top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Giải Quyết Vấn Đề Với Tư Duy Thiết Kế (Design Thinking)

Hằng ngày, chúng ta phải đối mặt với vô vàn vấn đề nảy sinh trên nhiều phương diện như học tập, công việc, giải trí,... Mỗi một công việc lại cần một hướng giải quyết phù hợp và một lối đi đúng đắn để đạt đến hiệu quả mà bản thân mong muốn. Nghe thì đơn giản nhưng để tìm ra cốt lõi vấn đề và giải quyết được nó một cách tối ưu nhất đòi hỏi sự tích hợp từ rất nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài.


Bookiee - Sách là niềm vui

Cùng Bookiee tìm hiểu một cách giải quyết vấn đề cực kì tối ưu nhé!


Ngày nay, con người chúng ta đã tổng hợp những kinh nghiệm từ các bậc tiền nhân và đúc kết ra những phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề một cách tối ưu và nhanh chóng nhằm phù hợp hơn với thời đại. Một trong những phương pháp phổ biến nhất có thể kể đến là design thinking hay tư duy thiết kế - Phương thức giúp chúng ta tư duy đa chiều, sáng tạo và giải quyết được vấn đề một cách cốt lõi nhất.


Design thinking là gì?


Những vấn đề giống như những bài toán ta được học, mỗi một bài toán đều sẽ có rất nhiều phương thức giải đáp khác nhau và những lời giải đó cũng có thể được áp dụng cho những câu hỏi khác. Tuy nhiên, cũng chính vì sự tiện dụng của việc có thể rập khuôn đáp án mà đôi khi chúng ta tự giới hạn bản thân một cách máy móc trong các cách thức giải quyết vấn đề cũ mà không thể tìm ra những phương án mới có thể mang lại nhiều hiệu quả hơn.


Việc rập khuôn các cách thức giải quyết vấn đề sẽ khiến ta gặp khó khăn khi gặp một vấn đề hoàn toàn mới.


Tư duy thiết kế mang lại một giải pháp có hệ thống hơn để giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn để tìm ra những hướng đi mới cho vấn đề của bản thân. Đây là một quá trình lặp đi lặp lại mà trong đó, chúng ta sẽ thách thức các giả định trước đó, tìm ra vấn đề, đưa ra giải pháp và liên tục thử nghiệm chúng để ngày càng nâng cao chất lượng và cải tiến những hướng đi phù hợp và hiệu quả hơn.


Đặc điểm chính của tư duy thiết kế là lấy con người làm trung tâm. Từ đây, chúng ta có thể tìm ra được vấn đề cốt lõi hay điểm đau của con người để tập trung triển khai một cách hệ thống các mô hình trực quan, và dựa trên đó tìm ra được phương pháp phù hợp. Nhờ có điểm mạnh này mà tư duy thiết kế giúp tìm kiếm ra được vấn đề từ gốc rễ của nó.


5 bước thực hành tư duy thiết kế


Thấu cảm (Empathize)


Việc giải quyết các vấn đề của bản thân khi so sánh với tìm ra vấn đề và đưa ra giải pháp cho người khác thường sẽ khó và phức tạp hơn. Tại đây, bạn cần đạt được sự hiểu biết, đồng cảm với chính bản thân mình. Quá trình này đòi hỏi bạn cần có sự kết nối với bản thân, thấu hiểu những nhu cầu và những khó khăn bản thân đang gặp phải, đồng thời chia sẻ với những người xung quanh nhằm tìm kiếm chính mình trong phản chiếu từ mọi người. Trong giai đoạn này, chúng ta nên trả lời được các câu hỏi như: Bạn là ai? Quan điểm sống của bản thân là gì? Ban đang sống như thế nào? Điều gì sẽ làm bạn hạnh phúc? Khi đã thực sự thấu hiểu bản thân, những bước tiếp theo cũng sẽ dễ dàng được triển khai hơn.


Xác định vấn đề (Define)


Từ những thông tin có được từ giai đoạn đồng cảm, chúng ta bắt đầu sắp xếp chúng một cách có hệ thống hơn để xác định được vấn đề mà ta cần phải giải quyết. Trong giai đoạn này, việc đặt con người làm trung tâm vẫn vô cùng quan trọng bởi nó đòi hỏi bạn phân tích, đánh giá dữ liệu mà mình có từ đối tượng để rút ra những vấn đề quan trọng và cần thiết nhất.

Xây dựng ý tưởng (Ideate)


Xây dựng một loạt các ý tưởng rồi chọn lọc để giải quyết vấn đề.


Giai đoạn xây dựng ý tưởng là nơi để bạn thỏa sức sáng tạo với những phát kiến thú vị nhất. Không cần phải quá quan trọng giải pháp sẽ đúng hay sai, khó khăn hay dễ dàng thực hiện, việc xây dựng ý tưởng lúc này là cơ hội để bạn tập hợp được nhiều nhất ý tưởng trong đầu mình. Sau khi đã có được một tập ý tưởng lớn, lúc này chúng ta sẽ lựa chọn ý kiến nào mà bản thân cảm thấy hứng thú nhất để bắt tay vào hai bước cuối cùng.


Tạo một mẫu thử nghiệm (Prototype)


Đây là một phần của cả một giai đoạn dài phía trước thử nghiệm. Mục đích của việc tạo lập mẫu thử là để xác định giải pháp tốt nhất có thể cho mỗi vấn đề được tìm thấy. Từ những ý tưởng ban đầu, lúc này bạn hãy thử nghĩ xem nếu thực hiện chúng thì sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ cần một bản kế hoạch sơ bộ về cách sẽ triển khai ý tưởng đó, thời gian để hoàn thành ý tưởng, năng lực bạn cần để hoàn thành công việc và kết quả dự đoán mà bạn mong muốn trong tương lai. Thực hiện những điều này giúp củng cố lại những cơ sở cần thiết mà bạn sẽ kiểm tra trong bước cuối cùng và xác nhận lại tính khả thi cho ý tưởng của chính mình.


Kiểm tra (Test)


Khi đã có kế hoạch cụ thể, đã đến lúc kiểm tra hiệu quả của nó trên thực tế. Mọi ý tưởng nếu không được đưa vào thực tiễn cũng sẽ chỉ nằm vĩnh viễn trên giấy tờ. Thời khắc này là lúc bạn phải can đảm hành động và tin tưởng vào những gì mình thực hiện. Kết quả ban đầu có thể sẽ thành công hoặc thất bại, tuy nhiên đây sẽ chính là một cơ hội tốt để học hỏi và phát triển hơn trong tương lai.


Lời kết


Đừng quên rằng tư duy thiết kế không phải là một con đường thẳng không có khó khăn hay thử thách, mà là cả một quá trình lặp đi lặp lại từ lên ý tưởng cho đến thực hiện. Để có thể đạt được một kết quả mà bản thân cảm thấy hài lòng, chúng ta cũng sẽ cần rất nhiều kiên trì và sự chăm chỉ nữa. Trong quá trình tìm ra và giải quyết vấn đề của bản thân, ngoài việc áp dụng một phương pháp phù hợp, cũng đừng quên lắng nghe và tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh nhé!


Còn bạn, bạn có cảm nhận thế nào về Design Thinking? Hãy cho Bookiee biết nhé!


Người viết: Thùy Dương
Người thiết kế: Anh Thư

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui

1.128 lượt xem2 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page