top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Ai Là Người Quyết Định Nghệ Thuật Nghĩa Là Gì?

Đã cập nhật: 13 thg 11, 2021

Một món ăn được mọi người cùng thưởng thức, có người sẽ thấy rất ngon, có người thấy tạm được mà cũng có người chê chẳng ra gì. Điều đó còn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi thực khách mà chẳng phải do người đầu bếp. Và có lẽ nghệ thuật cũng vậy...


Bookiee - Sách là niềm vui

Hãy tưởng tượng bạn cùng người thân đang đi tham quan một buổi triển lãm nghệ thuật và một bức tranh nổi bật nào đó đập vào mắt bạn. Màu đỏ rực rỡ là chủ đạo, đối với bạn, như thể một biểu tượng của tình yêu, nhưng người kia lại cho rằng đó là biểu tượng của chiến tranh. Và khi bạn nhìn thấy những ngôi sao tô điểm trên bầu trời lãng mạn, họ lại giải thích rằng chúng biểu trưng cho các chất ô nhiễm đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Để đặt dấu chấm cho cuộc tranh luận, bạn ngay lập tức cầu cứu Internet, chỉ để nhận ra rằng, bức tranh là bản sao của một dự án nghệ thuật thời học sinh của họa sĩ: Màu đỏ là màu yêu thích của cô ấy, và các chấm bạc chính là các nàng tiên.


Bạn giờ đã biết được ý tưởng tạo nên tác phẩm này. Vậy bạn có sai khi cảm nhận bức vẽ theo cách không phải của họa sĩ? Bạn có bớt hứng thú đi khi biết ý nghĩa thực sự đằng sau bức tranh? Dụng ý của họa sĩ ảnh hưởng đến góc nhìn của bạn như thế nào? Đây là vấn đề mà những triết gia và nhà phê bình đã có những cuộc tranh cãi căng thẳng, khi họ không thể tìm được tiếng nói chung.


Vậy bạn có sai khi cảm nhận bức vẽ theo cách không phải của họa sĩ?


Giữa thế kỷ 20, nhà phê bình văn học W.K. Wimsat và triết gia Monroe Beardsley đã tranh luận rằng, dụng ý nghệ thuật hoàn toàn không liên quan. Họ gọi đây là “Ngụy biện về dụng ý” khi dụng ý nghệ thuật của họa sĩ bị hiểu sai. Lập luận này có hai mặt. Thứ nhất, khi những họa sĩ ta tìm hiểu không còn sống, dụng ý của họ không hề được ghi chép lại, hay đơn giản là không có cách nào để giải thích ý nghĩa đằng sau các tác phẩm của họ. Thứ hai, thậm chí nếu có chút thông tin liên quan, Wimsatt và Beardsley tin rằng, nó cũng sẽ làm ta xao nhãng khỏi chất lượng thực sự của tác phẩm. Họ so sánh nghệ thuật với món tráng miệng: Khi bạn ăn một chiếc bánh kem, dụng ý của đầu bếp không hề ảnh hưởng đến sự cảm nhận mùi vị của riêng bạn và kết cấu bánh. Đối với họ, bánh kem “ngon".


Dĩ nhiên, người này thấy "ngon" thì không có nghĩa người khác cũng vậy. Vì mỗi người có cảm nhận khác nhau, những đốm bạc trong bức vẽ ban đầu có thể được hiểu như là các tiên nữ, ngôi sao, hay sự ô nhiễm. Theo suy luận của Wimsatt và Beardsley, cách diễn giải tác phẩm của cô ấy sẽ chỉ là một trong nhiều những cách khác nhau, và tất cả đều có thể chấp nhận được.


Vì mỗi người có cảm nhận khác nhau


Nếu bạn thấy rằng những điều trên là có vấn đề, có thể bạn sẽ đồng ý kiến với Steven KnappWalter Benn Michaels, hai nhà lý luận văn học đã chối bỏ "Ngụy biện về dụng ý". Họ tranh luận rằng, dụng ý của tác giả không chỉ là một cách diễn giải mà còn là cách diễn giải hợp lý nhất cho một tác phẩm. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn đang dạo bước trên bãi biển, ngang qua một loạt các dấu vết trên cát, và bạn tin rằng chúng ít nhiều hình thành nên một đoạn thơ. Knapp và Michaels tin rằng vần thơ sẽ mất hết ý nghĩa nếu bạn bỗng khám phá ra rằng những dấu vết đó không hề do con người tạo ra mà là do những đợt sóng xô vào. Họ tin rằng một nghệ sĩ có chủ ý sẽ làm cho những ý thơ trở nên thật dễ hiểu.


Một số ủng hộ nhóm trung lập, cho rằng dụng ý chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong cả một bức tranh toàn cảnh. Triết gia đương thời Noel Carroll đưa ra luận điểm rằng dụng ý của nghệ sĩ liên quan đến khán giả, cũng giống như dụng ý của người nói liên quan đến người nghe trong một cuộc hội thoại. Để hiểu dụng ý hoạt động như thế nào trong hội thoại, Carroll nói rằng hãy tưởng tượng một ai đó trên tay cầm điếu xì-gà và hỏi xin một que diêm. Bạn đáp lại bằng cách đưa một chiếc bật lửa, thể hiện việc muốn đốt điếu xì-gà. Ngôn từ dùng để hỏi rất quan trọng, nhưng chính dụng ý đằng sau câu hỏi mới ảnh hưởng đến nhận thức và cách bạn phản ứng.


Vậy bạn đồng ý với luận điểm nào? Bạn có giống như Wimsatt and Beardsley, tin rằng việc cảm nhận nghệ thuật cũng như việc thưởng thức một chiếc bánh kem? Hay bạn cho rằng dụng ý và động lực mới ảnh hưởng đến ý nghĩa thực sự của tác phẩm? Diễn giải nghệ thuật là một mạng lưới phức tạp mà có lẽ ta sẽ không bao giờ tìm được một câu trả lời chính xác.


Sau khi đọc xong bài viết này, bạn đã có câu trả lời cho mình rồi chứ?


Người viết: Quang Minh
Người thiết kế: Khánh Linh

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

________________________


Bookiee - Sách là niềm vui

51 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page