Tôi thường thích đánh lẻ một mình: đi xem phim ở rạp mà không cần rủ ai, đi ăn một mình vì tự dưng nổi cơn thèm và có khi ngồi thẩn thơ mà chẳng cần ai bên cạnh. Đôi khi chúng ta thích cảm giác một mình nhưng không dám thừa nhận. Dường như cuộc sống mỗi người luôn gắn liền cụm từ “một mình” với những từ tiêu cực, đi ngược với tinh thần tập thể của các nước phương Đông. Nhưng có một sự thật là, “một mình” đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ tại các nước châu Á đón nhận.
Chỉ 10 năm trước, cụm từ “benjo meishi” đã ra đời để ám chỉ việc ăn trưa trong nhà vệ sinh tại trường học hay công ty. Cụm từ này ám chỉ sự xấu hổ khi phải ăn cơm trưa một mình, khi không có bạn bè hay đồng nghiệp ăn cùng. Chúng ta đều biết Nhật Bản là một nước đề cao tinh thần tập thể, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm hòa hợp với những người xung quanh.
Nhưng trong những năm gần đây, việc ăn cơm trưa một mình là một điều rất bình thường, thậm chí có người còn thói quen đi ăn một mình. Người ta gọi xu hướng một mình là “ohitorisama”. Cụm từ “ohitorisama” bắt nguồn từ câu hỏi ở các quán ăn “おひとりさまですか – Ohitorisama desu ka" (Quý khách đi một mình phải không ạ?). Không chỉ thế, cụm từ “một mình” được ngày càng mở rộng hơn với nhiều hoạt động gắn mác “tập thể” như đi ăn ở nhà hàng, đi uống rượu ở các quán bar, du lịch,... thậm chí là kết hôn.
Xu hướng “ohitorisama” ngày càng mở rộng tại Nhật do việc công dân đang chịu quá nhiều áp lực về công việc. Người Nhật, đặc biệt là những người trẻ rất cuồng công việc. Vì thế, họ cần giải trí nhưng việc tụ tập với bạn bè hay đồng nghiệp rất khó vì ai cũng bận rộn với công việc, gia đình. Cho nên, họ chỉ có thể làm những việc “tập thể” này một mình. Chưa kể, thế hệ trẻ rất coi trọng vấn đề riêng tư. Thay vì ở một nơi đông người, họ chọn làm một mình để tránh sự nhòm ngó, bình luận từ mọi người.
2) … đến những nước Á Đông khác đề cao tính tập thể
Không chỉ tại Nhật, xu hướng một mình còn lan rộng ra các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc. Khác với Nhật Bản, lý do của sự hình thành lối sống “một mình” ở các quốc gia này không chỉ là sự tác động của công nghệ, mà còn do tác động của đại dịch Covid-19.
Công nghệ phát triển, xóa mờ đi khoảng cách địa lý. Giờ đây, chúng ta có thể dễ dàng gọi điện cho nhau, thấy rõ mặt của những người thân yêu nhất dù bản thân đang cách họ cả ngàn dặm. Tuy nhiên, công nghệ cũng phần nào khiến các mối quan hệ giữa người với người xa cách hơn vì chúng ta chú tâm vào điện thoại, công việc nhiều hơn.
Với sự tác động của đại dịch Covid-19 đến lối sống của nhiều người, việc gặp gỡ trực tiếp dần thay đổi thành gặp gỡ trực tuyến. Con người ít gặp gỡ nhau hơn vì đề phòng việc lan rộng của dịch bệnh. Lệnh giãn cách xã hội được ban hành khiến cho cơ hội tiếp xúc trở nên hạn chế. Những điều này dẫn đến việc nhiều người phải làm quen với việc sống một mình: ít gặp mặt người khác, mọi tương tác với con người đều thông qua MXH, thiết bị công nghệ. Khi tình trạng này kéo dài, con người có xu hướng chấp nhận việc sống “một mình” để tránh khỏi các khủng hoảng do bị sự hạn chế tương tác trực tiếp với người khác.
Ngày càng có nhiều người chuyển hệ ý thức từ việc phải có gia đình sang sống độc thân. Nếu ngày trước, việc không hẹn hò, yêu đương của người trẻ trong khoảng 23 - 30 tuổi là một chuyện rất kỳ lạ. Việc sau 30 tuổi bạn vẫn trong tình trạng độc thân, không kết hôn sẽ khiến mọi người xung quanh lo lắng và hối thúc lập gia đình. Còn ngày nay, người trẻ dần có ý thức hơn về vấn đề tài chính, cũng như họ cho rằng đời sống cá nhân và tận hưởng cuộc sống quan trọng hơn việc làm hài lòng người khác.
3) Hai mặt của xu hướng “một mình”
Ở Nhật, Chính Phủ lo lắng lối sống một mình sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số tại đây. Khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm sút, tỷ lệ người không thể tham gia lao động tăng nhanh chóng là một thách thức lớn cho nền kinh tế của Nhật. Bởi vì Chính phủ sẽ phải chăm lo cho cuộc sống của những người ở độ tuổi ngoài lao động và giải quyết vấn đề thiếu nguồn lao động trẻ tuổi với những phẩm chất: năng động, nhạy bén, sáng tạo và dám thử thách bản thân.
Tuy nhiên, xu hướng “một mình” lại là cách giải tỏa áp lực, căng thẳng của nhiều người. Việc kết nối với bản thân sau những lúc phải gồng mình để chịu đựng các mối quan hệ tiêu cực là cách tốt nhất cho chúng ta lấy lại niềm tin, hiểu thêm về bản thân và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.
Ohitorisama hay xu hướng một mình vốn không xa lạ nhưng lại khá mới ở các nước châu Á. Xu hướng này càng mở rộng và có xu hướng tồn tại trong ý thức của cả một thế hệ. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói đây là lối sống sai lầm hay đúng đắn bởi những ảnh hưởng của xu hướng này có cả tốt lẫn xấu, nhất là khi tình trạng dịch bệnh Covid trên thế giới vẫn còn khó kiểm soát. Chúng ta không ủng hộ quá mức việc sống một mình với thái độ sống buông thả, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội; cũng như bản thân mỗi người không nhất thiết phải chịu đựng một cuộc sống gò bó bởi các mối quan hệ độc hại. Suy cho cùng, chúng ta có quyền chọn cho mình một cuộc sống riêng, phù hợp với bản thân.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về xu hướng "một mình"?
Người viết: Tô Thành Lũy
Người thiết kế: Phạm Quỳnh
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. ______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments