top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Khi Các Nhà Văn Việt Trở Thành "Blogger Ẩm Thực"

Đã cập nhật: 23 thg 4, 2023

Sẽ thế nào khi Thạch Lam, Nguyễn Tuân và Vũ Bằng là những "blogger ẩm thực"? Hãy cùng Bookiee khám phá nhé!

Bookiee - Sách là niềm vui

Mỗi món ăn thường chứa đựng nhiều điều kỳ diệu. Đôi khi, chính những thức quà quen thuộc cũng trở thành một phần của văn hóa dân tộc, lưu giữ các truyền thống lâu đời và quý giá của con người.


Vì vậy, viết về ẩm thực Việt, đặc biệt là ẩm thực Hà Nội, luôn là một đề tài ưa thích của nhiều cây bút lớn. Sẽ thế nào nếu ta khám phá những trang viết ấy dưới một góc nhìn mới hơn, một hình thức thú vị hơn như một “blog ẩm thực”? Hãy cùng Bookiee tìm hiểu để thấy nét riêng biệt, độc đáo trong phong cách của những “blogger” nổi tiếng này nhé!


Thạch Lam - Ăn là khám phá


Nếu mở một “blog” ẩm thực, Thạch Lam chắc chắn sẽ mang đến một phong cách nhẹ nhàng và sâu sắc với ngôn từ đẹp như thơ của mình. Đọc văn Thạch Lam khiến ta cảm giác như đang chầm chậm nhịp bước thăm thú từng ngõ ngách Hà Nội - một Hà Nội cổ xưa đang cựa mình đổi khác.


Thạch Lam đưa ta qua “băm sáu phố phường” Hà Nội với “những phố cũ, hẹp dài, khuất khúc, nhà thò ra thụt vào, con đường lát gạch rộng rãi”, tới hàng mứt, hàng đường, hàng muối trắng tinh, lắng nghe tiếng rao vang cả con đường. Những món ngon Hà Nội đa dạng, phong phú với đủ loại, nào bún riêu, bún chả, bún thang cuốn, nem chua, nào miến lươn và bún ốc... Từng thức quà, thức bánh được Thạch Lam khẽ khàng đặt vào trang sách một cách đầy nâng niu, yêu mến: “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì ở Hà Nội mới ngon”.


Bát phở Hà Nội chiếm giữ vị trí đặc biệt trong lòng nhà văn Thạch Lam. Nguồn: thethaovanhoa.vn


Đọc Thạch Lam, ta nhớ về những thức quà tuổi thơ đầy hoài niệm với bánh đồng tiền, ô mai, kẹo kéo, que cay, mì trẻ em... Và tự nhắc nhở khi nào ghé thăm Hà Nội chắc chắn phải tạt qua làng Vòng mua một gói cốm bọc trong lớp lá sen thơm nồng, “hoà cùng hương sen và sương sớm tinh khiết”. “Blog” này chắc chắn sẽ gói gọn hương thơm, mùi vị thủ đô, trở thành một món ăn tinh thần khó chối từ của những người yêu ẩm thực, say mê văn học Việt Nam.


Nguyễn Tuân - Ăn uống cũng là một nghệ thuật


Với sự độc điệu của mình, Nguyễn Tuân chắc chắn sẽ là một blogger “có một không hai” với giọng văn kiêu bạc, có chút ngông nghênh nhưng đầy tài hoa và uyên bác.


Trong vô số những chuyến “xê dịch” của Nguyễn Tuân, ta vẫn thấy một mối liên kết kỳ diệu giữa ông với những món ăn Việt Nam. Người ta thấy ông đứng giữa trời đông lạnh giá Phần Lan mà nhớ về bát phở nóng hổi của quê hương. Phở khi ấy không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là biểu tượng cho hồn cốt dân tộc, sưởi ấm tâm hồn những con người xa quê nơi xứ người.


Nét đẹp ẩm thực của người Việt hiện lên mộc mạc qua lời nhà văn Nguyễn Tuân. Nguồn: jamja.vn


Cũng viết về “cốm” – thức quà cao quý từ đất trời, Nguyễn Tuân đã nâng cốm lên như “một thú chơi nghệ thuật, một nét văn minh của tâm hồn dân tộc”. Những nét đẹp văn hóa ẩm thực hiện lên mộc mạc, giản dị nhưng vẫn tỏa ra cái hồn cốt của dân tộc từ bát phở, giò lụa, bánh chưng, chả cá đến hương cốm của mùa thu Hà Nội: mua cốm phải về đúng làng Cốm Vòng, làm cốm phải giã đủ lượt thì cốm mới xanh, “ăn cốm phải nhai kỹ, nhai lâu, phải kiên nhẫn ít nhiều thì mới thấy được cái tính nết quý hóa của hạt nếp bao tử”.


Giống như các giá trị văn hóa cổ truyền mà ông nâng niu, trân trọng, những tác phẩm của Nguyễn Tuân tựa món đồ cổ, càng ngắm càng đẹp, càng để lâu càng quý, càng kinh qua sự chảy trôi của thời gian càng trở nên có giá trị.


Vũ Bằng - Ăn để hoài niệm


Vũ Bằng gây ấn tượng với người đọc qua hai sáng tác nổi bật nhất là “Miếng ngon Hà Nội” và “Thương nhớ mười hai”. Nhiều người nhận xét Vũ Bằng là một người sành ăn và kỹ tính, và nó được thể hiện rõ trên những trang viết của ông. Sành ăn trong cách lựa chọn nguyên liệu, món ăn, hàng quán đến ngôn từ. Kỹ tính từ cách chế biến, ăn uống, bài trí.


Vũ Bằng là một người sành ăn. Nguồn: toplist.vn


Vẫn là những món ăn “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc như phở bò, bánh cuốn, bánh đúc, ngô rang, khoai lùi... nhưng mỗi món đều chứa đựng nỗi hoài niệm và niềm tự hào sâu sắc. Tất cả đã tạo nên một diện mạo Hà Nội với đủ thức quà từ xưa tới nay, đủ từ hàng quán đến hàng rong từ món mặn, món ngọt đến chua cay, nóng lạnh.


Đến cuối cùng, ấn tượng Hà Nội để lại trong mỗi người là những dư vị khó phai. "Hà Nội...ngon...quá xá! Hà Nội ngon không phải chỉ ngon về những miếng ngon đặc biệt, nhưng ngon từ cách ăn uống ngon đi, ngon từ cách rao quà ngon xuống, ngon từ cách trình bày ngon tới, ngon từ cách thái miếng thịt, chia miếng bánh ngon lui."


Lời kết


Những trang viết về món ngon Hà Nội – Việt Nam của các nhà văn không chỉ phác họa lại diện mạo ẩm thực đất nước mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa, tinh thần dân tộc. Ẩm thực nơi nào cũng quý và đáng được trân trọng. Nhìn lại những trang viết của những tác giả lớn Việt Nam khiến ta càng thêm yêu quý, kính trọng họ, trân trọng hơn quê hương, dân tộc mình.


Còn bạn, bạn có cảm nhận thế nào về cách miêu tả ẩm thực của các nhà văn? Hãy cho Bookiee biết nhé!


Người viết: Hiếu Ngân
Người thiết kế: Ngọc Yến

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui

246 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page