top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Chiến Binh Cầu Vồng - Đấu Tranh Bền Bỉ Cho Nền Giáo Dục Nước Nhà

Đã cập nhật: 7 thg 3, 2023

Chiến binh trong trí tưởng tượng của bạn như thế nào? Là người có sức khỏe phi thường, lớn mạnh, là kẻ luôn xung trận trong các cuộc giao tranh, xung đột?



Ở một khía cạnh khác - một lăng kính sống của Andrea Hirata, chiến binh là những đứa trẻ nghèo sống ở trên đảo Belitong, trong một xã hội Indonesia trước năm 1990 như dòng nước đục ngầu và đầy bất công, chúng đã đấu tranh bền bỉ suốt chặng đường trưởng thành của mình, để giành lấy quyền học tập như giành lấy cả sinh mệnh.


Ở đó, còn có người cô Mus và thầy Harfan. Hai người bồi đắp lên cho chúng không chỉ tri thức về thế giới này mà còn là sức mạnh, là ý chí, là bản lĩnh đương đầu với cái khó, và như thầy Harfan đến khi trút hơi thở cuối cùng một cách thinh lặng cũng trở nên thật thiêng liêng, vĩ đại.


Giá trị của việc học và sức mạnh của tình yêu tri thức đã bồi đắp và nảy nở trên chính mảnh đất khô cằn ấy.


Tại sao bạn nên đọc quyển sách này?


“Những thứ không thể làm bạn chùn bước thì nhất định làm bạn mạnh mẽ hơn”.

Đây là một câu chuyện có thật trong tuổi thơ của tác giả Andrea Hirata cùng với hội bạn chiến binh cầu vồng - thông qua lời thuật lại của Ikal. Những trang văn đầy cảm động và xen lẫn những trò nghịch ngợm đáng yêu, đáng mến của những đứa trẻ ấy sẽ đem lại cho bạn nhiều cảm xúc thú vị.


Đây không chỉ là một câu chuyện thuộc về quá khứ đất nước Mã Lai, hay một câu chuyện riêng tư nào đó của những đứa trẻ nghèo khó ở ngôi trường lâu đời mà cũng xập xệ nhất Belitong - ngôi trường Muhammadiyah. Mà còn là câu chuyện của mọi thế hệ của mọi thời đại, vì nó nói lên chân lý của việc học, sức mạnh của tri thức, cốt cách của nhà giáo và giá trị của một nền giáo dục đích thực. Dẫu thời đại có tiên tiến và phát triển đến đâu thì giáo dục mãi mãi được đề cao và đáng được coi trọng.


Bởi thời đại ngày nay, việc đi học không còn là quá khó nên đôi khi ta quên mất: học để làm gì? Vì sao chúng ta phải học? Học thế nào cho đúng? Vậy thì đây chính là một cuốn sách hun đúc suy nghĩ của bạn về việc học.


Từ cách những đứa trẻ trong ngôi trường này đấu tranh cho việc học, chúng mạnh mẽ và lớn lên từng ngày, nói rộng hơn, chúng đang đấu tranh trước một chế độ tàn độc và vô cảm, và đấu tranh cho chính số phận hẩm hiu của mình.


Andrea Hirata - người viết lại những điều đáng giá nhất đời mình


Andea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay. Sinh ra và lớn lên ở vùng đảo nghèo khó Belitong, tác giả hiểu rõ nỗi buồn của những đứa trẻ nghèo tuổi cắp sách đến trường không được trang bị đầy đủ về vật chất cũng như sự ủng hộ của gia đình, thậm chí có nguy cơ mất học vì quá nghèo khó. Dẫu vậy, chúng vẫn không ngừng đấu tranh, hy vọng và quyết tâm đến cùng.


Đảo Belitong. Nguồn: UNESCO


Tác phẩm đầu tay của ông là “Chiến binh cầu vồng” (tiếng Indonesia là Laskar Pelangi) dựa trên câu chuyện thời thơ ấu của nhà văn. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 2005, cuốn sách đã đạt được thành công vang dội - được đánh giá là tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia.


“Chiến binh cầu vồng” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhạc kịch và phim truyền hình. Ở bìa sách, hình ảnh hai cậu bé tóc xoăn, da đen, thân hình gầy nhom - đặc trưng của người Indonesian bản địa được lấy chính từ bộ phim. Trên tay cậu bé ngồi sau mà theo tôi đoán dựa vào chương truyện Mối tình đầu ở cửa hàng tạp hóa xập xệ, người ngồi sau là Syahdan đang cầm hộp phấn và người đang lái xe là Ikal. Và đằng sau là màu xanh mướt đẹp mắt của vùng đảo Belitong này.



Khía cạnh ấn tượng


Đây là phần phân tích chi tiết về đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nhiều nội dung. Để đảm bảo một trải nghiệm trọn vẹn với Bookiee, các bạn hãy đọc sách trước và quay lại với chúng mình sau nhé!


Lintang - ngôi sao sáng giá nhất ở trường Muhammadiyah


Nếu trong nhóm bạn Chiến binh cầu vồng, mỗi đứa trẻ đều được gắn lấy một dư vị đặc trưng, thì với tôi, Lintang là vị đắng.


Khoảng chục năm sau, khi mọi đứa trẻ đã trưởng thành. Cuộc gặp gỡ giữa Ikal và Lintang ắt hẳn sẽ khiến nhiều người nhói lòng. Lintang - một cậu bé có khối óc thiên tài, người mà theo như Ikal nói, chính là cậu bạn mang đến sức mạnh, niềm hy vọng cho ngôi trường xập xệ nhất Belitong, giờ đây chẳng thể làm công việc mình mơ ước: trở thành một nhà toán học tài giỏi. Lintang phải lao động vất vả, làm công việc lái xe, nhếch nhác, khổ sở. Dẫu vậy, cậu vẫn nhớ về thuyết tương đối của Einstein,… “Niềm mong ước đi học hẳn khiến cậu đau lòng lắm”.


Lintang chưa từng ngừng nghĩ về việc học, cái khát khao ấy lúc nào cũng bùng cháy mãi không nguôi, nhưng hãy xem cuộc đời đã đối xử thế nào với cậu, bạc bẽo, bất công đến nhường nào. Không phải cậu không đấu tranh hay hèn nhát, cậu đã đấu tranh hết cả cuộc đời mình và cả cuộc đời luôn bị vùi dập như thế.


Đừng bỏ cuộc - Thông điệp khắc cốt ghi tâm nhất


Đây là chương cuối cùng của quyển sách “Chiến binh cầu vồng”, cũng là lời khuyên chân thành mà cũng giàu giá trị nhất.


Người được Ikal gọi là “người đàn ông có tấm lòng bao la như biển cả” - chính là Harfan

Thầy đã dành cả đời mình cho công việc nghề giáo dẫu không được nhận đồng lương nào, thầy đã đi làm thêm để nuôi sống chính công việc mình và duy trì nó, trước sự đe dọa của chính quyền Indonesia muốn phá dỡ ngôi trường để khai thác thiếc… thầy có thể kiếm tiền nhiều hơn từ công việc khác.


Nhưng với thầy, giáo dục là máu nuôi sống con người thầy, bỏ nó chính là bỏ đi cả sinh mệnh của mình. Thầy đấu tranh bền bỉ, âm ỉ và chưa từng khuất phục trước gian khó đời mình, dẫu vậy còn cảm thấy hãnh diện và tự hào khi đã bảo vệ được ngôi trường lâu đời nhất Belitong.


Thầy đã mất trong chính ngôi trường mà mình đã giành biết bao tâm huyết, công sức và cả đời mình.Với thầy, “học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách đến trường và là ánh sáng của văn minh”.


Bởi lẽ đó, cả đời thầy đã không ngừng nỗ lực, cống hiến cho ngôi trường xập xệ nhất mà cũng đáng giá nhất trong Belitong. Khi thầy mất đi, một sự ra đi trong tĩnh lặng của con người vĩ đại “không có phát súng tiễn biệt, không một vòng hoa viếng, không phần thưởng nào từ chính quyền hay bài phúng điếu từ Bộ giáo dục, không một lời ca ngợi nào của bất kỳ ai. Nhưng thầy đã để lại một cái giếng mát lành trong trái tim của mười đứa học sinh chúng tôi, một cái giếng kiến thức không bao giờ cạn”.


Việc vĩ đại nhất chính là việc không phải ai cũng làm được. Người vĩ đại nhất, là người khiến cho kẻ khác sống theo chân lý của mình. Và chân lý lớn nhất của thầy Harfan, người đã dành cả đời mình cho việc giảng dạy, chính là không-bỏ-cuộc. Một cuộc đời dài đằng đẵng như thế, cùng gánh nặng cơm áo gạo tiền chất trên đôi vai ấy, cũng không khiến thầy phải vứt bỏ đi chân lý sáng ngời của mình. Dẫu ngoài kia bao thế lực hùng mạnh đang muốn xan lấy ngôi trường, thầy vẫn vững tin bảo vệ nó đến cuối đời mình hơn năm mươi mốt năm.

Thầy có thể gọi là Sinar Harapan - tia hy vọng.


Đừng vội nản lòng khi khó khăn. Nguồn: karofi.com


Những thế hệ tiếp diễn...


Chúng ta - những thế hệ tương lai, vẫn đang từng ngày tiếp nhận nền giáo dục, vẫn đang không ngừng học tập và tiếp nhận tri thức. Và chúng ta phải ngồi xuống, nghiêm túc trả lời câu hỏi “Học để làm gì?”.


Học - nó không đơn thuần là việc học ở trường, là để có tấm bằng làm việc, là bởi vì ai cũng đi học và mình cũng phải học. Học đúng nghĩa, là một óc tò mò và hứng thú với nền tri thức đang mỗi ngày một mênh mông, rộng lớn. Học để con người đối đãi với nhau một cách đúng mực hơn, để phát triển đất nước, để không khiến bản thân ngày càng mông muội và thụt lùi so với xã hội này.


Cốt lõi của việc học, chính là nâng cấp bản thân mình, giá trị của mình, để ngày một có ích hơn cho đời, cho người. Chúng ta không phải mỗi ngày đều chui rúc trong vỏ bọc an toàn, thụ động tiếp nhận và từ từ tan ra như hạt cát vô danh. Sống như thế, phải chăng đã quá lãng phí?


Cái quan trọng nữa, là không ngừng khát vọng và đấu tranh cho quyền lợi của mình. Ở trang sách cuối cùng, Andrea Hirata đã nhấn mạnh “Mọi công dân đều có quyền học hành” - Hiến pháp nước cộng hòa Indonesia, điều 33. Vì vậy việc chúng ta đấu tranh cho nó là một điều nên làm và tất yếu.


Sách - Chiến binh cầu vồng. Nguồn: plems.edu.vn


Phát hiện thú vị


Ban đầu khi đọc quyển sách này, tôi đã hơi khó khăn để có thể ghi nhớ hết tên nhân vật, địa danh, tên riêng,... Dần dà tôi nhận ra, đó là một sự thú vị, nói đúng hơn, dịch giả Dạ Thảo đã biết giữ lại những điều “thuần” nhất của đất nước và con người Indonesia.


Tôi như đi một chiếc du hành thời gian, trở về đất nước Mã Lai ở trước thập niên 1990, khi còn bị Hà Lan tận dụng khai thác thiếc. Và PN - một con rối của thực dân Hà Lan, đã chà đạp, khinh rẻ những người dân thấp cổ bé họng đến nhường nào, công ty nhà nước như xô đẩy dân đen ra phía rìa của hòn đảo và dùng sức uy quyền của mình để chèn ép đường sống của họ.


Tôi biết về loài chim pelitang pulau huyền thoại, về lễ hội hóa trang trong ngày quốc khánh, về lễ giật đồ, … Và tôi nhận ra rằng, cái bất công, nghiệt ngã trong cuộc đời những đứa trẻ đôi khi chỉ nằm gọn ở một trang sách, xem lẫn vào đó, là màu sắc rạng rỡ, tưng bừng thông qua lễ hội truyền thống, và những trang sách luôn cuốn hút tôi bởi những điều tâm linh, thần thánh có phần ma thuật. Một tác phẩm thấm đẫm văn hóa Indonesia.


Lời kết…


“Chiến binh cầu vồng” như một khúc hát trong trẻo và ngân mãi với mọi thời đại, vang lên những khát vọng, hoài bão cháy mãi trong lòng đứa trẻ. Và hành trình ấy - hành trình chạm đến suối nguồn tri thức mãi luôn tiếp diễn, đâu đó hoặc chính ta vẫn phải sống, đấu tranh, nỗ lực, không được phép bỏ cuộc trước thử thách của cuộc đời.

Một thước phim ý nghĩa về tình thầy trò, về tình bạn, tình cảm gia đình, xen lẫn bao nỗi niềm buồn, vui, sướng, khổ, về “một bức tranh chân thực giữa khoảng cách giàu - nghèo”… Nhưng trên hết, nó vẫn như cầu vồng cao thật cao, tỏa rạng sau cơn mưa tầm tã u tối, và áng ngự mãi trong lòng độc giả một nỗi niềm khắc khoải về cái kết rất đời, rất đắng, cũng gieo vào lòng ta tiếng chuông vang thúc giục: hãy đứng lên mà đấu tranh cho số phận của mình.


Còn bạn, bạn thấy sao về cuốn sách này? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!


Người viết: Thị Giang
Người thiết kế: Anh Thư


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui

703 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page