top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[84] Mùa xuân năm 15 tuổi của tôi

Có những nỗ lực sẽ nhận được những “trái ngọt” xứng đáng, nhưng cũng có những nỗ lực chỉ nhận lại được những “nụ hoa”…



Tôi vốn là một cô bé ngay từ nhỏ đã ở trong đội tuyển học sinh giỏi Văn. Và dù thành tích không quá cao nhưng trộm vía, năm nào tôi cũng có giải. Đến năm tôi lên lớp 9, thì để có được một “vé” lọt vào Đội thi Học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, cô giáo đã gọi tôi đi ôn thi ngay ở tháng thứ hai của kỳ nghỉ hè. Vậy là thay vì được nghỉ hè hai tháng như mọi năm, tôi chỉ có thể ngậm ngùi dành một tháng vui chơi của mình để đều đặn luyện đề ở trên trường học. May mắn thay, bằng sự nỗ lực không ngừng của cả cô và trò, trong kỳ thi chọn Đội thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh diễn ra vào tháng 9 năm ấy, tôi đã đạt giải và giành ở thứ hạng thứ 4 trên tổng số gần 30 học sinh lọt top. 


Cũng từ kết quả này, mà hành trình bồi dưỡng cho kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh của tôi đã bắt đầu. Một hành trình dài đằng đẵng gần một năm, với quá nhiều những đánh đổi và sự cố gắng, nghị lực không ngừng. Song song với đó, là bao các bài học, trải nghiệm quý báu, thăng trầm cùng bao cung bậc cảm xúc khó quên, được xây nên từ những nỗ lực thầm lặng và tình cảm gắn kết của cả cô và trò…


Ngày 15/10 năm ấy, tôi bắt đầu bước vào buổi học bồi dưỡng đầu tiên cho kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, được tổ chức ở một ngôi trường điểm trên thị trấn. Buổi học hôm đó, diễn ra một cách thật nhẹ nhàng đúng với chất văn chương. 


Cô giáo dạy Văn của tôi lúc đó là một người phụ nữ khá trẻ, nhưng lại có một giọng nói vô cùng truyền cảm và lời giảng văn rất hay. Qua vài lần dò hỏi tụi học sinh trong trường, tôi biết được, cô tuy còn ở tuổi đời rất trẻ nhưng lại đạt được vô số các giải thưởng lớn nhỏ trong lĩnh vực giáo dục và là một cô giáo dạy Văn không chỉ có tiếng trong trường, mà còn có mức độ uy tín phủ rộng khắp cả tỉnh. “Giọng giảng Văn của cô đến cả các thầy cô giáo dạy những môn khác còn phải mê cơ mà!” - một cô bé trong lớp lên tiếng. Nó còn phổng mũi khoe khoang với mấy đứa trường làng như chúng tôi rằng: suốt từ năm lớp 7, nó đã được học Văn cô dạy rồi. Tôi nghe vậy mà lòng nửa ngưỡng mộ, nửa chút ganh.


Phải thừa nhận, giọng cô cực kỳ hay. Nó giống hệt như những gì bạn luôn tưởng tượng và kỳ vọng ở một chất giọng giảng Văn hoàn mỹ vậy. Giọng nói ấy có chút ấm áp, chút dịu dàng, xen một chút nội lực nhưng nhẹ thôi, đủ để bạn nghe dù chỉ một câu cũng thấy ấn tượng mà nhớ nhung mãi.


Không chỉ có chất giọng tuyệt vời, mà ngay cả ở lời giảng Văn, cô cũng rất chau chuốt. Từng con chữ cứ thế mượt mà và thấm vào lòng tôi một cách say mê đến kỳ lạ. Nói thật, cô là cô giáo dạy Văn đầu tiên và cũng là duy nhất cho tới thời điểm hiện tại khiến tôi nhớ được nội dung bài giảng mà chẳng cần phải về học thuộc hay ôn luyện một cách quá vất vả, kỹ càng. Phương pháp dạy khoa học xen chút chất lãng mạn của văn chương, cộng với sự hài hước, giản dị, gần gũi trong tích cách đời thường của cô đã khiến tôi hào hứng rất nhiều khi tham gia vào những buổi học sau đó.


Thế nhưng, ở buổi học kế tiếp tôi lại được học Văn bởi một cô giáo hoàn toàn khác. Cô giáo này cũng khá trẻ, tôi đoán chừng 34, 35 tuổi gì đó. Phương pháp dạy học của cô là học theo sơ đồ tư duy. Phong cách giảng Văn mới mẻ ấy, đã được tôi hồ hởi tiếp thu và ứng dụng rất thành công trong khá nhiều bài làm văn sau này. Qua lời kể của cô, tôi còn biết được: cô và cô Hồng (người cô tôi nhắc đến trước đó) sẽ thay phiên nhau giảng dạy, bồi dưỡng cho chúng tôi trong đợt tuyển chọn Đội thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh lần này. Hai cô sẽ dạy xen kẽ nhau để chúng tôi có thời gian làm bài và trả bài tốt nhất. Tôi gật gù trước lời thông báo trên, trộm nghĩ: “Cũng hay, học Văn từ hai phong cách giảng khác nhau kiểu gì mình cũng lượm lặt được không ít kiến thức. Nhưng ủa “tuyển chọn” là sao? Lẽ nào…”


Cứ như đi guốc trong bụng tôi, cô giáo lại tiếp tục lên tiếng: “Phòng Giáo dục vừa ra thông báo rằng: Mỗi đội thi chỉ có 10 học sinh được đại diện đi thi cấp tỉnh. Tức là đối với lớp Văn chúng ta, trên tổng số gần 30 bạn thì chỉ có 10 bạn được chọn tham gia kỳ thi Học sinh Giỏi Văn thôi. Đồng nghĩa với việc, các em sẽ phải tham gia các bài thi loại để chọn ra Top 10 ấy. Hai tuần một lần, các em sẽ phải thi một kỳ thi sát hạch mà đề là do chính bên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhà làm. Thứ hạng cuối cùng của các em, sẽ là trung bình cộng của các xếp hạng từ những lần kiểm tra trước”.


Chúng tôi “Ồ” lên tiếng một rõ to khi nghe xong thông báo ấy. Ai cũng nghĩ: vất vả thi cấp Huyện xong thì sẽ có ngay một “vé” tiến thẳng vào vòng thi cấp Tỉnh, nhưng ai dè, lại thi cử, lại cạnh tranh, lại sàng loại… Mà như mọi người biết đấy, lớp 9 là năm cuối cấp hai nên chắc chắn tôi cũng sẽ có nhiều bài thi quan trọng nữa phải thực hiện ngoài những bài thi loại này. 


Không bao lâu sau, chính kỳ thi Nghề đầu năm đã khiến tôi phải chật vật rất nhiều để có thể vượt qua được nó. Vì lịch học môn đó trùng hầu hết vào những buổi ôn luyện Văn, nên theo đề xuất của phía thầy Hiệu trưởng, tôi sẽ phải bỏ các buổi ôn thi Nghề để tập trung tham gia ôn luyện tại trường điểm, nhằm giúp bản thân và nhà trường có một “vé” danh dự ở trong kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh. Bởi từ rất lâu rồi, trường tôi đã không có học sinh nào rinh được tấm “vé vàng” ấy. 


Vậy là kết cục, tôi chỉ có thể được học cỡ 3,4 buổi lý thuyết môn Nghề, còn ở các buổi thực hành khác, tôi không được học hôm nào. Bản thân nếu muốn biết cơ bản, thì chỉ có thể tự luyện tập, mày mò tại nhà rồi gửi sản phẩm cho cô giáo chữa. Sát tới ngày thi, tôi sốt sắng giãi bày nỗi lo lắng “thi trượt” của mình với cô giáo chủ nhiệm. Biết được vướng mắc này, thầy Hiệu trưởng đã phân công cho cô giáo bộ môn Nghề phụ đạo phần thực hành cho tôi trong hai tiết tự học trên trường. Để rồi rất may mắn, dù bản thân không có năng khiếu trong ngành Nghề ứng chọn, nhưng bằng sự chăm chỉ của bản thân và sự hỗ trợ nhiệt tình của cô giáo, tôi đã vượt qua nó một cách rất thành công dù bị “trầy trật” không ít.


Ngoài kỳ thi Nghề, thì các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ các môn tôi vẫn phải đều đều tham dự. Lượng bài tập trên lớp tuy cũng được thầy cô giáo ưu ái giảm bớt đôi phần, nhưng sau cùng số lượng bài tập ấy cộng với các bài tập của môn Văn và áp lực ôn thi cho những bài kiểm tra loại, cũng đã khiến tôi ngộp thở mà nhiều lần có ý định xin cô cho mình ngừng tham gia đợt ôn luyện. Nhưng sau cùng thì, tôi vẫn kìm nén được những lời nói nhụt chí ấy, mà bền bỉ thuận lợi trải qua rất nhiều các bài thi sát hạch để đứng vững tại vị trí thứ 2 trong Top 10 Đội thi.


“Vé vàng” tham dự kỳ thi Học sinh Giỏi Văn cấp Tỉnh đã khiến tôi có một lịch ôn kín mít. Một tháng trước khi kỳ thi diễn ra, tôi đã phải bỏ học hoàn toàn chương trình đại trà trên trường mà học thông và tập trung luyện đề cho kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp Tỉnh. Vì thành tích xếp hạng của tôi khá cao trong đội, nên cô giáo ôn thi cùng các thầy, cô trong trường làng đã kỳ vọng rất nhiều cho bài thi lần này của tôi. Chính tôi, cũng đã kỳ vọng rất nhiều về nó mà nỗ lực ôn luyện hết sức mình, ngày đêm miệt mài viết lách, đọc sách, ôn đề để bản thân có một phần thể hiện tốt nhất và mang giải cao cho trường.


Nhưng cuối cùng, có lẽ do “Đời không như là mơ”, nên dù bản thân cảm thấy mình đã làm bài khá tốt, nhưng trong kỳ thi “định mệnh” ấy, kết quả tôi nhận được lại chỉ là một câu nói: “Em thiếu 0,25 điểm nữa là có giải rồi. Thôi, dù sao thì em cũng đã cố gắng hết sức, bây giờ nghỉ ngơi và tập trung đi học lại nhé!”. Khoảnh khắc biết được kết quả, tim tôi như vỡ vụn. Cổ họng tự dưng có chút nghèn nghẹn nên chẳng thể trả lời lại thông báo của cô, chỉ dám gật đầu và chạy ù vội ra nhà xe. 


Về đến nhà, tôi lao ngay vào giường và khóc một trận thật to. Tôi khóc không hẳn vì thấy uổng những nỗ lực vừa qua của bản thân, mà hơn hết, tôi khóc vì cảm thấy mình đã phụ sự kỳ vọng của bao thầy cô, bạn bè, người thân xung quanh mình nhiều quá. Tôi cảm thấy xấu hổ khi thứ hạng của mình trong đội là khá cao, khi bản thân cũng được cô giáo bộ môn “tiên đoán” sẽ có giải, nhưng sự thật lại là “trắng bảng”. 


Thế rồi, sau đấy tôi đã bị sút tinh thần trong khoảng một tuần. Và nhờ vào sự an ủi, động viên của bạn bè, thầy cô nên cuối cùng, tôi đã vực dậy và thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực. Quả thực, bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy bản thân mình lúc đó thực sự đã quá yếu đuối đến mức thật “nực cười”.


Sau kỳ thi thất bại ấy, tôi lại quay trở về nhịp sống bình thường của một cô học sinh cuối cấp. Cũng như bao bạn bè trong lớp, tôi tiếp tục tất bận chuẩn bị, ôn luyện kỹ càng cho kỳ thi chuyển cấp sắp tới đây của mình. Ai ai cũng chú tâm vào mục tiêu “tiến thẳng tới ngôi trường mơ ước” mà dường như, đã lãng quên đi kết quả đáng tiếc vừa rồi của tôi. Kỳ thực, hình như tôi cũng thế, trong guồng quay bận rộn của học hành, thi cử, bản thân mình cũng đã vô tình lãng quên “vết thương lòng” ấy lúc nào không hay…


Đến bây giờ ngồi nhớ về câu chuyện năm xưa, tôi lại bật cười coi đó là một kỷ niệm đẹp của thời học sinh chứ chẳng phải chuyện buồn gì quá lớn lao. Kỳ thực, kỳ thi Học sinh giỏi năm ấy đã cho tôi quá nhiều những trải nghiệm “lần đầu”. 


Lần đầu, tôi bị thất bại trong kỳ thi học giỏi môn chuyên. Lần đầu, trong suốt bốn năm học trung học, tôi được thầy hiệu trưởng để ý, nhớ tới và dành nhiều sự kỳ vọng và lòng yêu mến. Lần đầu tiên, tôi phải đi học xa nhà đến vậy (khoảng cách từ trường làng lên trường thị trấn). Lần đầu, tôi được học một cô giáo có giọng giảng bài hay đến thế. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi phải học chung với rất nhiều các bạn học sinh đến từ các xã khác nhau trong huyện. Và lần đầu trong đời, bản thân phải trải qua nhiều bài kiểm tra khó vô cùng chỉ để có được một “vé” tham gia vào kỳ thi Học sinh giỏi Văn…


Quãng thời gian gần một năm học tập tại ngôi trường điểm của thị trấn cũng đã cho tôi quá nhiều những bài học và tình cảm đắt giá. Những câu văn, lời bình sâu sắc, phương pháp học Văn rõ ràng, khoa học của hai người cô đã thay đổi toàn bộ tư duy, cách học trước đó của tôi đối với bộ môn này. Họ đã gián tiếp giúp tôi giành giải ở những kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp tỉnh tại những năm sau đó, truyền cho tôi một tình yêu mãnh liệt, say mê kỳ lạ đối với văn chương. Những người bạn, người cô tôi gặp gỡ trong khoảng thời gian ấy cũng đã rất tự nhiên mà trao cho tôi thứ tình cảm nồng ấm, trong sáng, chân thật nhất, để rồi sau này ngồi nhớ lại, khóe miệng liền vội vã mỉm cười vì cảm thấy bản thân mình đã thật may mắn và hạnh phúc biết nhường nào!


Mười lăm tuổi trăng tròn là tuổi xuân, mùa xuân đẹp đẽ, viên mãn, trong sáng nhất của cuộc đời mỗi con người. Ở cái tuổi ấy, tôi lần đầu tiên không thể nhận được “quả ngọt” sau bao những cố gắng, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại, bản thân vẫn thấy có rất nhiều những “nụ hoa” nở rộ trong trí óc và tâm hồn! 


Đây quả thực là một dấu ấn, một cột mốc rất đáng nhớ và khó quên của tuổi trẻ, của cuộc đời tôi. Và, tôi yêu nó…


Bong Bóng


 

Bài dự thi số 84

Thí sinh dự thi: Bong Bóng

Cuộc thi sáng tạo: Ta Nói Gì Về Mùa Xuân?

35 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Commentaires


bottom of page