Cái gì sẽ đáng sợ với bạn nhất? Là sự đổi thay của ngoại hình hay là sự thay đổi của lòng người? Hay thậm chí là bi kịch cá nhân khi bị đóng khung trong cái nhìn của xã hội… Cuốn sách “Hóa thân” của nhà văn Kafka sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó…
Tác giả
Franz Kafka (1883 – 1924) là một nhà văn lớn chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức. Ông được giới phê bình đánh giá như một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Ông là một nhà hiện đại chủ nghĩa và chịu ảnh hưởng mạnh bởi những thể loại khác, bao gồm chủ nghĩa hiện sinh.
(Chân dung Franz Kafka, Nguồn ảnh: Internet)
Các sáng tác tiêu biểu: Hóa thân (Die Verwandlung), Vụ án (Der Prozess), và Lâu đài (Das Schloss), chủ yếu sử dụng những chủ đề và nguyên mẫu về sự ghẻ lạnh, sự tàn bạo về thể xác và tinh thần, mâu thuẫn cha - con, những nhân vật trong những cuộc truy tìm đáng sợ, và những sự biến đổi kỳ bí.
Tác phẩm
“Hóa thân” là một trong những tác phẩm kinh điển của tác giả Franz Kafka. Tác phẩm được Kafka sáng tác vào năm 1912 và xuất bản lần đầu vào năm 1915 trên một tạp chí.
Đây được xem là một trong những tác phẩm văn học hư cấu có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế kỷ XX và đã được đưa vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu ở nhiều trường đại học ở phương Tây.
Khía cạnh tâm đắc
"Một sáng tỉnh giấc sau những giấc mơ xáo động, Gregor Samsa, nằm trên giường, nhận thấy mình đã biến thành một con côn trùng khổng lồ. Anh nằm ngửa trên cái lưng rắn như thể được bọc giáp sắt, và khi dợm nhấc đầu lên, anh nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng, phân chia làm nhiều đốt cong cứng đờ; tấm chăn bông đắp trên bụng đã bị xô lệch, gần tuột hẳn. Chân anh nhiều ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vung vẩy bất lực trước mắt anh".
Từ một người trụ cột của gia đình, phải chăm lo cho bố mẹ và cô em gái, nay anh lại không thể làm được gì, điều này đã khiến cuộc sống gia đình anh như bị đảo lộn. Đối với những người anh coi là gia đình, là người thân, thì giờ đây trong mắt họ, anh được xem như là một gánh nặng, một mối lo ngại hay thậm chí là một dị nhân đáng kinh tởm. Xuyên suốt câu chuyện là sự bế tắc, sự bất lực khi Gregor hiểu mọi người, biết họ nói gì, chứng kiến mọi hành động của họ, nhưng bản thân không thể làm những con người ấy hiểu mình. Thú thật mà nói, Gregor như một tù nhân, một khổ sai bị trói chặt trong một thế giới ngột ngạt – đó là thế giới suy nghĩ cắn nhắc của chính mình; là lớp vỏ xấu xí và bẩn thỉu, dị dạng đến mức không ai dám lại gần sau màn “hóa thân” hoang đường ấy...
Biến thành con bọ, tức là sẽ không thể đi làm, không thể kiếm tiền, không thể phát huy được cái công dụng mà trước đây anh ta vẫn thực hiện nữa. Không những vậy, Gregor còn làm mọi người kinh sợ và tháo chạy mỗi khi gặp anh, làm cô em gái ngày càng chán ngán. Thế nhưng, vì do Gregor bị biến thành con bọ nên không thể làm việc như trước, hay vì do anh không còn có thể làm việc như trước nên trong mắt mọi người, Gregor đã trở thành một con bọ khổng lồ, đáng sợ và vô dụng? Hay phải chăng con bọ Gregor chỉ là một hình ảnh phản chiếu trong mắt của mọi người, vào một ngày Gregor không còn là Gregor mà họ nghĩ?
Và sau tất cả, Gregor đã chết…
(Đó là cái chết của một kẻ luôn sống trong cái khung rào cản của biết bao định kiến xã hội)
Đó là cái chết của một kẻ luôn sống trong cái khung rào cản của biết bao định kiến xã hội. Người không ra người, bọ không ra bọ. Cái chết đến với Gregor như một sự giải thoát, không chỉ cho bản thân anh, mà còn cho tất cả những người xung quanh. Thế nhưng, từ bao giờ mà gia đình lại trở thành căn phòng giam kiên cố nhất? Từ bao giờ mà một thành viên trong gia đình không còn khả năng làm việc lại trở thành gánh nặng? Từ bao giờ mà gia đình lại trở nên quá đỗi xa lạ với con người?
Dưới ngòi bút của nhà văn Kafka, thân phận con người chưa bao giờ xuất hiện nhỏ bé, rẻ rúng, là nạn nhân của sự phi lý tột cùng đến như vậy. Chuyện Gregor hóa thân thành bọ không còn là chuyện huyền thoại hay cổ tích nữa, nó xuất hiện ngay giữa thời hiện đại, chính là ẩn dụ cho số phận, sự tha hóa của con người trong đời sống.
(Nguồn ảnh: Internet)
Gregor thực sự rất đáng thương. Anh đã cố gắng hoàn thiện bản thân để nuôi sống gia đình. Anh cố gắng chấp nhận một công việc nhàm chán để có tiền lo liệu cho tương lai của ba mẹ và em gái. Anh phải là người có trách nhiệm, phải đi làm, phải yêu thương gia đình, phải cho cô em vào trường Nhạc viện. Anh đã lờ đi, đã vô tình quên mất chính bản thân mình chỉ để phục vụ cho những người mà anh xem là quan trọng nhất.
Thế là dù chỉ một mơ ước nhỏ nhoi cũng không bao giờ thành hiện thực, bởi giờ đây anh đã chết, chết trong những khuôn khổ khắt khe của định kiến xã hội. Anh đã làm gì tội lỗi? Biết chăm lo gia đình, biết yêu thương người thân là sai sao?
(Nguồn ảnh: Internet)
Phát hiện thú vị
Lặng yên và cảm nhận từng dòng câu chuyện, từng lời nói, hành động của các nhân vật và cả sự “hóa thân” hoang đường ấy, tôi nhận ra rằng: Bi đát không phải Gregor là một con vật; mà bi đát thực sự là Gregor không phải hoàn toàn là con vật mà cũng không phải hoàn toàn là con người; anh ở chính giữa nửa người nửa vật và không biết mình thuộc về đâu; loài người không nhận Gregor mà loài vật cũng không nhận anh. Con người sẽ trở thành vật, thành công cụ phục vụ cho âm mưu nào đó, hay cho guồng máy xã hội, và thậm chí có thể dần trở nên xa lạ với chính mình, mất đi nguồn gốc của mình lúc nào không hay biết. Đây là một trong những đóng góp có ý nghĩa khám phá lớn nhất về mặt tư tưởng của Kafka.
"Con người ta ai cũng mang nặng những ưu phiền
Hễ nhớ về quá khứ là nước mắt tuôn rơi
Còn hiện thực quá phũ phàng và tàn nhẫn
Mơ ước nhỏ nhoi không cách nào thực hiện
Nghĩ đến tương lai lại sụt sùi nước mắt”.
Điều còn đọng lại
Có quá nhiều điều để nghĩ khi đọc Hóa thân. Các nhân vật bị ném vào một bối cảnh đầy bất ngờ, nhưng cách họ xử lý lại thản nhiên đến mức kỳ lạ. Không tìm hiểu nguyên nhân, không cố tìm giải pháp, con người trong cuốn tiểu thuyết này của Kafka chỉ đơn giản là xuôi theo những gì đang diễn ra để hành động. Cuối cùng thì đâu mới là ý nghĩa của sự hóa thân thực sự? Con bọ chết đi, hay là cảm giác nhẹ nhõm khi cả gia đình xuống phố?... Đó đích thị là một câu chuyện đầy ám ảnh và tuyệt vọng, thu hút người đọc nhờ cách miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng cuốn hút.
Nhân vật chính của câu chuyện dường như ở một phương diện nào đó đều giống chúng ta, đều chăm chỉ làm việc, giúp đỡ gia đình, và cuối cùng khi hết giá trị sử dụng thì bị đào thải, bị vứt bỏ. Sau khi đọc xong, ám ảnh lớn nhất luôn thường trực trong mỗi độc giả chính là câu hỏi - Chúng ta là ai? Chúng ta tồn tại vì mục đích gì? Tại sao giữa con người với con người, thậm chí là gia đình, là máu mủ ruột thịt, lại có thể độc ác đến mức như vậy?
Đọc tác phẩm mà mỗi hình ảnh, mỗi hành động, lời nói của nhân vật đều để lại trong tôi một sự khắc khoải, ám ảnh sâu sắc, ám ảnh về dòng chảy hờ hững của thời gian và sự lạnh lẽo của lòng người,… Với những giá trị mà nhà văn Kafka đã gửi gắm, tôi tin chắc rằng “Hóa thân” sẽ mãi là một tác phẩm để lại cho người đọc một nỗi day dứt, đau buồn khó tả. Sự ám ảnh của tác phẩm cũng chính là lý do tại sao mà sau cả một thế kỷ tác phẩm vẫn luôn được người đọc đón nhận nồng nhiệt…
(Nguồn ảnh: Internet)
Còn bạn, sau khi đọc bài chia sẻ này, bạn sẽ tìm đọc nó chứ?
Người viết: Tô Thành Lũy
Người thiết kế: Thái Thùy Diệu
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
_________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
hay