top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Doorway Effect - Hiệu Ứng Ngoài Cửa

Đã cập nhật: 5 thg 7, 2021

Bước qua một cánh cửa hay di chuyển từ phòng này sang phòng khác và đột nhiên quên mất chuyện mình cần làm. Đã bao giờ bạn gặp một tình huống như thế chưa?


"Mình đang định làm gì vậy nhỉ?- Tôi tự hỏi khi đứng trong nhà bếp. Một vài phút sau, tôi buộc phải bỏ cuộc khi cố nhớ xem động cơ nào đã đưa mình vào căn bếp và đành trở lại phòng khách xem TV.


Đã bao giờ bạn gặp một tình huống tương tự như thế chưa? Bạn bước qua một cánh cửa, hay di chuyển từ phòng này sang phòng khác và đột nhiên quên mất chuyện mình cần làm.


Điều đó làm bạn cảm thấy nóng nảy và chán nản chính bản thân mình?


Doorway Effect - Hiệu Ứng Ngoài Cửa


Thế nhưng trên thực tế, không ít người gặp phải tình huống trớ trêu này. Tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn “Doorway Effect” trên là một hiện tượng khoa học được nghiên cứu bởi Gabriel Radvansky và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Notre Dame.


Trong thí nghiệm của Gabriel Radvansky, những người tham gia sử dụng phím mũi tên để di chuyển các hình đa giác được đặt trên bàn trong một trò chơi. Nhiệm vụ của họ là lấy đồ vật ở bàn 1 đặt sang bàn 2, sau đó lại lấy vật ở bàn 2 đặt tiếp sang bàn 3, và tương tự với các bàn còn lại. Vật mà người tham gia đang cầm sẽ không hiển thị mà bị cất vào một chiếc balo ảo.


Có lúc để lấy vật yêu cầu, họ đơn giản chỉ cần bước quanh căn phòng. Nhưng có lúc người chơi phải đi qua một cánh cửa để bước vào không gian khác. Thỉnh thoảng, họ cần trả lời câu hỏi xem vật nào đang ở trong túi một cách ngẫu nhiên (được bấm thời gian).


Kết quả, thời gian trả lời bị chậm lại và độ chính xác giảm đi khi họ bước qua một cánh cửa để tiến vào phòng khác so với một khoảng cách như thế trong một căn phòng.


(Brit Garner chia sẻ thêm về hiện tượng "Doorway Effect", Nguồn Youtube)



Vậy lý do đằng sau hiện tượng này là gì?


“Việc đi qua một ngưỡng cửa được coi là một đường biên giữa các sự kiện trong trí não, điều đó tách bạch các chuỗi hành động và cất chúng đi.” - Gabriel Radvansky chia sẻ. “Thật khó để tái hiện một hành động hoặc quyết định được thực hiện ở một không gian khác khi chúng đã được chia ngăn.”

Nhiều nhà tâm lý học tin rằng đi qua một cánh cửa sẽ "reset" lại bộ nhớ để tạo ra một không gian lưu trữ mới. Não bộ có thể cho rằng những thông tin cũ không còn quan trọng và xóa chúng đi để chuẩn bị tiếp nhận những thông tin mới.


Vì vậy, mỗi khi gặp phải trường hợp như vậy, đừng chắc chắn rằng bệnh Alzheimer đang tấn công bạn nhé, có thể bạn chỉ đang gặp phải Doorway Effect thôi!


Sau khi đọc bài viết, bạn đã bổ sung thêm cho mình những kiến thức gì về Doorway Effect rồi nào?


Người viết: Đào Thu Huyền
Người thiết kế: Nguyễn Minh Thu

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


_____________________________

Bookiee - Sách là niềm vui

👉 Instagram

👉 Youtube





Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page