Ngọn lửa ấy, sự hồn nhiên ấy như làm dịu lại sự khắc nghiệt của chiến trường và dễ khiến con người ta cảm thấy thương xót, đồng cảm.
Cái chết, có đáng sợ? Trên đời này có lẽ ai cũng sợ chết, vì đó là điểm kết thúc của một đời người, là sự chia li mãi mãi với những người thân, người bạn và cũng là thời điểm mà những dự định, những khát khao của con người sẽ vĩnh viễn không bao giờ được hoàn thành. Tôi cũng đã từng nghĩ như thế đấy, chuyện chết chóc ai mà chả lo lắng, có điên mới đi liều mình chấm dứt mạng sống để rồi bỏ lỡ những dự kiến của cuộc đời!
Nhưng tôi đã lầm!
Có không biết bao nhiêu đứa trẻ trạc tuổi tôi đã vĩnh viễn sống mãi ở cái lứa tuổi 13 14, chấp nhận đánh đổi cả một tương lai dài đằng đẵng ở phía trước và để lại một cuộc đời dở dang, chỉ vì hai tiếng: “Tổ quốc”! Độ tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu ấy, lẽ ra phải là lúc để các em học hành, vui chơi cùng bè bạn. Nhưng chiến tranh - một con quỷ tàn ác sát hại vô số mạng người trên toàn cầu - đã ép buộc chúng phải trở thành những người lớn để có thể xông pha ra chiến trường, cống hiến mọi thứ mà chúng có đơn giản chỉ để nơi mà chúng sinh ra được yên bình và mọi người được sống trong sung túc.
Tôi chắc chắn sẽ không nhìn thấy một hiện thực tàn khốc vô cùng như thế này, nếu tôi không đọc “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. Tôi chắc chắn không bao giờ sôi sục lòng yêu nước đến thế nếu tôi không được chứng kiến tận mắt sự ra đi của từng đồng chí trẻ trong Vệ binh đoàn. Tiếng cầu cứu khẩn thiết của Tổ quốc, sự mất mát gia đình và sự diệt vong mà bọn thực dân Pháp gây ra chính là nguồn động lực để những chiến sĩ trẻ tuổi góp phần bảo vệ đất nước, quên thân mình vì dân tộc.
Những đứa trẻ này đứa thì đáng yêu, yếu ớt, đứa thì thông minh lanh lợi, cũng có đứa gan dạ, dũng cảm. Dù mỗi cậu nhóc ấy mang trong mình một tính cách riêng biệt nhưng đều có một mẫu số chung dễ dàng nhìn thấy, là lòng yêu nước cực kì vĩ đại và nồng nàn. Nó giống như một ngọn lửa dù có cố dập tắt bằng cách nào đi chăng nữa thì vẫn luôn bùng cháy. Ngọn lửa ấy, sự hồn nhiên ấy như làm dịu lại sự khắc nghiệt của chiến trường và dễ khiến con người ta cảm thấy thương xót, đồng cảm.
Nhưng đâu có ai ngờ rằng, tiếng cười nói rôm rả ấy chẳng thể kéo dài được bao lâu thì bọn trẻ đã phải chứng kiến sự hi sinh thương tâm của từng đồng đội. Những đứa trẻ vô tội ấy chỉ vì ấp ủ một khát khao giành lại độc lập cho đất nước mà phải bỏ mạng dưới họng súng của bọn giặc Pháp, của những con quỷ khát máu đến từ những mảnh đất phương Tây, nhẹ hơn thì bị giam vào ngục tối và bị hành hạ một cách dã man đến nỗi một người đàn ông lực lưỡng, mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa cũng khó lòng mà chịu đựng được như chúng.
Và rồi, chuyện gì đến cũng sẽ đến, dù có ra đi mãi mãi thì chắc chắn rằng tâm hồn, ước mơ giải phóng quê nhà, bản tính lương thiện của những chiến sĩ nhí ấy vẫn sẽ luôn ngân mãi trong câu hát:
“Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
Nào có cớ chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi,
Ra đi ra đi thà chết chớ lui…”
(Đoàn Vệ quốc quân - Phan Huỳnh Điểu)
Bài dự thi số 59
Bút danh: Belo
Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách
Tôi rất thích đọc sách nhưng có một khoảng thời gian tôi đã bỏ thói quen tốt này, là do tôi lười... Nhưng mà lúc tôi bắt gặp quyển "Tuổi thơ dữ dội" thì mọi chuyện lại khác. Tôi tìm hiểu nhiều hơn về xã hội lúc chiến tranh, tôi đang đọc "Đi tìm lẽ sống"
Tôi thích nhất là nhân vật Lượm ở trong "Tuổi thơ dữ dội". Đó là một cậu bé trưởng thành, thông minh và đặc biệt nhất ở cậu chính là lòng yêu nước, không để bị mờ mắt trước lời dụ dỗ của bọn giặc
Tuổi thơ dữ dội chắc chắn sẽ luôn là quyển sách tâm đắc của tôi, tôi quý tất cả các bạn nhỏ trong tác phẩm, đặc biệt là chú bé Mừng đã làm tôi khóc
Phùng Quán là một người con của xứ Thừa Thiên, nên giọng văn của ông đậm chất miền Trung và đương nhiên là, bối cảnh ở trong tác phẩm cũng là bối cảnh của Thừa Thiên Huế trong thời kì kháng chiến chống Pháp
Có lẽ cảm xúc của tôi sau khi đọc những dòng này sẽ mang lại cho tôi nhiều cảm xúc khó tả, vừa biết ơn, vừa cảm thấy hạnh phúc. Tôi thật sự xúc động trước một cuộc chiến tranh thảm khốc như thế. Thật đáng ngưỡng mộ cho những ngôn từ như vậy !