top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[44] Túp Lều Bác Tôm-Túp Lều Của Một Trái Tim Cần Được Nâng Niu Hơn

Đồng thời nội dung của quyển sách cũng đánh trúng vào mong muốn của tôi, đó là mong muốn về một thế giới không có sự bất công.



Chuyện là…..

Vào một ngày cuối năm 2021, sau khi đọc một lượt về những quyển sách nên đọc một lần trong đời trên Google, thì cái tên Túp Lều Bác Tôm đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Vì khi đọc sơ lược về nội dung, phần lớn nói về số phận của những nô lệ da đen của những thế kỷ trước, và cái kết thật không mấy là vui vẻ của nhân vật chính là bác Tôm- thì tôi lại càng tò mò muốn biết rõ hơn về tác giả, cũng như tác phẩm này. Vì thế sau đó ba ngày, tôi đã sở hữu được quyển sách này.


Khi được cầm trên tay quyển sách của nhà văn Harriet Beecher Stowe, được đọc về những số phận như bèo trôi của những người da đen trong thời kỳ nô lệ của Hoa Kỳ của hơn 100 năm về trước, thì tự dưng trong lòng tôi dấy lên một nỗi thương cảm sâu sắc, cũng như có thêm cho bản thân mình những tia sáng về sự đấu tranh giành lại công bằng, cho từng cá nhân trên thế giới này nói chung, và cả bản thân mình, vì tôi cũng đã và sẽ trải qua thêm nhiều thử thách về sự bất công trong xã hội này, chính vì vậy, nảy sinh ra hảo cảm với quyển sách này ngay từ những trang sách đầu tiên là điều hiển nhiên với tôi. Chẳng trách, khiTổng thống Abraham Lincoln gặp Stowe vào năm 1862, ông đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: "Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”


Nhân vật bác Tôm trong quyển sách đã mang tới cho chúng ta một bức chân dung rất đỗi giản dị, trong sáng và lương thiện của một người nô lệ da đen. Khi mở đầu câu chuyện, chúng ta có thể thấy được khung cảnh gia đình nhỏ của bác và vợ của mình, thật quá đỗi ấm áp và khó tìm, một mở đầu nếu như để so với số phận của bác về sau, thì thật là một trời một vực. Nhưng âu cũng là số phận, khi đã là nô lệ, thì bác không có tự do để quyết định cho cuộc đời của mình. Dù rằng người chủ ban đầu của bác đối xử rất tốt với bác, nếu không phải vì kinh tế có vấn đề, thì ắt hẳn bác cũng sẽ không phải rơi vào tay của những kẻ buôn nô lệ- mà theo như nhận xét trong truyện thì “Có kẻ dù có thương mẹ của hắn như thế nào, nhưng nếu để được lựa chọn giữa việc bán mẹ hắn làm nô lệ cho một nhà giàu có, thì hắn vẫn sẽ làm.”


Phận đời của bác Tôm nói riêng, cũng như những người nô lệ trên các chuyến buôn nô lệ nói chung, vui vẻ thì ít, mà đắng cay lênh đênh là nhiều. Dù cho rằng bác có được những nhà chủ tốt bụng mua về, thì với chuyến đi cuối cùng của mình, bác lại không được may mắn như thế.


Tên buôn người độc ác đó không chỉ tàn ác với chính đồng loại của hắn, mà còn hèn hạ đến mức kinh tởm. Hắn cho rằng những người nô lệ, một khi dùng roi vọt hay tra tấn thể xác, thì có thể khuất phục được họ. Nhưng hắn đã lầm. Đối với bác Tôm- một người có trái tim thuần khiết, là một thiên thần giữa đời thực, những thứ mà hắn ban cho bác chẳng có một chút gì khiến bác bị khuất phục cả. Và cho dù bác có bị đánh đến chết tại một đồn điền trồng bông tại miền Nam nước Mỹ. Thì cái kết của bác, phận đời của bác, vẫn được những người nô lệ khác kính nể, và thương xót. Đó quả thật là một tâm hồn đáng để được nâng niu và yêu thương nhiều hơn.


Từng câu chữ, những nhân vật lần lượt hiện lên trên trang giấy và suy nghĩ của tôi, đều đọng lại một dư âm nào đó của sự bất mãn về thói đời bất công, cũng như sự ấm áp của những phận đời cùng sẻ chia với nhau. Đồng thời nội dung của quyển sách cũng đánh trúng vào mong muốn của tôi, đó là mong muốn về một thế giới không có sự bất công.


Và cũng thật may rằng, Túp Lều Bác Tôm chính là nơi cho tôi những ngọn lửa sưởi ấm và nhen nhóm lên hy vọng về sự đấu tranh không ngừng nghỉ vì một thế giới tốt hơn.


 

Bài dự thi số 44

Bút danh: Phương V

Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách



8 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page