Thí sinh: Fairra
Gửi tác giả Hirata,
Đầu tiên, tôi xin cảm ơn tác giả vì đã mang lại những câu chuyện vui có buồn có về quãng đời đi học đầy gian nan của người cùng những người bạn. Tác phẩm sẵn sàng đả kích mạnh mẽ cái xấu xa, và dọn đường cho cái đẹp một cách mãnh liệt nhất; song lại đi vào lòng một người đọc một cách thật sâu lắng và đẹp đẽ.
Chắc hẳn đa số chúng ta ai cũng từng trải qua buổi đầu tiên đi học, có thể đó là một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Ai ai cũng sẽ mang trong mình cảm giác hồi hộp bỡ ngỡ với trường mới, bạn mới. Song, tôi chính là một trong những thiểu số đó… Trước ngày đầu tiên đi học, tôi đã cố làm cho mình ốm bằng nhiều cách khác nhau. Ngày đầu đi học, tôi ốm nặng hơn và được mẹ cho phép không đến lớp vào hôm đó, lúc ấy tôi cảm thấy rất vui vì mình được ở nhà thêm một ngày không phải đến lớp gặp những con người xa lạ, phải học những chữ cái, con số mà tôi không quen biết kia.
Nhưng ngay khi đọc cuốn sách này - vào năm lớp Năm và cho đến bây giờ, tôi vẫn không khỏi nuối tiếc và cảm thấy như mình đã bỏ lỡ mất một thứ gì đó rất quý giá. Không giống như buổi học đầu tiên, không khí của trường Muhammadiyah lại nhuốm màu âu lo khắc khoải và người lo lắng hơn cả đó là cô Mus và thầy Harfan - những con người dành cả đời để cống hiến cho giáo dục. Họ lo lắng vì chỉ mới có 9 học sinh tham gia buổi học đầu tiên hôm đó, nhưng mà để được mở lớp thì cần có 10 học sinh theo tiêu chuẩn mà Bộ Giáo dục đã đặt ra cho ngôi trường này, nếu không nó sẽ bị dỡ xuống và nhường chỗ cho người ta khai thác thiếc. Lúc ấy, tôi ray rứt nghĩ nếu trường mình là trường Muhammadiyah mà mình lại vắng buổi đầu tiên như vậy thì các bạn khác sẽ không được đến trường và phải lao vào vòng xoáy kiếm tiền như cha mẹ chúng, thầy Harfan và cô Mus sẽ thật tội nghiệp biết bao vì họ đã dành rất nhiều tâm huyết, sự hy sinh, tuổi xuân của mình cho giáo dục, rồi các bậc phụ huynh- người dắt con đến tham gia lớp học sẽ thất vọng biết bao vì họ muốn cuộc đời con mình sẽ khác họ,có một cuộc sống no ấm hơn nên mới sẵn sàng đưa con đến trường mặc dù còn phải lo toan nhiều điều.
Điều tiếp theo mà tôi cảm thấy cảm động ở trường Muhammadiyah đó chính là việc các bạn học sinh được tự do sáng tạo theo cách của mình trong tất cả các môn. Sở dĩ, tôi ấn tượng sâu sắc như vậy là vì khi tôi học lớp Bốn, lúc ấy tôi có xung phong lên bảng giải cho cả lớp một bài toán, ngay lúc tôi vừa làm xong mặc dù đáp án của bài giống cô, nhưng cô lại nói cách làm của tôi đã sai rồi, không giống cách cô dạy chúng tôi với một giọng nói như quát vào mặt tôi. Lúc ấy cả lớp đều hoảng sợ, tôi cũng hoang mang vì cách này mình cũng nghiên cứu kĩ rồi không biết tại sao lại bị la như vậy, không lẽ tôi không được làm điều khác cô, tôi cảm thấy xấu hổ với các bạn trong lớp nữa. Sáng hôm sau, cô lên lớp và giải thích với cả lớp rằng bài đó có thể làm theo cách của tôi, thật may cô đã tìm hiểu lại và đính chính cho tôi. Nếu không có những hành động đó, tôi nghĩ tôi sẽ xấu hổ đến phát chết và nghĩ mình là một đứa lập dị và sẽ không còn hứng thú tìm hiểu những cách làm mới nữa.
Một bức thư không thể nói hết những tâm đắc của tôi về tác phẩm, nó thật sự có quá nhiều điều đáng để tôi suy ngẫm. Dù có đôi chút tiếc nuối vì cuộc đời vô cùng khắc nghiệt với 10 đứa bé của trường Muhammadiyah kia. Nhưng qua tác phẩm trên, tôi thật sự mong rằng cơ hội được học tập sẽ bình đẳng cho mọi người trên hành tinh này. Song, cuốn sách cũng là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi sự học của mình vì tôi biết rằng mình còn may mắn hơn nhiều người.
Hãy cho Bookiee biết cảm nghĩ của bạn sau khi đọc xong bức thư này nhé!
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Hozzászólások