top of page
Ảnh của tác giảBookiee

Nếu Một Ngày Bị Rối Loạn Lo Âu

Đã cập nhật: 13 thg 11, 2021

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác lạc lõng, vô định, không biết làm gì chưa? Còn tôi, đã từng như vậy… cảm giác ấy đồng hành với tôi tựa như hình với bóng suốt khoảng thời gian lớp 12.


Bookiee - Sách là niềm vui

Giờ đây có dịp chia sẻ thông qua những dòng chữ này khiến tôi hồi tưởng lại giai đoạn ấy, thật sống động. Đó là chuỗi ngày tôi đối diện với chứng rối loạn lo âu. Phải nói rằng nó vừa là một thách thức, cũng vừa là một cơ hội khiến tôi có được hiện tại trọn vẹn hơn.


Vậy điều gì đã khiến tôi “lạc trôi” vào chứng rối loạn này? Theo tôi, ắt hẳn là vì bản thân lo nghĩ quá nhiều thứ vượt tầm kiểm soát của tâm trí. Cụ thể hơn là khi vào thời điểm ấy, đứng trước nhiều sự lựa chọn cho tương lai của mình: Học ngành gì? Học trường gì? Kinh tế gia đình có vẹn toàn không khi chọn như vậy? Tôi chỉ có thể liệt kê đại khái vài câu hỏi nhen nhóm và cuối cùng ăn sâu trong đầu bấy giờ. Ngoài ra còn rất nhiều khúc mắt, lắng lo khác dần hình thành nên rối loạn lo âu.


Bên cạnh đó, nếu đề cập đến mức độ rối loạn của tôi khi ấy, chắc chắn chẳng có thước đo nào lường được bởi lẽ nó đều xuất phát từ yếu tố tâm lý…


Không tài nào quên được, những đêm tôi thức trắng mà chẳng làm gì ngoài việc mở mắt trao tráo nhìn lên trần nhà rồi suy nghĩ đủ thứ chuyện về tương lai. Những nỗi sợ, lo âu khác gì loài sâu bọ gặm nhấm, bào mòn sức khỏe tinh thần của tôi một cách thầm lặng.


Cứ thế sau mỗi đêm thức trắng, tôi vẫn phải lên lớp đối diện với chương trình ôn luyện cũng như mớ bài tập cần giải quyết.


“Nhưng oái oăm thay, thức cả đêm không ngủ thì lấy sức đâu mà động não học tập, thu nạp kiến thức?”, tôi tự nói với mình như vậy.


Dần dần tôi thấy rõ sự sao nhãng trong việc học: Ngồi trên lớp thì bần thần, cô gọi đến khoảng hai, ba lần mới giật mình nghe.


Nhưng không vì thế mà thầy cô nghĩ rằng tôi đang có vấn đề, có lẽ lúc đó họ nghĩ tôi đã quá sức khi ôn tập vì học lực của tôi cũng thuộc dạng khá ở trong lớp.


Một vài ngày, một vài tuần có thể vẫn chưa ai phát hiện ra tôi đang gặp vấn đề tâm lý. Nhưng khi thời gian hững hờ trôi tính bằng tháng thì mẹ tôi là người đầu tiên đã “phát giác” ra tên thủ phạm “rối loạn lo âu” đang bòn rút sức khoẻ con trai bà.



Thật ra mẹ tôi không phải là chuyên gia hay bác sĩ tâm lý mà nhận ra tôi bị rối loạn lo âu. Chỉ đơn giản là mẹ tôi đã để ý những biểu hiện về sức khoẻ lộ rõ dần qua vẻ bề ngoài của tôi khi ấy: mắt thâm quầng, mụn nổi lên, ăn uống vô độ dẫn đến tăng cân đáng kể, vẻ mặt hay trầm uất.


Chỉ cần nhiêu đấy thôi, mẹ đã bắt đầu trò chuyện, chất vấn đủ thứ về tôi. Cuối cùng vì ngoài tầm hiểu biết của mình, nên bà đã cùng tôi đến phòng khám Tâm lý tại một bệnh viện tư nhân, cách nhà khoảng 30 phút chạy xe máy.


Sau nhiều lần thăm khám, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng tình hình của tôi cũng không khả quan hơn. Tôi vẫn vậy… thậm chí phải nói rằng càng ngày càng tồi tệ hơn trước khi chưa dùng thuốc. Trong toa thuốc mà bác sĩ kê luôn có yếu tố an thần, ổn định thần kinh. Vì thế nó khiến đầu óc tôi mụ mị dần, lúc nào cũng muốn ngủ, ngủ và ngủ. Dần dà đối với tôi việc uống thuốc là một thói quen không thể thiếu. Thế nên điều này cũng đồng nghĩa rằng khi hết thuốc để uống, chứng rối loạn lo âu trở lại. Tôi lại lo âu quá mức, mất ngủ trắng đêm, cũng như ngày một xa cách trong các mối quan hệ (gia đình, người yêu, bạn bè…). Thế rồi tôi trở nên co cụm, rụt rè, thiếu tự tin trong mọi thứ rất nhiều.


Và rồi khi mọi thứ chạm đáy cũng là lúc tôi trao cho mình một sức bật mới về sự thay đổi. Tôi quyết tâm bỏ số thuốc còn lại vào sọt rác không chút đắn đo, thả lỏng cơ thể chìm vào giấc ngủ ngon chưa từng thấy trong suốt khoảng thời gian gần 1 năm chống chọi. Không dừng lại ở đó, tôi đặt mục tiêu với khí thế hừng hực: sẽ giảm số cân 90kg còn 80kg thông qua việc đăng ký phòng tập gym gần nhà.


Phải nói rằng chỉ cần bạn thật sự muốn một điều gì đó, cả vũ trụ dường như sẽ giúp sức. Sau nhiều tuần chăm chỉ đến phòng tập không sót ngày nào kể cả thứ bảy, chủ nhật, tình hình của tôi khả quan hơn hẳn, đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng và dần lấy lại sự bình yên trong tâm trí. Không những vậy tôi còn tình cờ biết đến cuốn sách “Trên đường băng”, rồi hình thành thói quen đọc sách cho đến hiện tại. Điều này đã thật sự giúp ích tôi ngoài việc góp phần vào quá trình “đào thoát” khỏi rối loạn lo âu, nó còn khiến bản thân tôi cảm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, tình yêu đối với sách nói chung.


Sau tất cả…


Tôi cảm thấy biết ơn vô hạn trải nghiệm vô cùng quý giá này. Có thể vào thời điểm ấy nó là một trở ngại, khó khăn mà tưởng chừng khiến tôi sẽ gục ngã mãi mãi. Nhưng hiện tại, nhìn nhận lại quá trình ấy thông qua bài viết này tôi thấy đúng hơn nó là một cơ hội giúp tôi có được ngày hôm nay: Là sinh viên năm 4 chuyên ngành Tâm lý học, nặng 70kg và đang chia sẻ câu chuyện ý nghĩa này đến với các bạn.


Hi vọng các bạn – những người trẻ, nếu vẫn chưa xác định được hướng đi cho tương lai của mình thì cũng đừng nên quá đỗi lo lắng. Chỉ cần bạn còn sức trẻ, còn niềm tin, không ngừng tiến về phía trước, giữ một cái đầu lạnh với trái tim nóng chắc chắn bạn sẽ khám phá ra con đường của riêng mình! Chúc các bạn tất cả!


Người viết: Thành Đại
Thiết kế: Mai Nguyễn

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. ________________________

Bookiee - Sách là niềm vui


16 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page