top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[61] Sự đồng điệu

Bởi đó là sự kỳ diệu của văn chương, khi những quyển sách tựa như tấm gương phản chiếu lại câu chuyện của bản thân chúng ta.



Đã bao giờ ta thổn thức trước sức mạnh mãnh liệt của ngôn từ? Đã bao giờ khi ta gấp lại một tác phẩm, ta cảm tưởng như thể mình vẫn đang còn phiêu du trong thế giới mà tác giả đã tạo nên?


Bởi đó là sự kỳ diệu của văn chương, khi những quyển sách tựa như tấm gương phản chiếu lại câu chuyện của bản thân chúng ta. Bởi suy cho cùng, những con chữ được dệt nên dưới ngòi bút của tác giả, cũng được lấy chất liệu, nguồn cảm hứng từ đời sống. Thế nên, đã không ít lần tôi thức trắng đêm để thưởng thức trọn vẹn cuốn sách trên tay mình, và cũng không ít lần, tôi đã bật khóc nức nở như đứa trẻ con. Với tôi, “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” của tác giả Fredrik Backman chính là một tác phẩm đặc biệt như thế.


Một cô bé tên Elsa, 7 tuổi nhưng lại có những suy nghĩ “già trước tuổi” cùng bà ngoại của mình- người mà “không giỏi làm một bà già bảy mươi bảy tuổi cho lắm”, đã trải qua những cuộc phiêu lưu hết sức thú vị. Bà ngoại là một người thẳng thắn, bộc trực, sẵn sàng trèo qua hàng rào để vào sở thú hay bắn súng sơn để chọc những người hàng xóm,… Nhưng bà cũng dành nhiều thời gian và tình yêu thương cho Elsa khi buổi sáng thì chở cô bé đến trường, đêm xuống thì họ lại cùng nhau đi vào thế giới tưởng tượng Mơ-màng-ngủ, nơi mà bao nhiêu nhân vật hư cấu và những cuộc hành trình bất tận được vẽ nên. Những người xung quanh có thể cho rằng đây là một người bà lập dị và có phần gàn dở, nhưng trong mắt Elsa, bà lại là một siêu anh hùng thật đặc biệt.


Có người từng nhận xét về tác phẩm này rằng đây không phải là một câu chuyện thần tiên với đầy sự mơ mộng cho thiếu nhi, mà đây là câu chuyện cổ tích dành cho những ai từng là trẻ con. Bởi quyển sách không chỉ có những nhân vật trong trí tưởng tượng của bà ngoại, không chỉ có những trò chơi khăm của bà khiến hàng xóm, và cả mẹ Elsa bực mình, mà ẩn sau đó, là những câu chuyện thật,con người thật mà bà từng gặp, từng trải qua. Hóa ra, họ cũng đều có những tổn thương, góc khuất trong cuộc đời, và bà ngoại hiểu những điều không hoàn hảo của họ chẳng phải thứ gì thật xấu xa, mà họ đang cần được vỗ về và thấu hiểu cho những khuyết điểm của mình. Elsa trong chuyến hành trình gửi các bức thư xin lỗi của bà tới những người bà quan tâm, đã hiểu hơn về suy nghĩ của bà ngoại, rằng có lẽ, tình yêu thương của bà lớn tới nỗi bà sẵn sàng trở nên kỳ quặc một chút để hòa hợp được với cô cháu gái. Bên cạnh đó, cho dù mỗi người mang những cá tính khác nhau, những sự không hoàn hảo khác nhau, nhưng trong họ, vẫn chứa đựng tình người rất đỗi nhân văn, là nơi bình yên để cô bé Elsa trở về sau những mỏi mệt.


Một tác phẩm đặc biệt của nhà văn người Thụy Điển, mang đậm nét đặc trưng của riêng ông khi nó không chỉ có yếu tố hài hước, mà bên cạnh đó còn là chiêm nghiệm sâu sắc về những con người bình thường trong xã hội muôn màu. Xuyên suốt cuốn sách này, tôi không ít lần được gợi lại về người bà của mình. Bà ngoại tôi dù không có cá tính mạnh mẽ như bà của Elsa, nhưng có lẽ tình thương của họ lại thật giống nhau. Khi còn là cô bé bảy tuổi như Elsa, tôi đã được bà đưa vào giấc ngủ bằng những lời ru, câu hát, hay được chơi cùng bà sau những giờ học trên trường. Khi đọc đến bức thư xin lỗi mà Elsa nhận được từ bà ngoại, tôi đã không ngăn được dòng cảm xúc cuộn trào trong lòng: “Xin lỗi vì bà phải già đi”, “Hãy lớn lên, hãy khác biệt và đừng để ai bảo cháu không được khác biệt…”. Sự chia ly với người mình yêu thương nhất quả thật là thứ không hề dễ dàng để đối mặt. Nhưng “người chết chỉ thực sự chết đi khi họ bị quên lãng” (phim Coco), với Elsa, những kỉ niệm cùng bà ngoại sẽ tiếp tục đi cùng cô bé, cũng như tôi vẫn giữ mãi những ký ức đẹp về bà ngoại mình. Và như Elsa đã nói rằng: “Mọi chuyện rồi sẽ ổn. Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”, tôi tin sự chia xa tạm thời đó sẽ giúp cô bé và chính tôi biết trân trọng hơn những người thân yêu xung quanh mình, yêu lấy chính sự khác biệt của bản thân để sống một cuộc đời trọn vẹn nhất.


Tôi từng tự hỏi liệu rằng mình sẽ học được gì sau mỗi quyển sách, bởi phải chăng quá khó để chiêm nghiệm được những ẩn ý sâu xa của tác giả hay không? Nhưng tôi đã hiểu, hóa ra câu chuyện và độc giả cũng chỉ đang lục tìm sự đồng điệu giữa hai tâm hồn. Nó chỉ khó để hiểu, nếu ta không thật sự yêu sách, yêu lấy con chữ. Và như cô bé Elsa trong “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi”, chúng ta đều xứng đáng có siêu anh hùng của riêng mình để được vỗ về, được yêu thương sự không hoàn hảo ở mỗi chúng ta!


 

Bài dự thi số 61

Thí sinh dự thi: Nguyễn Quốc Hương

Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách





115 lượt xem4 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page