top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Totto-chan Bên Cửa Sổ, Em Là Ai? Em Là Chính Em

Đã cập nhật: 31 thg 7, 2022

Thực tế đã chứng minh mỗi loài cây khác nhau đòi hỏi những điều kiện sinh trưởng về đất, nước, và thời tiết riêng biệt. Hiển nhiên con cá không thể cất cánh bay, loài chim không thể sống dưới nước. Vạn vật muôn màu muôn vẻ là vậy, con người lại càng rõ ràng.


Với ‘Totto-chan bên cửa sổ’, bức thông điệp ấy được cất lên xuyên suốt. Quá trình trưởng thành của cô bé Totto đã dạy chúng ta rằng mỗi người đều khác biệt theo cách này, cách khác. Thật không công bằng khi dựa vào những quy chuẩn cố hữu để đánh giá một đứa trẻ là “lập dị” hay “không ngoan” thay vì thật sự tìm hiểu tâm hồn nhạy cảm, trong trắng của chúng.


Gặp Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ, tại sao không?


Bạn đã bao giờ nhìn thấy một trường học chỉ có năm mươi học sinh, những lớp học bằng toa tàu hỏa cũ, thức ăn từ biển và đất liền, hay chuyến dã ngoại trong nhà chưa?


Và cả những người giáo viên tận tụy vì một nền giáo dục cấp tiến không bị trói buộc bởi những khuôn nếp cũ, những cá nhân suốt đời đấu tranh cho thấu cảm và tự do?


Gặp bé Totto, trái tim độc giả chắc chắn sẽ bị chinh phục bởi những câu chuyện thường nhật tuy giản đơn nhưng mang đậm tính nhân văn như thế. Đó là minh chứng cho tấm lòng nhân hậu, niềm tin, khát vọng của Totto-chan và những nhân vật đồng hành đáng mến trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, khi mà Nhật Bản bị cuộc Thế chiến thứ II tàn phá nặng nề.


Bởi lẽ ấy, tôi mong rằng ‘Totto-chan bên cửa sổ’ sẽ được nhiều bạn đọc thấu hiểu và nồng nhiệt đón nhận hơn.


Bookiee - Sách là niềm vui

Kuroyanagi Tetsuko - Bà là ai?


Kuroyanagi Tetsuko (8/9/1933) là tác giả của cuốn tự truyện “Totto-chan bên cửa sổ”. Cuốn sách đã bán được khoảng 9,1 triệu bản tính đến năm 2001, là một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản, chỉ sau Rừng Nauy và No one’s perfect. Sách được dịch ra 33 thứ tiếng trên thế giới, thậm chí còn được đưa vào trong sách giáo khoa tiểu học của Nhật Bản.


Tính từ năm 1972 đến nay, Kuroyanagi Tetsuko đã xuất bản khoảng hơn 20 đầu sách. Trong đó, có nhiều tác phẩm lấy cảm hứng hoặc là bản thân nó là sự tiếp tục từ cuốn tự truyện “Totto-chan bên cửa sổ” như: “Sách tranh của Totto-chan” (1984), “Vương quốc bí ẩn của Totto-chan” (2005), “Một mình Totto” (2015)Bà cũng là đồng tác giả của nhiều cuốn sách khác như: “Nạn đói châu Phi” (1984), “Lời hứa giữa Tottochan và thầy Kamata” (2007). Kuroyanagi Tetsuko còn là dịch giả cuốn “Please save my world” của Bill Adler sang tiếng Nhật, được Hayakawa Shobo xuất bản năm 1985.


Ngoài ra, bà được biết đến với nhiều vai trò khác nhau: diễn viên, người lồng tiếng, người dẫn chương trình, nhà văn, đại sứ thiện chí của UNICEF, nhà hoạt động vì hòa bình, nhà hoạt động bảo vệ thiên nhiên…



“Em thật là một cô bé ngoan”


“Em thật là một cô bé ngoan”


Mỗi lần gặp Totto-chan, thầy hiệu trưởng đáng kính Kobayashi Sosaku lại nói với em như thế. Đặc biệt, thầy luôn nhấn mạnh hai chữ “thật là” để cô bé hiểu rằng em có thể không phải là một đứa trẻ ngoan về nhiều mặt, nhưng tính tình của em không hề xấu. Với Totto-chan, đó là một “câu nói quan trọng chắc hẳn đã quyết định hướng đi của toàn bộ cuộc đời em”.


Không có nhiều người thực sự cho rằng Totto-chan là một cô bé ngoan. Nền giáo dục truyền thống đương thời đã không chấp nhận tính cách quá mức hiếu động và lạ lùng so với bạn bè đồng trang lứa của bé Totto. Em bị đuổi học ngay từ những ngày đầu tiên vào lớp một bởi những hành động kì lạ: gọi gánh hàng rong vào biểu diễn trong giờ học, nói chuyện với lũ chim, hay liên tục đóng mở ngăn bàn chỉ vì em quá yêu nó. Cô giáo chủ nhiệm cũ của em đã từng thốt lên: “Tôi chẳng hiểu vì sao em ấy lại như vậy!”


Thế nhưng, thầy hiệu trưởng của trường tiểu học Tomoe lại nghĩ khác và làm khác. Ông biết cô bé có những phẩm chất rất đáng quý. Em cư xử lễ phép với người lớn và tốt với bạn bè - đặc biệt là những bạn tàn tật như Yasuaki-chan và Takahashi-chan. Totto-chan cũng không ngại ngần “tẩn” cho những học sinh trường khác nói những câu thật tệ, thậm chí dù em bị đánh đau đến phát khóc. Và em còn có một tình thương đơn thuần với động vật. Kể cả khi tính tò mò của cô bé gây ra rắc rối, thầy hiệu trưởng cũng không bao giờ mời bố mẹ em đến. Thay vào đó, thầy sẽ kiên nhẫn lắng nghe lý do đằng sau sự việc, giống như cách ông đã say sưa nghe Totto-chan kể chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ vào ngày đầu tiên em đến trường. Nếu Totto-chan hay các em làm điều gì không đúng, thầy sẽ giúp chúng nhận ra sai lầm và ông lúc nào cũng bảo: “Bây giờ thì em hãy xin lỗi đi”.


Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku giúp tôi nhận ra không có ai là trẻ hư. Bất kì một đứa trẻ đều có những đức tính tốt đẹp, quan trọng là chúng ta phải khát khao, phải kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu những tâm trí còn non nớt ấy. Ông tin rằng sự khuyến khích và tôn trọng tự do là chìa khóa cho quan trọng cho quá trình định hình nhân cách của trẻ.


“Cơ thể và trí tuệ cùng phát triển tuyệt đối hài hòa”


Tomoe - bạn có thắc mắc ý nghĩa của nó là gì không?


“Tomoe” là một ký hiệu có hình dấu phẩy và thầy hiệu trưởng đã chọn cho trường một biểu tượng truyền thống gồm hai “tomoe” - một đen, một trắng - hợp vào nhau thành một vòng tròn hoàn hảo. Thực tế, điều này cũng là nỗi trăn trở trong lòng của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku đối với trẻ em: làm thế nào để “cơ thể và trí tuệ cùng phát triển tuyệt đối hài hòa”. Thầy phàn nàn nền giáo dục Nhật Bản đương thời quá chú trọng vào chữ viết mà bỏ quên sự phát triển trong cảm nhận qua các giác quan và kích thích bản năng sáng tạo của trẻ.


Có lẽ vì thế, ngoài những bài giảng rèn giũa trí tuệ như ngữ văn, toán học, thầy Kobayashi luôn cố gắng hết sức đưa những hoạt động nghệ thuật vào tiết học, điển hình là môn thể dục nghệ thuật. Ông mong muốn trẻ em được phát triển một cách tự nhiên sao cho đạt đến sự hài hòa giữ trí óc và cơ thể, và cuối cùng khơi dậy trí tưởng tượng phong phú, đẩy mạnh tính sáng tạo.


Với thầy Kobayashi Sosaku, điều đáng sợ nhất là khi “có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân lý; có trái tim, nhưng không bao giờ rung động và do đó không bao giờ rực cháy.”


Trẻ em cần sự sáng suốt trong trí óc, nhưng đồng thời, các em cũng cần trải nghiệm những rung động tâm hồn để học cách yêu thương.


Một vài tiết lộ thú vị


Bạn có biết...


Totto-chan (nghĩa là bé Totto) là tên thân mật hồi nhỏ của tác giả Tetsuko Kuroyanagi. Trước khi bé Totto sinh ra, cha mẹ luôn nghĩ em là con trai nên đã đặt tên con là "Toru", nghĩa là vang xa, thâm nhập. Nhưng vì Totto-chan là con gái nên gia đình đã đổi tên em thành Tetsuko. Cha của em thường gọi em một cách thân mật là "Totsky".


Hầu hết những em học sinh trường tiểu học Tomoe đều trở thành những công dân tốt và rất thành đạt trong cuộc sống. Cậu bé Takahashi, người giành được tất cả các giải thưởng trong Ngày hội thể thao, không lớn hơn tí nào nhưng giờ anh phụ trách nhân sự một công ty điện tử lớn ở miền trung Nhật Bản. Taigi Yamanuchi hay Tai-chan là cậu bé đam mê vật lý và toán học, suốt ngày bận rộn với những thí nghiệm, chai lọ trong giờ học ở Tomoe. Anh đã học thạc sĩ ở Fulbright và nhận học vị tiến sĩ tại đại học Rochester, và trở thành một nhà vật lý nổi tiếng của Nhật Bản.


Nếu bạn còn muốn gặp lại nhiều gương mặt quen thuộc khác, hãy tìm đọc Totto-chan bên cửa sổ ngay nhé!


Lời kết


Thực tế, cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” còn nhiều quan điểm giáo dục thông thái và thú vị hơn thế mà đến tận hôm nay, những giá trị ấy vẫn vẹn nguyên cùng thời cuộc. Phương pháp giáo dục của thầy Kobayashi, của trường Tomoe đã giúp đỡ những cá nhân đặc biệt như bé Totto được thực sự sống với chính mình. Đó là lý do Totto-chan được hàng triệu độc giả trên khắp thế giới yêu mến và quan tâm, đặc biệt đối với phụ huynh và người làm giáo dục đang tìm kiếm một nền giáo dục cấp tiến đáng ước mơ.


“Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa.” -Thầy Kobayashi Sosaku, Totto-chan bên cửa sổ


Người viết: Đào Thu Huyền
Người thiết kế: Khánh Nhung


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

_____________________

Bookiee - Sách là niềm vui

👉 Youtube

1.281 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page