top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Liệu thế giới có thật sự phẳng ?

Đã cập nhật: 2 thg 5, 2021

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet ngày càng làm phổ biến ý nghĩ về một thế giới của thế kỷ 21 "phẳng" - nơi mà thông tin lưu thông không giới hạn, và mọi người đều có cơ hội như nhau. Nhưng liệu, thế giới có thật sự phẳng...



Từ giảng đường không bằng phẳng...


Đọc tiêu đề, bạn có liên tưởng đến cuốn sách “The World is Flat” hay “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman không? Tôi biết khái niệm này khi vào đại học nhưng không phải vì đọc cuốn sách này. Thành thật mà nói tôi chưa bao giờ có ý định đọc cuốn sách này bởi vì không tin sự phẳng mọi người đang đề cập ngày nay. Có quá nhiều lý do để đặt nghi vấn cho câu khẳng định mang tính thời đại này. Xin được chia sẻ thông qua bài viết này.


Ấn tượng đầu tiên quyết định rất nhiều đến suy nghĩ về sau và tôi đã cho khái niệm thế giới phẳng điểm dưới trung bình. Giảng viên đề cập rất nhiều về nó, mọi lần đều có chung một công thức: “... nhờ có internet các em có thể tiếp xúc và sở hữu rất nhiều tri thức, nó tương đương với tất cả các nước phát triển, đang phát triển và nghèo. Hãy tận dụng nó, thế giới bây giờ đã phẳng hơn nhờ có mạng internet rồi ... Đừng dựa vào thầy cô nữa ... ”. Và thế là họ có quyền dạy ít đi với mục đích bắt học sinh tự tìm tòi phát triển.


Nếu sự việc chỉ dừng lại tại đó tôi đã không viết bài này. Ngạc nhiên thay, có một số giảng viên đã cho sinh viên lớp mình nhiều hơn những gì tôi và những người khác cùng lớp nhận được. Mỗi người có một cách dạy khác nhau, tôi chấp nhận và trấn an bản thân. Nhưng mọi chuyện có vẻ sai đi khi đề thi giữa kì được phát.


“Tôi đang đọc cái gì vậy?”


Năm giây nhìn xung quanh để tìm cái gì đó mà tôi không biết. Tôi nhận được nhiều sự ngơ ngác hơn. Vậy không phải mình tôi.


Tự tìm tòi, học hỏi qua Internet, hay là cái cớ để giáo viên có quyền dạy ít đi ?


...Đến thế giới vẫn còn nhiều gồ ghề


Sau tai nạn nhỏ nhoi đó, những câu hỏi bắt đầu hành hạ tôi. Trong một ngôi trường nhỏ bé với hơn 2000 sinh viên, mọi thứ đã không phẳng, vậy khi mở rộng phạm vi toàn cầu, nó có phẳng thật không?


Đẩy nhanh thời gian đến hiện tại, mỗi khi đầu óc không phải nghĩ về những thứ nhỏ bé, gần gũi trong cuộc sống, tôi lại suy nghĩ về nó. Thời điểm tôi viết bài này, đã có hàng tá lý do và thuyết âm mưu trả lời “Không” cho câu hỏi “Thế giới có thật sự phẳng?”.


Phân biệt chủng tộc, giới tính vẫn còn hiện hữu. Nhiều quan điểm cho rằng đây chỉ là gợn nhỏ trên bức tranh thế giới. Nhưng tỉ lệ người nghèo trên thế giới đa số vẫn là các nước thứ 3, những nơi đang gánh chịu hậu quả lâu dài của chiến tranh gây ra. Nơi mà nước không chảy trong ống, điện không leo trên dây và đồ ăn không có sẵn trong tủ.


Với hậu quả mà chiến tranh để lại, liệu thế giới có đang đưa cho mọi người những cơ hội ngang bằng ?


Chưa kể đến những khu ổ chuột nơi thị thành cao tầng chói lóa. Nơi những thân phận con người không có trên giấy tờ, bị từ chối khi tới bệnh viện và bị bắt khi đi cầu cứu cảnh sát. Phải chăng thế giới phẳng ám chỉ những người thực sự, được định danh bằng con số, được chính phủ công nhận?


Vậy thế giới có thật sự phẳng?


Tôi e là có và không, tùy thuộc vào suy nghĩ của từng người. Việc tranh luận cho câu hỏi này thật sự không mang lại lợi ích gì cho chúng ta. Tiền bạc, danh vọng, hạnh phúc. Chẳng có gì trong số chúng sẽ tới với ta trong việc tranh luận này cả. Nó không có hồi kết.


Vậy nên hãy cứ sống với hiện tại; lo nghĩ về tương lai một chút, một chút thôi, để biết hiện tại mình nên làm gì; đừng quên và cũng đừng cố nghĩ về quá khứ, suy cho cùng kinh nghiệm đều được sinh ra bởi quá khứ. Biết đâu khi ai cũng sống như vậy, thế giới lại thật sự phẳng thì sao.


Lúa mì


101 lượt xem1 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page