top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Chiến Binh Cầu Vồng - Khi Việc Được Đến Trường Là Cuộc Chiến Khó Khăn

Đã cập nhật: 3 thg 6, 2021


“School was dignified and prestigious, a celebration of humanity, it was the joy of studying and the light of civilization” – Mr. Pak Harfan


Chiến binh cầu vồng

Có những người phải chiến đấu cho những quyền lợi bình thường


Dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng không nhỏ lên mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành giáo dục. Hàng loạt trường học bị bỏ trống trong hàng loạt tháng liền, có những bạn học sinh may mắn được trường tổ chức học online, được tiếp tục tiếp thu kiến thức bất chấp dịch bệnh hoành hành thế nhưng họ lại không trân trọng cơ hội đó mà có những hành động không văn minh như đánh giá các app trợ giúp học tập online 1 sao vì đã phá hủy “kì nghỉ” của họ. Tôi cũng từng có những ý nghĩ như vậy, không trân trọng cơ hội được học, đôi khi còn thấy chán nản với việc học, nhưng sau khi đọc cuốn sách “Chiến binh cầu vồng” của Andrea Hirata, Tôi đã được khai sáng được truyền cảm hứng, được dạy cho những bài học về việc trân trọng cơ hội được đi học và vai trò cao quý của 1 nhà giáo – nghề mà tôi định theo đuổi sau này.



Cuốn sách được viết dưới góc nhìn của Ikal – 1 thành viên của biệt đội chiến binh cầu vồng gồm 10 thành viên: Lintang, Ikal, Mahar, Sahara, A Kiong, Flo, Trapani, Harun, Samson, Kucai, Syahdan và hai thầy cô giáo yêu quý của họ : thầy Pak Harfan và cô Mus chiến đấu cho quyền cơ bản nhất của con người: “Được đi học” của những đứa trẻ “ sống ở 1 trong những hòn đảo giàu nhất thế giới nhưng lại không có quyền được đi học”. Chiến binh cầu vồng đã đưa tôi đi qua biết bao cung bậc cảm xúc vui buồn: vui khi thấy thầy và trò giữ vững được ngôi trường Muhammadiyah hàng trăm tuổi, buồn khi những đứa học trò như Lintang- 1 thiên tài toán học, 1 con người tràn đầy hy vọng luôn luôn truyền cảm hứng học tập cho mọi người, con người đã tự đứng lớp dạy các bạn mình khi chính cô giáo của họ phải từ bỏ trước khó khăn lại phải thôi học vì gánh nặng gia đình. Trường học đối với những “chiến binh cầu vồng” là 1 điều rất thiêng liêng và trân trọng – điều mà khiến cho tôi cảm thấy hổ thẹn khi nghĩ đến những cảm xúc tiêu cực của mình khi đi học trên ghế nhà trường. Nhờ có cuốn sách mà tôi đã có những suy nghĩ tích cực hơn, trân trọng hơn cơ hội được đi học.



Có người nghĩ rằng mô típ của cuốn sách quá quen thuộc tầm thường: mô típ những đứa trẻ nghèo đánh bại khó khăn của cuộc sống. Nhưng không, họ có thể chiến thắng mọi thứ nhưng họ đã thua chính bản thân mình. Họ có thể không lùi bước trước bánh xe ủi rầm rập đe dọa đập nát ngôi trường của họ, không lùi bước trước cái nghèo mà vững tâm đến trường nhưng cuối cùng những ước mơ tươi đẹp của những đứa trẻ vẫn không thể thành hiện thực. Lintang, thiên tài Toán học trở thành tài xế xe cát, Trapani trở thành kẻ tâm thần, A kiong trở thành chủ tiệm tạp hóa,..... Họ không thể thoát khỏi số phận đã định sẵn. Tuy nhiên, cái kết của cuốn sách ít nhất vẫn khiến tôi hài lòng, ít nhất là những chiến binh cầu vồng đã có tuổi thơ tuyệt vời, dám hy vọng, dám ước mơ.




Những quan điểm phản ánh đúng hiện tại


Có người nói rằng những ý kiến, những câu nói trong cuốn sách đã là quá lỗi thời, quá lạc hậu. Nhưng đối với tôi, những thông điệp mà cuốn sách truyền tải vẫn còn đúng với xã hội hiện nay. Thầy Pak Harfan đã nói 1 câu mà tôi rất thích: “Trường học đã thay đổi, thay vì là một nơi truyền thụ kiến thức, thì biến thành 1 nơi để trưng ra sự giàu có và thành tích của mình”. Câu nói này khiến tôi rất tâm đắc vì đó lột trần hiện thực xã hội hiện nay. Chắc hẳn ai cũng biết về sự kiện đáng thương tâm ở trường quốc tế Gateway. Những trường quốc tế tư thục kiểu này tô vẽ lên mình những bản thành tích hào nhoáng, những đặc quyền hấp dẫn khiến các bậc làm cha làm mẹ phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của để cho con em có 1 vị trí trong trường.



Đau đớn thay cái vẻ đẹp mã bên ngoài chỉ để che dấu sự bất cẩn của một nhóm người chỉ biết nghĩ về tiền tài và danh vọng của bản thân mình. Hay có nhiều trường nâng điểm học sinh mình lên, đánh giá không đúng thực lực của các em vì 1 cái bệnh gọi là “bệnh thành tích”. Tôi cũng từng có quan điểm rằng cứ vào được trường quốc tế hay trường chuyên là sang, là sẽ có thành tích tốt nhưng sau khi đọc cuốn sách, tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình, thay vì chạy theo cái hào nhoáng cái thành tích sáng lòa đó thì chọn cái gì phù hợp với mình thì hơn.



Hãy yêu quý ngôi trường của bạn vì có rất nhiều bạn còn không có được cơ hội để đi học, hãy yêu quý thầy cô của bạn vì đã truyền cho bạn cảm hứng để đi học và dạy cho bạn những bài học đắt giá từ kinh nghiệm thực tế. Cuối cùng hãy đọc “Chiến binh cầu vồng” để cảm nhận hết những điều này nhé.

-Trang Vũ-

111 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page