Tác giả: Dịu
Hà Nội, tháng 5, 2021
Kính gửi nhà văn Nam Cao,
Thấm thoát đã tròn tám thập kỉ kể từ năm tác phẩm kinh điển “Chí Phèo” xuất bản ra những trang sách đầu tiên. Hòa trong dòng chảy thời gian, tám thập kỉ đó tựa như một chuỗi hồi ức dài dăng dẳng mà cũng đủ để người ta lãng quên đi những nhộn nhịp, những phồn hoa của một đời người.
Thời gian có thể làm cho kí ức phai nhòa, nhưng chẳng thể làm lu mờ đi những giá trị của văn học. Từ kim cổ, văn học luôn mang trong mình sức sống vĩnh hằng, luôn nổi bật với những giá trị và tư tưởng riêng biệt. Những tư tưởng ấy “đã được run lên ở các cung bậc và tình cảm” (Nguyễn Khải) để rồi xuyên suốt, hòa quyện trong các tác phẩm tạo nên những ấn tượng sâu lắng trong lòng người đọc. Phải rồi, thưa Nam Cao, người biết không, tác phẩm “Chí Phèo” cũng vậy đó, nó chứa chan tư tưởng, đong đầy những tình cảm, trào dâng những hiện thực đớn đau mà khiến người ta chìm trong day dứt khôn nguôi. Quả là rất đặc biệt!
Người tâm niệm sâu sắc rằng: "Văn chương không (...) làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có”. Thật thấm thía cho một quan điểm nghệ thuật về sáng tạo! Trên mảnh đất màu mỡ với hình tượng người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, trải qua bao lớp "đào sâu", dưới những ngòi bút cần mẫn, nền văn chương nước nhà luôn nở rộn ra những chùm thành công của các tác giả ưu tú. Thế nhưng, người, nhà văn Nam Cao kính mến vẫn tỏa sáng và "bội thu" với những tuyệt tác kinh điển… Không đi theo lối mòn, mà mở cho mình một con đường riêng biệt, "Chí Phèo" đã trở thành minh chứng điển hình cho sự sáng tạo ấy. Khác với nhân vật ông Hai chất phác trong tác phẩm "Làng" (Kim Lân), càng không giống với chị Dậu của Ngô Tất Tố trong màn "Tắt đèn" đau thương, từ một người lương thiện, Chí Phèo bị xã hội tàn nhẫn đưa đẩy đến bờ bi kịch tha hóa và đã trở thành một nỗi day dứt tâm can, một sự khắc khoải lương tâm mãnh liệt.
Sự khắc khoải lương tâm đó được phác họa trên một điểm nhấn có nền tảng vững chãi là hiện thực. Bởi lẽ, “nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.” (Trích "Trăng sáng"). Nghệ thuật của người vẫn luôn như vậy, luôn coi “văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm" (Nguyễn Minh Châu), từ đó người dùng ngòi bút thổi tâm hồn vào từng con chữ để khắc họa hiện thực. "Lão Hạc" và "Chí Phèo" cũng vậy, đều là từ cuộc sống đi vào văn chương… Từng chi tiết tuy đơn sơ mà thấm đượm cảm xúc. Từng "tiếng chửi" thô kệch của Chí, từng sợi hương bay bay tỏa ra từ "bát cháo hành" ngập tràn tình người ấm áp của Thị Nở thật khiến người đọc tìm thấy chất "vàng" đắt giá trong nghệ thuật. Tất cả đều hoàn mỹ, đều làm tôn lên giá trị nhân đạo trắc ẩn trong câu chuyện. Nó có thể khiến người đọc hòa quyện, náng nâng trong từng cung bậc cảm xúc khác nhau: hận có, thương có, bi có, phẫn có, day dứt mà vô vọng...
Chua xót thay cho Chí Phèo! Một ước ao nhỏ nhoi cũng bị xã hội tàn nhẫn ngày ấy bóp nát trong vô vọng. Sau cùng, Chí cũng chỉ có thể đau đớn, day dứt mà than lên: “Tao muốn làm người lương thiện (…) Ai cho tao lương thiện?" Một cái chết tưởng chừng là sự giải thoát, ai ngờ xã hội vẫn luẩn quẩn bế tắc? Quả là bi kịch, một bi kịch xé nát tâm can, day dứt và đau đáu, mãnh liệt mà ảm đạm. Nó cứ như vậy mà khắc sâu trong ấn tượng. Để rồi qua đó, đọc giả tìm được giá trị “ Chân – Thiện – Mĩ” đích thực mà vượt khoảng cách thời gian để rồi cùng đồng điệu, lấp đầy những khoảng trống tâm hồn bằng sự cảm thụ, tri âm với người nghệ sĩ.
(Nếu nơi đó có thiên đường, hi vọng những dòng thư này sẽ tới tay người.)
Đọc giả,
Dịu
Bạn có thấy đồng cảm với bức thư này không? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Commentaires