top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[72] Bà ngoại - Một mùa xuân trong tôi

- "Tháng Ba năm nay, con nhớ về quê thăm ngoại nha."



Đó là câu mà bà ngoại của mình vẫn thường hay nhắn nhủ mỗi khi hai bà cháu điện thoại cho nhau. Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng Ba, sinh nhật của ngoại là ba mẹ lại dẫn mình về ngôi nhà thân thương ấy khoảng vài ngày, nơi có bà ngoại yêu dấu. Mặc dù là thế, nhưng ngoại thi thoảng nói rằng ngoại sợ ba mẹ và mình không về, chắc hẳn ngoại sẽ buồn lắm. Mình hiểu nỗi buồn của ngoại, mình thương ngoại và ngoại cũng thương mình. Nếu một mùa xuân nào đó gia đình mình không về thăm quê, mình buồn một thì có lẽ ngoại buồn mười. Bởi lẽ cả năm nhà mình chỉ về ngoại mỗi dịp sinh nhật ngoại, nên ngoại bao giờ cũng nhớ nhung và mong đợi sự xuất hiện của ba mẹ, nhất là của mình, đứa cháu cưng của ngoại.


Mình chưa lúc nào quên đi những tháng ngày thơ ấu khi được về thăm ngoại nhiều hơn hiện tại. Bà ngoại mình nuôi gà trong sân vườn, khoảng thời gian đó mình được ngoại luộc cho nhiều ơi là nhiều những quả trứng gà thật ngon và cho đến tận bây giờ, mình vẫn chưa thấy có quả trứng gà luộc nào ngon hơn của ngoại. Một phần vì trứng gà của ngoại thật sự ngon, nhưng một phần do mình thương ngoại, nên điều ngoại làm cho mình thì mình đều cảm nhận nó là tuyệt vời nhất.


Năm mình tám tuổi, đã từng có vài tháng liền mình ở cùng ngoại vì ba mẹ trên thành phố bận việc. Ngoại nuôi mình lớn từ những quả trứng gà chất chứa đầy tình yêu thương, hầu hết các bữa cơm của ngoại và mình là trứng luộc dầm nước tương cùng canh rau muống. Tuy bữa cơm rất đạm bạc nhưng mình lại thấy vô cùng ngon, không chỉ ngon mà còn ấm áp và hạnh phúc, ắt hẳn là vì có tình yêu của ngoại trong đó. Khi được ở bên cạnh bà ngoại, mình có thói quen nhổ tóc bạc cho bà, bà hứa với mình nhổ một cọng tóc bạc bà sẽ cho mình hai nghìn đồng, thời điểm ấy mình thích lắm, cứ cố gắng nhổ càng nhiều tóc bạc cho bà để đổi lấy càng nhiều tờ hai nghìn. Tuy nhiên, sau này mình lớn, mình lại không muốn nhổ tóc bạc cho bà nữa, không phải vì mình không thương bà, mà bởi mình không muốn bà có thêm tóc bạc. Những cọng tóc bạc là minh chứng cho việc bà đang dần già đi, mình sợ rằng một ngày nào đó bà đi xa, mình muốn giữ bà ở bên cạnh mình mãi, mình không dám đối diện với hiện thực ngay trước mắt rằng bà đã ngoài bảy mươi tuổi, sức khoẻ cũng trở nên yếu hơn. Mình luôn mong trên mái tóc của bà đừng có thêm nhiều tóc bạc và thời gian trôi chậm lại, để bà có thể tiếp tục yêu thương mình.


Khoảng thời gian được sống chung với ngoại, dù ngắn hay dài, đều rất đáng trân trọng đối với bản thân mình. Bà vừa kể chuyện cho mình nghe, vừa đọc thơ bà tự sáng tác, vừa hát ngân nga. Khi trò chuyện với bà, mình cảm giác như đang tâm sự với một người bạn thân, bà lắng nghe và cảm thông, thấu hiểu cho mình, bà thường không la rầy như ba mẹ, bà đôi khi chỉ mắng yêu và đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho mình. Mình tưởng tượng như có thể nói hết tất tần tật mọi chuyện trên đời với bà, bà khiến mình tin tưởng và mình cảm nhận được sự an toàn lúc tâm sự với bà.


Bà chưa từng đến thành phố nơi mình sống với ba mẹ, mình hay kể cho bà về sự tấp nập và náo nhiệt tại nơi đây, bà nói bà muốn lên đây một lần nhưng chưa có dịp. Mình hứa với bà sẽ cố gắng học hành nên người để dẫn ngoại lên thành phố dự lễ tốt nghiệp của mình. Ngoại ơi, con sẽ làm được. Với mình, tháng Ba là tháng của bà ngoại, mùa xuân cũng đầy hình bóng của ngoại.


Tháng ba năm sau, tháng ba của nhiều năm sau nữa, mình vẫn sẽ về thăm ngoại, thăm người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời mình.


 

Bài dự thi số 72

Thí sinh dự thi: Phạm Từ Thiên Ân

Cuộc thi sáng tạo: Ta Nói Gì Về Mùa Xuân?

28 lượt xem1 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

1 Comment


Cactus Candy
Cactus Candy
Apr 04

Bài viết cảm động quá ạ! Mình cũng có ông bà ngoại ở xa, mỗi năm gia đình mình cũng chỉ về thăm ngoại được mỗi dịp tết, nhìn cây mận trĩu quả, mấy con gà béo múp ngoại để dành cho mình là đủ biết ngoại thương mình cỡ nào. Đọc bài của bạn mà mình rươm rướm nước mắt, thương sao cho hết tình cảm ông bà dành cho mình nhỉ!

Like
bottom of page