top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Bạn Có Đang Dính Phải “Hiệu Ứng Đá Mèo” - Kick The Cat?

"Hiệu ứng đá mèo" rất dễ gây tai họa, đáng tiếc là mới chỉ có 1% trong số chúng ta biết cách tránh và 99% còn lại đều từng mắc phải. Vậy rốt cuộc, "Hiệu ứng đá mèo" là gì, do đâu xuất hiện và gây ra tác hại như thế nào?


Hiệu ứng đá mèo

Bức tranh thu nhỏ


Có một ông bố bị cấp trên phê bình ở công ty. Vừa về đến nhà, nhìn thấy đứa con nhảy nhót trên ghế sofa, ông đã liền mắng nhiếc nó một trận. Trong lòng đứa trẻ cảm thấy vô cùng tủi thân nên đã đá thật mạnh vào con mèo bên cạnh. Con mèo bị đá bất ngờ, chạy thẳng ra đường và không may có một chiếc xe chạy ngang qua. Vì tài xế muốn tránh con mèo này nên đã đụng phải một đứa trẻ đang đi bên đường.


Buổi sáng gửi báo cáo nhưng lại bị cấp trên trả về làm lại, thế là buổi trưa anh ta liền trút giận lên anh chàng shipper hoặc cố tình bình luận những câu khiếm nhã trên mạng xã hội…

Đây chính là "hiệu ứng đá mèo" nổi tiếng - một kiểu lây lan cảm xúc điển hình. Bạn bực mình vì một chuyện khác nhưng lại trút sự nóng nảy, bực tức đó sang những người xung quanh. Do đó, phản ứng trút giận dây chuyền luẩn quẩn tựa như một hòn đá nhỏ ném vào mặt hồ yên tĩnh. Nó sẽ tạo các gợn sóng lan truyền và đẩy thứ cảm xúc tiêu cực ấy ra ngoài cộng đồng. Cứ như vậy, sự bất mãn hay tâm trạng xấu của con người sẽ di chuyển theo chuỗi các mối quan hệ xã hội, từ địa vị cao đến địa vị thấp, từ kẻ mạnh đến kẻ yếu và cuối cùng kẻ yếu ở tầng đáy không còn nơi nào để trút bỏ sẽ trở thành vật hy sinh cuối cùng.


Hiệu ứng "Đá mèo" - sự nóng nảy, bực tức lây lan từ người sang người và cuối cùng con mèo bị vạ lậy


Thói quen "Giận cá chém thớt bắt nguồn từ đâu"


Sự nuông chiều của cha mẹ


Trong xã hội hiện nay, các bậc phụ huynh luôn xem con trẻ là “cục vàng, cục ngọc”, cưng chiều con hết mực.


Có lẽ không ít lần các bạn nhìn thấy ở các khu vui chơi có những đứa trẻ gào khóc, thậm chí ăn vạ để đòi mua đồ chơi, đồ ăn… Còn ba mẹ chúng thì đành bất lực, đành phải “xuống nước”, thỏa hiệp với đứa con của mình.


Cảm giác muốn bản thân an toàn


Rất nhiều người chúng ta đều đang phạm một sai lầm giống nhau, đó là đối xử với người thân một cách tùy tiện, có khi là thiếu lễ độ mà không suy nghĩ trước sau. Trong khi với người ngoài, chúng ta lại tỏ ra lịch sự, khách khí…


Bức xúc với đồng nghiệp chỉ khiến bản thân bị ghét thêm. Nên an toàn nhất là bạn về nhà trút giận lên những người thân yêu của mình, bởi gia đình thì luôn tha thứ, quan tâm dù bạn có đối xử với họ ra sao. Nghe thì vô lý, nhưng đó là thực tế.


Cảm xúc tiêu cực thực sự giống như một con dao vô hình. Việc bạn trút giận vào người khác hết lần này đến lần khác sẽ vô tình tạo ra những vết thương sâu và không biết bao giờ mới lành. Bởi cho dù có lành đi nữa thì vẫn sẽ có một vết sẹo trong sâu thẳm trái tim họ.


Dù có lành đi nữa thì vẫn sẽ có một vết sẹo trong sâu thẳm trái tim họ


Tôi cần làm gì để thoát ra khỏi thế giới ấy?


Trong xã hội hiện đại, mỗi một người đều là một mắt xích trong chuỗi dài "hiệu ứng đá mèo". Nếu không kịp thời điều chỉnh loại tác động của yếu tố tiêu cực này, bạn sẽ vô tình tham gia vào đội ngũ "đá mèo" - bị người khác "đá", sau đó đi "đá" người khác. Vậy phải làm sao để có thể tránh và phòng tránh "hiệu ứng đá mèo"? Đừng lo, hãy bắt đầu với việc học cách Kiểm soát cảm xúcĐiều hòa chúng ngay từ bây giờ.


Kiềm chế cảm xúc khi nóng nảy

Các nhà nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng, khi con người giận dữ sẽ xuất hiện hiện tượng "suy nghĩ nông cạn", chỉ nhìn vào những thông tin tiêu cực của vấn đề. Vì thế, trước khi bản thân rơi vào tình trạng mất kiểm soát cảm xúc, hãy thử dừng lại, im lặng hoặc tốt hơn là rời khỏi nơi đó và tự cho bản thân một không gian riêng. Hít thở thật sâu, cố giữ bình tĩnh để mọi chuyện không đi quá xa. Các nhà tâm lý học của Mỹ cho rằng: "Hạ thấp giọng, giảm tốc độ nói, mở rộng lồng ngực ra" chính là 3 bước giúp ích trong việc cân bằng lại cảm xúc, kìm hãm sự nóng nảy.

Trước khi bản thân rơi vào tình trạng mất kiểm soát cảm xúc, hãy thử dừng lại, im lặng hoặc tốt hơn là rời khỏi nơi đó và tự cho bản thân một không gian riêng


Thể hiện sự thất vọng

Nhiều người khuyên nhau không nên làm bất cứ điều gì trong lúc tức giận. Điều này chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác. Trong một số trường hợp, cơn giận bị kìm nén bên trong sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường. Thay vào đó, bạn hãy cho phép bản thân thể hiện sự thất vọng trong chừng mực để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

Hãy cho phép bản thân thể hiện sự thất vọng trong chừng mực để giải tỏa cảm xúc tiêu cực


Điều hòa cảm xúc

Bồi dưỡng một thái độ sống tích cực và lạc quan. Giải tỏa những cảm xúc không tốt trong lòng ra ngoài bằng những cách hợp lý. Thể thao cũng là một biện pháp để bạn cân bằng lại cảm xúc. Đi bộ, tập vài động tác yoga thư giãn hoặc thậm chí là nhảy và hát theo nhạc. Khi tâm trí tập trung vào sự di chuyển, nó sẽ không nghĩ đến những chuyện khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc tức giận nữa.

Duy trì sự nhiệt tình và sự lo lắng ở mức độ hợp lý. Ngoài ra, tìm kiếm sự hài hước trong những sự việc gây ra cơn nóng giận sẽ giúp bạn cân bằng cảm xúc. Điều này không có nghĩa là bạn “cười trừ” hoặc giải quyết hời hợt cho những vấn đề của mình mà là nhìn nhận chúng theo cách nhẹ nhàng hơn.

Nhận biết nguyên nhân gây ra sự tức giận


Nếu tuyến đường bạn di chuyển đến nơi làm việc mỗi ngày hay bị kẹt xe và khiến bạn thường xuyên rơi vào trạng thái nóng giận, hãy tìm một lộ trình khác thay thế hoặc đi làm sớm hơn để tránh kẹt xe.

Hãy cố gắng tìm một lộ trình khác thay thế hoặc đi làm sớm hơn để tránh kẹt xe.


Nếu tiếng ồn khiến bạn bực bội, hãy đeo tai nghe để thưởng thức những bản nhạc yêu thích. Tương tự, mỗi khi tức giận, bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp phù hợp để xử lý.


Tự kiểm tra lại quan điểm của bạn về sự việc khiến bạn tức giận. Khi không chắc chắn sự tức giận của bạn đến từ đâu, hãy cố gắng nhắc nhở bản thân dành một chút thời gian để ghi lại nhật ký hoạt động trong ngày. Điều này có vẻ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm được cách lấy lại sự bình tĩnh khi đã ý thức được suy nghĩ và hành vi dẫn đến cơn giận.

Hãy tâm sự


Một người khi giận dữ thường khó có thể nói chuyện một cách rõ ràng. Hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng sự tức giận không thể kiểm soát đang làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn với người khác. Nếu bạn không thể tự mình làm việc này thì hãy nhờ đến một người thứ ba như bố mẹ, hay vài người bạn thân.

Nếu bạn không thể tự mình làm việc này thì hãy nhờ đến một người thứ ba như bố mẹ, hay vài người bạn thân


Không nên làm trầm trọng hóa vấn đề và trút nỗi bực dọc lên người khác, điều này chỉ khiến cho tình hình trầm trọng thêm và gia tăng sự bực mình cho bạn. Thay vào đó, hãy dựa vào bạn bè để xua đi sự khó chịu và lấy lại vui vẻ. Hãy chia sẻ với họ để nhận được sự sẻ chia.


ĐIỀU QUAN TRỌNG

Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, thần kinh của chúng ta thường thiếu đi sự chín chắn, tỉnh táo cần thiết, dẫn đến việc phạm phải những sai lầm không đáng có. Điều quan trọng nhất khi muốn giải quyết vấn đề là bạn phải bình tĩnh lại

Cảm xúc tốt sẽ không chỉ giúp bạn hình thành một bầu không khí thoải mái vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực mà còn có thể lan tỏa thứ năng lượng đó đến những người xung quanh.

Sau khi tìm hiểu về hiệu ứng "Kick the cat", bạn hãy học cách thể hiện cảm xúc tốt hơn nhé!


Người viết: The Toffees
Người thiết kế: Phạm Quốc Việt

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


_________________________

Bookiee - Sách là niềm vui

👉 Instagram

👉 Youtube







584 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page