top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Bức Thư “Dải Sam”

Thí sinh: Phan Thị Hương Mơ



Chennai, ngày 11 tháng 5 năm 2021


Nhà văn Laetitia Colombani thân mến!


Cô còn nhớ cháu chứ ạ? Cháu là cô bé Lalita, con gái của mẹ Smita trong cuốn tiểu thuyết “Dải sam” do chính cô viết nên đấy ạ. Cô bé người Dalit đã phải cùng mẹ của mình chạy trốn số phận để tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.


Cháu được sinh ra tại Ấn Độ là nơi có đến hai triệu phụ nữ bị giết chết hàng năm do nạn phân biệt giới tính và giai cấp. Và người Dalit như cháu luôn bị các đẳng cấp trên coi là "không đáng đụng tới" và sẽ "làm vấy bẩn" bất kỳ thứ gì họ đụng vào. Và cháu không hề muốn lớn lên trong một thế giới như vậy. Cháu muốn lớn lên trong một thế giới tốt đẹp hơn. Một thế giới mà nơi đó con người sẽ không phải đối mặt với chiến tranh, đói nghèo, dịch bệnh, nạn phân biệt chủng tộc và phụ nữ có quyền nói lên tiếng nói của mình, họ sẽ là người quyết định cuộc đời của mình chứ không phải là bất cứ một ai khác.


Nhờ sợi chỉ mảnh mai tựa như sợi tóc được ví là “Dải sam” đó đã cho cháu biết số phận bất hạnh của ba người phụ nữ ở ba nơi khác nhau trên địa cầu này. Mẹ Smita dâng lên thần linh mái tóc của mình và tin tưởng thần linh sẽ giúp mẹ thực hiện những ước nguyện của mẹ. Những sợi tóc đó lại vượt ngàn trùng xa xôi để đến xưởng làm tóc của cô Giulia ở Ý và nó đã cứu gia đình cô khỏi bờ vực phá sản. Và cuối cùng, mái tóc giả sẽ chỉ là bộ tóc giả nhưng với cô Sarah đó lại là một phép màu kì diệu. Nó đã lấy lại niềm khát khao sống cho cô và cô cảm giác như cả thế giới đang giúp cô vượt qua cơn bệnh ung thư quái ác đó.


Điều cháu tiếc nhất ở câu chuyện của cô là đã không có ai đứng ra bảo vệ và đòi lại công bằng cho những người phụ nữ - những người yếu thế hơn trong xã hội này. Chúng ta sinh ra dù khác nhau về sắc tộc, tôn giáo, giai cấp, màu da và cả giới tính. Nhưng chúng ta cũng đừng cho mình cái quyền được làm tổn thương người khác giới cũng như người ở tầng lớp thấp hơn như vậy chứ. Tại sao chúng ta đều là con người với nhau lại không thể chung sống hòa bình, yêu thương lẫn nhau dưới một mái nhà chung vậy?


Và cô biết không, cuộc chạy trốn số phận hôm đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cháu. Cháu đã được đến trường học tập và để hôm nay cháu đứng lên đấu tranh cho những người phụ nữ Dalit cũng như những người phụ nữ bị đối xử bất công ở khắp nơi trên thế giới. Dù sức cháu có nhỏ bé thì cháu vẫn muốn hành động chứ không phải là im lặng. Cháu biết việc này là điều rất khó nhưng bên cạnh cháu có cô Sarah sẽ là luật sư đứng ra đòi lại công bằng cho những người phụ nữ cần cô ấy giúp đỡ, còn cô Giulia hứa sẽ tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ ở quê nhà cháu. Và một người phụ nữ đặc biệt đó là mẹ Smita, là người luôn truyền động lực cho cháu mỗi khi cháu muốn từ bỏ. Những người phụ nữ đó đã cho cháu thấy những người bình thường cũng có thể làm nên điều phi thường. Và cháu tin ai cũng có thể tạo nên điều phi thường.


Bây giờ cháu mới thấm thía câu nói của Paulo Coelho trong tác phẩm Nhà giả Kim: “Khi ta quyết tâm làm một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực lại giúp ta đạt được điều ấy.”


Chắc cô đang tò mò sao cháu gặp được cô Giulia và cô Sarah đúng không? “Dải sam” đã gắn kết họ lại với nhau trong câu chuyện của cô thì “Dải sam” cũng có thể giúp cháu gặp được họ vì vốn trái đất này tròn mà, đúng không cô?


Cô Laetitia Colombani ơi! Mong cô luôn nhớ đến cháu và hãy là người phụ nữ mạnh mẽ, giữ một trái tim tràn ngập yêu thương. Hi vọng tất cả chúng ta đều biết yêu thương bản thân vì chúng ta ai cũng xứng đáng được yêu thương.


Chúc cô một ngày tốt lành!

Lalita – cháu của cô


Sau khi đọc xong bức thư này, bạn có cảm nghĩ gì hãy cho Bookie biết với nhé!


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

______________________________

Bookiee - Sách là niềm vui


Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page