Ngày ông Công ông Táo năm ấy, Hà Nội được bọc trong tấm voan mù. Giữa Thủ Đô mà người ta cứ ngỡ đang ở Anh Quốc.
Tôi đã mặc xong hết quần áo, dợm bước ra khỏi phòng thì nhận ra mình chưa mở cửa sổ. Dạo này thời tiết ảm đạm, mây mù nhiều ngày, thi thoảng ông trời lại ban xuống những đợt mưa phùn bất chợt nên tôi cũng chẳng có hứng mỗi lúc tỉnh giấc sẽ mở bung cửa đón nắng ngập phòng nữa. Song tôi vẫn miễn cưỡng vặn chốt ban công, đẩy mạnh chiếc cửa gỗ cũ kĩ, mong rằng chờ đón mình sẽ là tiết trời trong lành sớm xuân. Vậy nhưng đợi chờ tôi chỉ có làn sương dày đặc giăng mắc trên cành lá nhẹ đong đưa, như gửi một lời chào đến thiếu nữ Hà Nội đang mắt tròn mắt dẹt. Mười tám năm sống trên cuộc đời, cô nàng đã bao giờ được thấy cái cảnh này đâu?
Ra bên ngoài, cảnh vật càng khiến tôi thêm sửng sốt. Sương len lỏi vào từng ngóc ngách, lảng vảng cạnh hàng dài những chậu quất hay những gốc cây mà nhìn lên chẳng thể thấy ngọn; sương sà xuống thềm nhà, sân gạch, đường đổ xi măng lỗ chỗ ổ gà; sương quấn lấy những gánh hàng rong; sương cũng chẳng thèm nhường đường cho biết bao phương tiện vẫn ùa ra ngoài mặc thời tiết mà chỉ biết nuốt trọn lấy họ. Tôi đi trên đê, tim đập trong lồng ngực khi căng mắt quan sát những khúc quanh mờ mịt, chân luôn sẵn sàng rà phanh khi thấy, từ trong lớp sương trắng xóa, lóe lên ánh đèn pha của hàng xe đi ngược chiều. Song tôi cũng không thể kiềm lại cái thích thú khi phi thẳng vào màn sương khổng lồ, cảm nhận cái tê tái buổi sớm ôm lấy mình, và con đường dần hiện ra trước mắt, từng dặm từng dặm một.
Lâu lắm rồi tôi mới lại thấy tuổi trẻ của mình chảy trong tay lái. Hai ngón tay đặt lên phanh, ngón cái tì vặn ga. Tuổi trẻ hừng hực khi tôi lần đầu tự lái cuốc xe vi vu sang Hoàn Kiếm. Tuổi trẻ ấy giờ lại trở lại, dù con đường này tôi đã thuộc làu từng ngõ rẽ, từng nhịp kéo thả phanh, về số lên số để nhường đường cho những chiếc xe khác lên dốc, hay túa ra từ phía chân cầu Long Biên, hay là vài gã thanh niên muốn ôm cua. Tuổi trẻ trở lại có lẽ bởi kích thích mà màn sương mang tới, vì tôi không hề biết phía trước kia có điều gì đang chờ đợi. Tôi chỉ đi thôi, tôi không hề sợ hãi.
Người lớn sẽ xuýt xoa, chỉ muốn có cơ hội cuộn tròn trong chăn ấm; nhưng có lẽ bởi vì tôi đang ở độ tuổi này, tuổi trẻ ấy, nên tôi chẳng ngại xông pha ra ngoài và tận hưởng niềm thích thú như một đứa bé lên ba. Tôi chưa từng thấy một Hà Nội bị nhấn chìm trong sương mù. Sa Pa không còn chỉ ở mạn Quán Thánh nữa rồi. Vì thế tôi phải đi mới được, phải xem xem, thứ đằng sau tấm màn mờ ảo quyến rũ kia rốt cuộc là gì?
Tôi đi. Sau lưng tôi có lời dặn của cha mẹ ông bà, “luôn phải đi chậm” và “cùng một con đường không có nghĩa là mọi thứ vẫn như hôm qua, không bao giờ được chủ quan”. Còn trước mắt tôi là thứ tôi sắp được khám phá. Và nếu có một đầu xe tải hiện ra, nếu có một bà bác khổ sở điều khiển chiếc xe chở hàng cồng kềnh, nếu có ai đi lấn làn, hay đang chờ sang đường, tiếng xi nhan inh ỏi, nếu có một người đột ngột phanh gấp do đứa bé qua đường,…tôi có thể mường tượng ra cảnh mình xử lý thật trơn tru và kiên nhẫn chờ đợi. Khi chướng ngại qua đi, tôi lại có thể tiếp tục vặn ga, bon bon trên đường của mình.
Nhưng dù lớp sương mù này sẽ nhanh tan đi, và xuân rồi cũng sẽ qua, sức trẻ nó đã thổi vào trong tôi, trong mỗi người sẽ tiếp tục cháy suốt hơn ba trăm ngày tiếp theo. Để ta có dũng khí đi, để ta có dũng khí trẻ, ngay cả khi ta không còn trẻ nữa. Thật nghịch lý khi xuân là mùa báo một năm qua đi nhưng lại luôn khiến ta thấy mình trẻ hơn. Có lẽ đó là điều chỉ xuân mới làm được thôi…
Bài dự thi số 40
Thí sinh dự thi: Điếc Đặc
Cuộc thi sáng tạo: Ta Nói Gì Về Mùa Xuân?
Hozzászólások