẽ không kém gì.
Ra đời vào năm 1886, Tâm Hồn Cao Thượng là tác phẩm đặc sắc của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis viết theo thể văn nhật ký của cậu bé Enrico 10 tuổi kể về những chuyện xảy ra trong suốt năm học lớp ba của cậu.
Cậu bé là con của gia đình thượng lưu học chung với các bạn là những người thuộc tầng lớp lao động nghèo khổ. Dẫu vậy, với góc nhìn của Enrico các bạn đều rất đáng mến và thân ái.
Cái lớp học có 54 học sinh ấy là một đại gia đình với các thành viên nhỏ tuổi có tâm hồn vô cùng cao đẹp. Tất cả đều yêu thương nhau như anh em ruột.
Đerotxi thông minh và ham học. Coretti dù rất giỏi giang vừa chăm sóc mẹ vừa học bài.
Crôtxi khuyết tật nhưng luôn nghị lực. Garôphi lanh lợi còn Garônê vô cùng tử tế. Và có cậu bé con người phó nề luôn làm trò "nhăn mõm thỏ" làm cho các bạn cười.
Mỗi đứa một tính cách nhưng các em đã toát lên lối sống tử tế dù rằng ở lứa tuổi này hãy còn trong sáng, ngây thơ. Sự tử tế không chỉ là những cái ôm hôn thân thiết ; không chỉ là nụ cười mở lòng bao dung ; không chỉ là hối lỗi cho sự việc nghịch ngợm của mình mà còn là nhân văn hơn thế nữa.
Các em còn nhỏ nhưng đã biết sự tự tôn dân tộc và lòng yêu nước. Nếu không tự tôn làm sao một cậu bé nghèo ở thành PAĐÔVA sẵn sàng ném trả những đồng tiền mà các vị khách nước ngoài cho mình sau khi chính họ nói xấu về nước Ý của em. Nếu không yêu nước làm sao có đứa trẻ dám can đảm trèo lên ngọn cây trinh sát tình hình phía địch để rồi em hy sinh khi dòng máu tươi tuôn chảy.
Nửa bức tranh là sự hiện diện của trẻ con và nửa còn lại là của người lớn cũng đẹp đẽ không kém gì.
Cách hành xử của ông Nobix quyền quý dành cho người bán than rất mực tôn trọng và khiêm nhường khi đứa con ông đã mắng con người bán than : "Bố mày là đồ bần tiện ! ".
Còn đó hình ảnh người thầy chủ nhiệm Perbôni nói những lời thân ái về lòng yêu nước và hình ảnh người cô tận tụy với học trò mới đẹp làm sao..
Với tôi giá trị lớn nhất trong tác phẩm chính là những lời sâu sắc của người mẹ hay những lá thư đẫm lệ của cha rèn dạy cậu con trai mình.
Người mẹ nói : " Đừng tạo cho mình thói quen thờ ơ trước những người cùng khổ, nhất là trước một người mẹ đang xin ăn cho con mình. Con hãy nghĩ đến cơn đói của đứa trẻ và nỗi đau của người mẹ và thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Nếu đứa trẻ ấy là con và người mẹ khốn khổ ấy là mẹ thì sao?”
Chỉ mấy câu thế thôi người mẹ đã dạy cho đứa con một bài học về lòng thương người.
Và có lẽ điều in đậm tâm trí tôi nhất chính là lá thư sau đây :
" Enrico, bố muốn con ghi nhớ điều này thật kỹ, trong suốt cuộc đời mình, con rồi sẽ gặp nhiều ngày tồi tệ, nhưng ngày tồi tệ nhất sẽ là ngày con mất mẹ. ... và lòng con sẽ quặn đau vì mong muốn được nghe lại, dù chỉ một lần, giọng nói của mẹ, và muốn một lần nữa có được vòng tay rộng mở của mẹ để mà nhào đến, mà thổn thức như một đứa trẻ bơ vơ cần sự chở che và vỗ về.
Hay và chạm lòng quá đúng không các bạn ? Đứa con nào bất hiếu khiến mẹ mình buồn chắc không bao giờ tái phạm khi đọc được mấy câu trên. Trên đời này không tình cảm thiêng liêng nào bằng tình mẫu tử. Và cũng sẽ không có nơi nào ấm áp và bình yên bằng lòng mẹ.
Cha mẹ đã dùng những lời lẽ nhẹ nhàng mà sâu sắc để gieo những mầm xanh tươi tốt vào khu vườn tâm hồn của đứa con. Hay thay, điều đó đã có tác dụng.
Enrico trưởng thành và bắt đầu hiểu chuyện nhiều hơn. Em yêu thầy mến bạn. Em thương cha kính mẹ. Và em yêu cả đất nước của mình. Năm học qua đi nhưng những kỉ niệm đẹp trong khoảng thời gian đó mãi không phai nhạt nơi tâm trí Enrico.
Tuy chỉ là cuốn sách xoay quanh những câu chuyện của trẻ con nhưng lại khơi gợi biết bao câu hỏi cho người lớn.
Ngày hôm nay khi mà chủ nghĩa vật chất lên ngôi khiến người ta thờ ơ nhau đến mức lạnh lùng. Những điều giá trị nhân văn cất giữ nơi sâu thẳm vô tình bị lãng quên. Chúng ta quên rằng trong mỗi con người ai cũng có một trái tim yêu thương và tâm hồn cao thượng.
Nhưng rồi cuộc sống bộn bề chúng ta dần đánh mất nét đẹp ấy.
Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để những điều tử tế ấy không mất đi ở tâm hồn những em thơ. Gieo trồng mầm xanh đã khó mà nuôi dưỡng chúng phát triển càng khó hơn.
Có lẽ cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ gia đình và nhà trường mới mong xã hội ngày càng có những con người sống biết yêu thương và giúp đỡ mọi người.
Bài dự thi số 64
Bút danh: Hạnh Phúc
Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách
Chẳng hiểu sao đọc đi đọc lại vẫn thấy hay
Bọn trẻ trong trang nhật ký hiện ra thật sinh động
Những cậu học sinh nhỏ tuổi dũng cảm
Nếu lòng mình đánh mất cái tốt thì buồn biết mấy
Cùng chung tay gieo điều tử tế vào cuộc sống