Thí sinh: Đỗ Thuỳ Kim.
"Kiều rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh"
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Bác Thiệp ơi!
Con đâu có ngờ, con đã đọc "Tuổi 20 yêu dấu" lần cuối vào ngày cuối cùng bác còn trên trần thế!
Con đọc "Tuổi 20 yêu dấu" lần đầu khi con là một đứa trẻ độ 17 tuổi. Khi ấy con chỉ thấy nó tếu tếu, hay hay, đúng đúng vậy thôi. Gần 3 năm sau, khi con bằng tuổi "thằng Khuê", đọc lại, con mới thấy, "Tuổi 20 yêu dấu" không chỉ tếu tếu, hay hay, đúng đúng mà còn chua chua, chát chát và đau đớn!
Bác Thiệp - một người cha.
Con biết rằng "Tuổi 20 yêu dấu" bác viết cho con trai mình, hay là "thằng Khuê" trong truyện. “Thằng Khuê” ấy, phải đến 20 tuổi mới biết thương cha nó, cũng như con 20 tuổi mới biết thương cha mình!
Bác cũng giống cha con, hay bất kì người cha nào khác: thương con vô hạn, đều cố gắng làm cho con cái hạnh phúc, nhưng lại không biết làm thế nào! Nhưng hỡi ôi, điều tàn nhẫn trong cuộc đời, là Thần Chết không nương tay với những người cha. Không phải chỉ trong "Tuổi 20 yêu dấu", hơn một lần, con đọc trong các tác phẩm của bác: "Bây giờ tôi mới biết khóc như cha chết là khóc thế nào. Hình như đấy là cái khóc lớn nhất đời một con người". "Thằng Khuê" ấy giống con quá! Dù con chẳng nghiện ngập hay chơi bời như nó, nhưng con cũng chẳng khá hơn! Nó có những suy nghĩ hệt như con bây giờ: chán nản, bực tức, khinh bỉ mọi thứ; nó bất hảo, vùng vẫy trong sự bất toàn của cuộc sống. "Thằng Khuê" ấy chính là con, là tất cả người trẻ độ đôi mươi đang loay hoay với cuộc đời. Bác đã hạ cái tôi của một người cha mà làm bạn với con mình, để thấu hiểu và cảm thông với nó, dù chỉ là qua những trang sách.
Nguyễn Huy Thiệp - một nhà văn
Sau cùng thì bác vẫn là một nhà văn chân chính! Bác ra đi không lâu sau khi được đề nghị nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Chỉ trong cuốn tiểu thuyết nho nhỏ "Tuổi 20 yêu dấu", con đã thấy tầm vóc của một nhà văn. Ngay cả trong những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh, bác vẫn làm thơ, vẽ tranh cho khuây khỏa. Có lẽ không chỉ để cho khuây khỏa, mà còn vì đó là cái bệnh nghề nghiệp của bác.
Bác ném vào trang sách toàn những điều cay nghiệt, bực dọc. Khi nói về kiến thức được giảng dạy ở trường đại học, bác viết "Thật ra những kiến thức đấy chỉ nhằm trang bị cho người ta sống phù hợp với một khuôn khổ xã hội chật hẹp đúng với cơ chế chính trị hiện hành mong muốn mà thôi. Đổi mới hoàn cảnh trong không gian khác, thời gian khác với một cơ chế chính trị khác đi, con người gần như phải làm lại từ đầu…"
Vì nhà văn - nghệ sĩ là không sợ, không kiêng dè, không bợ đỡ.
Nguyễn Huy Thiệp - một Con Người
"Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi" (Cách ngôn Latinh cổ). Con và nhiều người đã tôn vinh, ngưỡng mộ bác như một vị thánh, nhưng cuối cùng, con nhận ra, bác vẫn là một Con Người, Con Người viết hoa với tất cả
sự tôn trọng mà người đời dành cho bác. Trải qua vòng sinh - lão - bệnh - tử, bác đã trở về với đất mẹ. Kết truyện, vẫn là đám tang của người cha nhà văn của "thằng Khuê" và sự dằn vặt của nó khi không về nhà mà chịu tang bố. Cha "thằng Khuê" đã mất, bác cũng đã mất, ai rồi cũng mất. Cái sự mất đi của một con người, đặc biệt là những người ta yêu thương, quả là điều đáng tiếc. Nhưng có đáng tiếc cái chết, ta mới biết trân trọng sự sống, trân trọng những giá trị mà ta có được trong cuộc bình sinh này.
Bác nói rằng: Độ tuổi 17 đến 20 là tuổi đẹp nhất, cũng là tuổi mà con người phải bước qua cửa tình: "Nó là cửa đầu tiên trong quá trình tu luyện thành người của con người". Con đang bước qua “cửa tình” ấy, và con nhận ra: Tuổi 20 nào cũng là "Tuổi 20 yêu dấu".
Cảm ơn bác.
Hãy cho Bookiee biết cảm nhận của bạn về bức thư hay về cuốn sách này nhé.
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Bình luận