Quay về tuổi thơ rõ ràng là một điều không tưởng nhưng chúng ta vẫn hàng ước mong bởi nó là cách để ta tạm quên đi hiện thực một chút, với niềm tin rằng sống chậm lại rồi ta sẽ có thêm năng lượng để chiến đấu tiếp.
Thực tại
18 tuổi, kì thi đang đến gần, deadline và bài tập chất đống lên nhau, nhưng tôi không muốn làm. Tôi cảm thấy việc học và làm mỗi ngày lặp đi lặp lại thật nhàm chán và khiến tôi không khác gì một cỗ máy. Thế nên tôi quyết định tắt máy tính, gấp sách vở lại và ra công viên ngồi hít thở khí trời.
Từ đâu đó xuất hiện một cậu bé tươi cười nhìn tôi: - Trông chị đang rất buồn đấy. Chị có muốn đi chơi cùng em và các bạn không? Thằng nhóc tên là Mùi. Trên đường đi, nó kể về một ngày tẻ nhạt của nó, một ngày chỉ xoay quanh ăn, ngủ và học. Tôi bắt đầu thấy giống mình. Thế nhưng điểm khác biệt là ở chỗ: tôi (gần như) là người lớn, còn nó chỉ là đứa trẻ con 8 tuổi mà thôi. Rồi nó giới thiệu đám bạn với tôi: - Nhóm của em gồm có 4 người: em là Mùi, còn đây là Tủn, Tí sún và Hải cò. Nó gọi đám bạn: - Nè tụi bây. Hôm nay tao mới rủ được chị này đi chơi chung với tụi mình.
Bọn nhóc rất đáng yêu, chúng nói lời chào tôi ríu rít. Chúng kêu ca về những bậc phụ huynh ngày nào cũng bắt chúng ngồi vào bàn học mỗi tối, bắt đi ngủ trưa, bắt ăn những món ăn chán ngấy,.... Và chúng thực sự đã mở một phiên toà để “kết tội” người lớn. Chúng nói về ước mơ thay đổi thế giới, không cần phải nghe theo sự sắp đặt của người khác. Chúng ngây ngô, trong sáng, bày ra đủ thứ trò chơi chỉ với lí do đơn giản: để cho đời bớt nhạt. Chúng nghịch ngợm, phá phách, đôi lúc làm phiền lòng người lớn. Với óc tưởng tượng và sáng tạo của mình, chúng luôn muốn tìm cách để thể hiện rằng mình là người khác biệt so với tất cả mọi người trên thế giới. Chúng tìm cách làm giàu bằng việc đi tìm kho báu, tự gây dựng một trang trại chó hoang. Mặc dù kết quả chẳng đi đến đâu (và còn bị ba mẹ mắng té tát) nhưng chúng vẫn khao khát nổi loạn để thoát khỏi “sự trói buộc”.
Nếu thế thì đã sao?
Phản chiếu thực tại
Trước khi trở thành một “người lớn” 18 tuổi, tôi cũng từng là một cô bé 8 tuổi hồn nhiên. Thế giới của một đứa trẻ 8 tuổi không vướng chút lo âu, không bộn bề những gánh nặng, suy tư. Ngắm nhìn 4 đứa trẻ, tôi tự thấy hình ảnh chính mình trong đó và khát khao một lần được lên chuyến tàu quay trở lại sân ga thời thơ ấu. Từng thước phim thời trẻ con đang tua chầm chậm lại trước mắt tôi - một người lớn đang u buồn và tiêu cực.
Dù nghịch ngợm, dù phá phách cỡ nào, tôi vẫn không hối hận vì chính những điều đó đã tạo nên một “tôi” trưởng thành ngày hôm nay. Lắng nghe câu chuyện của lũ trẻ, tôi càng chiêm nghiệm được nhiều điều về “thế giới của người lớn”.
Giờ thì tôi nhận ra, khác biệt giữa tôi và cu Mùi, Tí sún, con Tủn và Hải cò không chỉ ở vấn đề tuổi tác. Tôi còn khác chúng ở từng hành động và suy nghĩ khi đối diện với khó khăn. “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật buồn chán và tẻ nhạt”, đó có thể là khởi đầu cho hành trình thay đổi thế giới của những đứa trẻ, nhưng đó cũng có thể là nguồn cơn của sự buồn bã, chán chường với một người lớn (như tôi).
Tôi mỉm cười vui vẻ, thầm cảm ơn cu Mùi và những người bạn đã giúp tôi tìm được một điểm tựa tinh thần - chính là những kỉ niệm hồn nhiên tuổi ấu thơ. Các em đã trao cho tôi một tấm vé để trở về nơi yên bình nhất trong tâm hồn mình…
(nguồn ảnh: Shutterstock)
Tiếng xe cộ qua lại làm tôi chợt tỉnh giấc. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ đẹp trên những trang sách. Gấp lại cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, tôi tự nhủ mình cần phải tích cực lên và cố gắng nhiều hơn mỗi ngày, để mỗi ngày trôi qua không còn tẻ nhạt và buồn chán.
- Đặng Thị Trà My -
Comments