Liệu bạn có bao giờ cảm thấy việc đọc chữ và hiểu được ý nghĩa của chúng khó khăn hay chưa? Trường hợp kỳ lạ này không nhất thiết phải luôn hiện diện, mà nó có thể xảy ra một cách vô cùng chóng vánh và thi thoảng thôi. Và nếu bạn chưa biết thì tình trạng này có hẳn một cách tiếp cận vô cùng khoa học, mang tên là Chứng khó đọc (tiếng Anh: Dyslexia).
Chứng khó đọc là tên gọi chung cho các trường hợp gặp khó khăn trong việc đọc hiểu và đánh vần dù cho trí tuệ và tâm lý hoàn toàn bình thường. Các vấn đề thường gặp có thể kể tên như: khó khăn trong việc đánh vần các từ ngữ, đọc nhanh, viết chữ, tự phát âm các từ và nghe hiểu từ người khác đọc.
Về thực trạng, Dyslexia có thể được tìm thấy hầu như ở mọi độ tuổi, bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành. Theo một số nghiên cứu được tìm thấy thì có khoảng 2–8% trẻ em học cấp 1 bị ít nhiều hội chứng này, và có thể từ 5–10% toàn dân số đang chịu ảnh hưởng. Chứng khó đọc có thể được phát hiện rất sớm khi còn nhỏ tuổi, nhưng vẫn có trường hợp sau khi trưởng thành thì nó mới được nhận ra.
Nguyên nhân dẫn đến chứng khó đọc được cho là bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố di truyền và môi trường. Nếu người nhà của bạn, kể cả ruột thịt hay họ hàng xa gần mắc chứng khó đọc thì vẫn có khả năng bạn sẽ mắc phải chứng này. Bên cạnh đó thì nó còn có thể xảy ra với những ai mắc bệnh lý Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và kèm theo với một số rối loạn phổ biến như chứng khó học toán hay nói lắp. Ngoài ra thì nó cũng có thể bắt đầu trong độ tuổi đã trưởng thành do chịu tác động của chấn thương sọ não, đột quỵ hay mất trí nhớ.
Có không ít các lý thuyết được xây dựng để giải thích cho chứng khó đọc. Một số lý thuyết tiêu biểu sau khi đã được tổng hợp những biểu hiện giống nhau từ nhiều quan điểm nghiên cứu như là: lý thuyết tiểu não, lý thuyết thâm hụt âm vị, lý thuyết xử lí thính giác nhanh chóng, lý thuyết thị giác,…
Điểm khác nhau giữa người mắc hội chứng này với người bình thường là nằm ở phần não bộ phụ trách việc xử lý thông tin ngôn ngữ hoạt động. Ảnh quét não bộ cho thấy phần phụ trách công việc này đối với người mắc chứng khó đọc không sáng lên hoàn toàn (hoạt động năng suất) khi họ đọc chữ.
Trước khi kết luận một ai đó mắc chứng khó đọc, cần phải loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây cản trở đối với việc học đọc, viết, nghe như thiếu học, có vấn đề tâm lý, tâm thần chậm phát triển, và các bệnh về tai, mắt, hoặc não,…
Mức độ của các triệu chứng ở mỗi người là không hoàn toàn giống nhau. Có những người chỉ có những triệu chứng nhẹ và dần dà có thể thích nghi được với nó, nhưng vẫn có những trường hợp khó nhằn hơn so với những người khác. Và việc mắc chứng khó đọc được tin là không thật sự có ảnh hưởng quá lớn đối với cuộc đời và cơ hội thành công của mỗi người. Dẫn chứng tiêu biểu là một số người nổi tiếng cũng mắc chứng khó đọc như Thomas Edison, Anthony Hopkins, Tom Cruise, Cher,…
Ảnh: dyslexia.vn
Vì vậy, nếu bạn có những biểu hiện của chứng này hoặc đã xác nhận được mình mắc nó từ lâu thì cũng đừng nên suy nghĩ quá bi quan và “chịu thua” trước nó một cách vội vàng nhé! Thay vào đó ta có thể học cách giảng hòa và dần thích nghi với nó, đây cũng là một cơ hội để thực hành lối sống và suy nghĩ vô cùng tích cực và có ý nghĩa, chính là hãy yêu thương chính bản thân mình hơn đó.
Nguồn tham khảo:
1. Chứng khó đọc. Wikipedia.
2. Amita Shroff, MD. 2021. What Is Dyslexia?. WebMD.
Sau khi đọc xong bài viết này, bạn đã hiểu thêm về chứng khó đọc rồi chứ?
Người viết: Như Quỳnh
Người thiết kế: Minh Thu
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments