top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee

Nơi Đã Đặt Chân Vào Sẽ Không Muốn Bước Ra

Khi đã đến với thiên đường ẩm thực Việt Nam, bạn sẽ không muốn ra về vì sự đa dạng, phong phú, độc đáo,...của món ăn nơi đây. Và món ăn nào nơi đây khiến bạn quên luôn lối về?


Nới Đã Đặt Chân Vào Sẽ Không Muốn Bước Ra

Việt Nam đã từng bị đô hộ hơn 1000 năm và chống chọi với biết bao quân địch để giành lại độc lập. Với ngần ấy chiều dài lịch sử, ẩm thực đất nước Việt Nam đã vô tình được tiếp cận và giao thoa các nét ẩm thực từ những đất nước khác nhau trên thế giới. Để từ đó, nền ẩm thực chữ S hình thành, tạo tiền đề phát triển đa dạng món ăn và củng cố bản sắc riêng trong ẩm thực dân tộc.


Với các món ăn Nhật Bản hầu hết đều tuân theo một triết lí chung là "tam ngũ" gồm ngũ pháp, ngũ sắc và ngũ vị. Còn đến với xứ sở Kim Chi, trong bất kỳ món ăn nào thì nước tương, tỏi, hành lá, vừng, dầu mè và bột ớt đỏ là thành phần không thể thiếu. Và khi dừng lại ở Việt Nam, những món ăn không bao giờ bị giới hạn trong khuôn phép nào cả, sự sáng tạo luôn được người dân nơi đây phát huy. Món ăn của mỗi vùng, mỗi miền gắn bó trên đất nước này đều mang trong mình hơi thở riêng, độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.


Bạn biết không, đối với các bạn trẻ du học sinh hay những người con xa xứ bị cuốn theo vòng quay của công việc, nếu nỗi nhớ gia đình, bạn bè là số một thì chắc chắn số hai sẽ là nỗi nhớ "đồ ăn Việt Nam". Hơn nữa, với những người bạn quốc tế khi đến Việt Nam, họ không chỉ ấn tượng bởi con người, đường phố, thắng cảnh,... mà còn cả ẩm thực. Họ khen ngợi hết lời và còn giới thiệu cho bạn bè năm châu bốn bể,... Ngoài ra, BBC News cũng đã viết về sức mạnh của ẩm thực Việt Nam trên đất nước Anh, hay như trong bài top 20 soup ngon nhất thế giới của CNN món phở đã được nhắc tên,... Từ đó, phần nào đã chứng minh được món ăn của Việt Nam không chỉ đa dạng phong phú mà còn để lại trong tim người thưởng thức một dấu ấn khó phai, lưu luyến khi ra về và có thể tồn tại vững vàng trên bất kỳ đất nước nào.


Hơn nữa, với những người bạn quốc tế khi đến Việt Nam, họ không chỉ ấn tượng bởi con người, đường phố, thắng cảnh,... mà còn cả ẩm thực


Việt Nam được chia làm ba miền: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đồng thời, như đã giới thiệu ở trên, ẩm thực mỗi vùng trên mảnh đất chữ S này đều mang một nét riêng. Hầu như các tỉnh thuộc miền Trung đều có món ăn cay và mặn hơn so với hai miền còn lại hay món ăn của các tỉnh thuộc miền Nam thường có hơi hướng ngọt hơn. Và đến với thiên đường ẩm thực nơi đây, ta không thể không ghé qua "nhà hàng" xứ sở Kinh Kỳ.


Ẩm thực Bắc Bộ - Tinh hoa của sự tinh tế


Khi nhắc đến các món ăn của Bắc Bộ, ta có thể miêu tả gói gọn trong ba tính từ: cầu kỳ, tinh tế và bắt mắt. Nơi đây không chỉ đòi hỏi món ăn phải ngon mà trình bày cũng phải thu hút, màu sắc sặc sỡ từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Ta thường thấy những mâm cỗ được chuẩn bị rất tỉ mỉ, mỗi mâm phải đủ bốn bát sáu đĩa và trình bày cực kỳ thu hút. Không chỉ những ngày lễ mà ngay cả những ngày thường, người dân nơi đây cũng chuẩn bị bữa cơm một cách chỉn chu và cầu kỳ.


Hương vị món ăn Bắc Bộ thường thanh tao, hài hòa hay nói cách khác là nhạt hơn so với hai miền còn lại. Nhạt ở đây không phải là thiếu gia vị mà là sự nhẹ nhàng trong việc nêm nến. Không cần quá cay, quá mặn hay quá ngọt nhưng chỉ nhiêu đó thôi đã đủ để người thưởng thức phải ấn tượng. Cũng bởi, con người miền Bắc tinh tế, yêu cầu kỹ lưỡng hơn nên trong ẩm thực cũng đã phản ánh một phần nào chính điều đó.


Hương vị mà chúng mang lại thường rõ rệt ngay khi đầu lưỡi mới vừa tiếp xúc với món ăn


Khi đến nơi đây, món ăn không thể bỏ qua trước tiên là phở. Hương vị mà chúng mang lại thường rõ rệt ngay khi đầu lưỡi mới vừa tiếp xúc với món ăn. Yếu tố quan trọng nhất tạo nên món phở ngon là ở nước dùng. Nước dùng của phở truyền thống là phải được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị. Ngoài ra, "nhà hàng" Kinh Kỳ cũng sở hữu cho mình những món ăn đặc sản khác như: Chả cá Lã Vọng, bún đậu mắm tôm, cá kho Làng Vũ Đại,...


Ẩm thực Trung Bộ - Nơi sự đậm đà lên ngôi


Nếu kể đến sự khắc nghiệt của cuộc sống trên dải đất hình chữ S thì không thể nào quên miền Trung! Một vùng đất phủ đầy nắng gió, lũ lụt hàng năm vì thế mà cuộc sống người dân trở nên khó khăn hơn hai miền còn lại. Có lẽ cũng không khó để đoán được rằng ẩm thực nơi đây cũng bị ảnh hưởng. Trong chúng ánh lên sự đơn sơ, giản dị và không chút cầu kì. Thế nhưng điều gì làm cho chúng không bị lẫn vào các ẩm thực khác?


Khi một ai đó đến từ một trong hai miền đầu đuôi Tổ quốc được nếm thử món ăn của miền Trung thì ắt hẳn, câu nói mà họ thốt ra đầu tiên sẽ là:


“Sao mà cay và mặn thế!”


Hương vị mà chúng mang lại thường rõ rệt ngay khi đầu lưỡi mới vừa tiếp xúc với món ăn


Quả thực, là một người con miền Trung, tôi cũng phải thừa nhận điều đó. Nhưng tôi nghĩ từ “đậm đà” thì có lẽ sẽ đúng hơn. Cũng bởi, hương vị mà chúng mang lại thường rõ rệt ngay khi đầu lưỡi mới vừa tiếp xúc với món ăn. Tôi đã từng thắc mắc về tại sao là cay và mặn chứ không phải ngọt hay chua. Thật may mắn, sau những lần trò chuyện cùng các cụ, tôi đã biết được lý do vì sao.


Ngày xưa, cuộc sống người dân khó khăn, bữa ăn trong ngày phải tiết kiệm thức ăn khiến họ phải nấu mặn để “một miếng thịt hết một chén cơm”. Và từ đó, khẩu vị bắt đầu thay đổi để thích nghi nhưng chẳng ai biết được nó cũng trở thành thói quen từ lúc nào. Còn lý do vì sao ăn cay thì đã có rất nhiều lời giải thích cho nó như là: để chống lại cái lạnh như một phương thức thích nghi với cuộc sống, tổ tiên người Huế đã di cư vào đất Thuận Hóa và sống chung với người Chăm nên họ học theo tập tục ăn ớt hay đơn giản là để đánh lừa vị giác, quên đi sự đạm bạc khi thiếu thốn,...


Nói đến đặc sản miền Trung, dù một trang giấy trắng cũng không thể kể hết. Mỗi tỉnh trên vùng đất này sở hữu cho mình ít nhất một món đặc sản riêng như cơm hến Huế, mì quảng Quảng Nam, tré Đà Nẵng,... nhưng trong chúng vẫn có một điểm chung là đều mang lại một hương vị đậm đà khó cưỡng.


Hương vị cay xé đầu lười nhưng hết sức đậm đà, những miếng cá được ướp thấm gia vị, nước dùng mặn nồng từ từ theo thực quản đến dạ dày làm cả cơ thể cảm nhận được hơi ấm từ cổ xuống đến bụng


Riêng tôi, dù đã thử rất nhiều món đặc sản khác nhau trên dải đất miền Trung nhưng món không sao bỏ được là cháo bột (bánh canh cá lóc). Một số tỉnh khác cũng có món này nhưng đối với tôi cháo bột Quảng Trị vẫn ngon nhất. Không gì tuyệt hơn khi một chiều mưa tháng 11 Quảng Trị, hơi thở hóa những làn khói trắng tung mình lên không trung vô tận. Cái lạnh cắt da cắt thịt thấm dần vào xương tủy. Trên chiếc bàn nhỏ cùng một tô cháo bột đỏ ửng màu ớt, thêm vài chấm xanh li ti từ hành lá. Hương vị cay xé đầu lười nhưng hết sức đậm đà, những miếng cá được ướp thấm gia vị, nước dùng mặn nồng từ từ theo thực quản đến dạ dày làm cả cơ thể cảm nhận được hơi ấm từ cổ xuống đến bụng. Quả thực, nếu đến Quảng Trị, tôi hy vọng bạn sẽ thử qua món ăn này một lần!


Ẩm thực Nam Bộ - Mộc mạc của miền sông nước


Ai cũng biết rằng, người miền Nam chân chất, giản dị và giàu lòng hiếu khách. Và việc người dân hái, bắt được nguyên liệu, chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ đối với họ là chuyện rất thường tình. Chính vì vậy, mà món ăn của họ thường đơn giản, mộc mạc và dân giã. Thế nhưng, đối với người miền Bắc và miền Trung thì dường như sẽ khó bắt gặp hình ảnh này hơn.



Khi đã đến với thiên đường ẩm thực Việt Nam, bạn sẽ không muốn ra về vì sự đa dạng, phong phú, độc đáo,...của món ăn nơi đây. Và món ăn nào nơi đây khiến bạn quên luôn lối về?


Còn bạn thì sao? Đọc xong bài viết, bạn có muốn ra đường thử ngay một món nào không?


Người viết: Diễm Phương
Người thiết kế: Minh Anh

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. __________________________ Bookiee - Sách là niềm vui 👉 Fanpage 👉 VUI HƠN - ĐỌC NHIỀU HƠN 👉 Instagram 👉 Youtube 👉 Quyên góp


14 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page