top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[01] Mẹ tôi sinh tôi năm bốn mươi bảy

Đã cập nhật: 19 thg 11, 2022

Mẹ tôi năm nay bảy mươi lăm tuổi, còn tôi vừa tròn hăm tám. Nghĩa là bà sinh tôi ở độ tuổi gần năm mươi.


Mẹ tôi năm nay bảy mươi lăm tuổi, còn tôi vừa tròn hăm tám. Nghĩa là bà sinh tôi ở độ tuổi gần năm mươi.

Ơn may, tôi lành lặn và phát triển bình thường. Tôi vẫn có đầy đủ tứ chi và các giác quan vốn dĩ, tôi biết cảm khái những niềm vui giản dị và đau đớn trước những bi ai. Cứ vậy, tôi ẩn nhẫn lớn lên và lựa chọn là một đứa trẻ hiền lành.

Tôi đã chẳng làm gì sai nhưng từ bé lại luôn bị lôi ra làm trò cười khi sinh ra là con của một bà cụ. Bà cụ, là cái cách lũ trẻ mầm non nói về mẹ tôi khi bà dắt tôi đến trường. Chúng vô tư nói mẹ tôi còn già hơn cả bà ngoại chúng dưới quê, thậm chí có lần khẳng định “Vì mẹ sinh cậu sau bốn mươi tuổi, nên chắc chắn là cậu bị down”. Tôi lúc đó chỉ là trẻ con nhưng đã biết lồng ngực đau điếng, gò má bỏng rát. Dần dần, tôi nghĩ đó thật sự là một tội lỗi, một nỗi hổ thẹn nên giấu nhẹm đi. Tôi bắt đầu không muốn mẹ đưa vào tận cổng, tôi bắt đầu nói dối về tuổi tác của bà, thậm chí cố ý viết sai năm sinh của mẹ vào giấy tờ chỉ để không bị khác biệt với đám đông.

Thật tội nghiệp cho một đứa trẻ chưa kịp hình thành nhận thức đã vội bị chà đạp bởi sự vô tư của những đứa trẻ đáng thương khác.

Có lẽ, cô giáo cũng luôn nghĩ rằng những đứa trẻ lầm lì như tôi sinh ra để làm kẻ thua cuộc, để chứng kiến người khác chiến thắng, không hơn. Bởi lẽ, có những khoảnh khắc đứa trẻ năm tuổi ấy đã nhìn cô với một sự cầu xin, rằng hãy ngó ngàng đến nó một xíu thôi, một xíu thôi cũng được. Ánh mắt năm đó nếu được đáp lại, chắc là đứa trẻ đã hàm ơn cả một đoạn đường đời.

Nhiều năm về sau, tổn thương ấy không hiển hiện như mắt có thể thấy tai có thể nghe. Nhưng tôi biết nó luôn nằm đó, âm ỉ không thôi. Chỉ đến khi có cơ duyên chạm đến Người đua diều, tôi tìm thấy sự tha thứ, cho người và cho chính tôi. Thật buồn cười khi chẳng có mối liên kết nào giữa câu chuyện cá nhân tôi với Amir hay Hassan, vậy mà gấp sách lại tôi thấy lòng mình thanh thản.

Người đua diều xoay quanh cuộc sống hai đứa trẻ Amir và Hassan tại Afghanistan. Hassan là kẻ ở trong gia đình Amir, một cậu bé môi nẻ người Hazzara đã luôn luôn tin tưởng và trung thành với cậu chủ của mình: “Vì cậu, cả ngàn lần rồi!”. Hassan đã luôn nói như thế, và cậu thật tâm khi nói như thế. Tình bạn của cả 2 là chuỗi những kỷ niệm ấu thơ đẹp đẽ ngọt lành, nhưng cùng lúc cũng bi ai đến đứt ruột. Hai cậu bé với hai con đường và hai kết cục, cả hành trình cuộc đời trải qua công lý, đớn đau, oan khuất, tha thứ.

Amir đã có mặt và chứng kiến người bạn Hassan thân thiết bị hãm hiếp, nhưng không dám làm gì. Cảnh Hassan lết ra từ con hẻm, đũng quần nhỏ máu xuống nền tuyết thành thâm đen, là điểm mù kẹt mãi trong ký ức mà Amir không thể nào thoát khỏi. Câu nói của cha Amir là một triết lý thức tỉnh người đọc : “Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi còn lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”. Giây phút đó, có lẽ Amir hiểu về lý thuyết, nhưng cậu đã không thực hành. Cậu đã đánh cắp danh dự của Hassan, đánh cắp quyền được sống ở căn nhà đó của Hassan, đánh cắp cả một cuộc đời. Nhưng rồi, sau tất thảy, “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại” – thật may, cậu đã chiêm nghiệm lời khuyên của chú Rahim Khan.

Cuốn sách quá chân thật và tàn nhẫn. Khung cảnh mà tôi xúc động nhất là lúc Amir dúi tiền dưới tấm nệm nhà Wahid. Lần thứ hai anh làm việc này trong đời, nhưng với một ý nghĩa cao đẹp là cho đi, chứ không phải vu oan giá họa.

Với định nghĩa của riêng mình, tôi thích những đứa trẻ hiền lành. Nhưng với người khác, đó có thể là một sự nhút nhát, kém cỏi mà trẻ em không nên có. Họ sợ nó thua thiệt, sợ nó không là tâm điểm ở những nơi đi qua, sợ nó không có nhiều bạn, sợ đủ thứ trên đời. Cũng có thể lắm chứ. Vì để lựa chọn giữa một đứa trẻ năng nổ và thụ động, thường thì ít ai lại muốn con mình ngồi một góc bơ vơ.

Nếu may mắn có con, tôi chỉ ước đó là một đứa trẻ hiền lành. Còn lại, tôi sẽ để yên cho nó sống cuộc đời của riêng nó. Trời xanh tự khắc an bài!



 

Bài dự thi số 1 Thí sinh dự thi: Jan - Nguyễn Thị Thùy Loan Cuộc thi viết Trú đông: ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách

221 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page