top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee

Nhận Thức Quyết Định Chúng Ta Là Ai Trên Đường Băng

Đã cập nhật: 6 thg 8, 2022

Hãy thử tưởng tượng nếu mỗi cá nhân chúng ta tồn tại mà thiếu đi nhận thức thì mọi thứ sẽ như thế nào?


Cụ thể hơn, chẳng hạn bạn muốn trở thành một nhà tâm lý học trong tương lai nhưng hiện tại bạn lại không biết mình cần phải làm gì. Học lực thì không quá xuất sắc nhưng cũng không đến nỗi tệ là bị đứng cuối lớp. Bạn loay hoay, trăn trở trước giấc mơ cao cả chuyên ngành tâm lý nhưng rồi cuối cùng lại chọn cách tự trấn an, thoả mãn bản thân với những hứng thú, thú vui tạm thời và bỏ mặc cho tương lai ra sao cũng được…


Nếu bạn đang vướng mắc, biết rõ vấn đề của mình tương tự như tôi vừa đề cập ở trên thì hãy để “Trên đường băng” của tác giả với bí danh Tony Buổi Sáng “mở mang” tầm nhìn.


Đôi nét về Tony Buổi Sáng


Từ khi phát hành cuốn best-seller của mình “Trên đường băng” cho đến hiện tại tác giả dường như không để lại bất cứ thông tin nào ngoài bí danh Tony Buổi Sáng. Thậm chí trong một cuộc trao giải về cuốn sách được nhiều người yêu thích nhất, có lượng xuất bản nhiều nhất đã thuộc về “Trên đường băng”. Lúc này hầu hết độc giả mến mộ đều hy vọng đây là cơ hội để tác giả xuất hiện. Nhưng cuối cùng Tony Buổi Sáng vẫn bí ẩn, lặng lẽ…


Tuy nhiên với ngòi bút tài hoa của mình, sự ẩn danh của tác giả luôn là một điều thu hút, hấp dẫn độc giả nói chung. Bởi trong cuốn sách của mình, chính Tony cũng nêu ra quan điểm một cách hài hước rằng: “Các bạn không cần tìm kiếm Tony Buổi Sáng là ai, hãng Phượng Tím ở đâu nhé. Nếu một ngày nào đó bạn thấy Tony trên tivi hay báo đài thì Tony đã có mưu cầu thương mại kiếm tiền, hoặc ham danh hám lợi rồi.”



Tại sao nên đọc cuốn sách này?


Đối với thị trường sách nói chung hiện nay, self-help là một thể loại chuộng người đọc vì nó dễ hiểu và lên dây cót tinh thần độc giả. Nhưng cũng chính vì điều này mà ngày càng có nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh thể loại self-help. Đối với người yêu thích cho rằng đây như một liều thuốc hữu hiệu cho sức khoẻ tinh thần, còn đối lập là những cá nhân bài trừ, cho rằng dòng sách này sáo rỗng, tích cực độc hại.


Nhưng đến với “Trên đường băng”, dưới cách truyền tải của Tony Buổi Sáng, cho dù bạn có yêu hay ghét self-help thì cũng sẽ có một thái độ tích cực nhất định đối với sách. Bởi cuốn sách viết theo lối kể chuyện, chia sẻ lại những trải nghiệm của chính tác giả nghe kể hoặc tưởng tượng hư cấu theo phong cách trào phúng kiểu bác Ba Phi, từ đó dễ minh họa cho những điểm muốn nói. Vậy nên cuốn sách này hoàn toàn phù hợp cho tất cả đối tượng độc giả!


Khi đắm mình trong những mẩu chuyện được viết theo lối tản văn sẽ cho chúng ta được trải nghiệm nhiều khía cạnh khác nhau (từ việc học tập, lối sống, cơ hội ngành nghề) trong cuộc sống. Nhất là đối với bối cảnh xã hội hiện nay, mọi người trang bị cho mình tư tưởng phải vào thành phố hoặc phải chen chân ra thủ đô mới có cho mình cơ hội phát triển.


Đặc biệt lối dẫn dắt cùng văn phong dí dỏm, khôi hài chắc chắn sẽ khiến phần lớn chúng ta khi đọc cuốn sách này sẽ vơi đi phần nào áp lực, mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, học tập. Đặc biệt, sẽ rất thích hợp khi bạn rỗi rảnh, thư giãn đầu óc.


Khía cạnh ấn tượng


Đây là phần phân tích chi tiết về đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nhiều nội dung. Để đảm bảo một trải nghiệm trọn vẹn với Bookiee, các bạn hãy đọc sách trước và quay lại với chúng mình sau nhé!


Đối với tôi “Trên đường băng” là cuốn sách đầu tiên khiến bản thân rẽ hướng vào thiên đường sách khi còn là một cậu học trò lớp 12. Giai đoạn mà bất cứ ai cũng ráo riết, đắn đo trước những hướng đi sắp tới sau tốt nghiệp cấp 3. May mắn thay khi ấy tôi tình cờ được một cậu bạn cùng lớp cho mượn “Trên đường băng” đọc thử vào giờ ra chơi.


LỜI MỞ ĐẦU CẢNH TỈNH


Ngay khi vừa đọc ở lời mở đầu cuốn sách, dường như tôi bị “sét” đánh ngang “mắt”. Chi tiết hơn Tony Buổi Sáng nêu ra quan điểm: “Nhận thức chính là thước đo sự trưởng thành của một người. Một khi có nhận thức logic, đúng đắn, thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Mình sẽ biết mình là ai, sứ mệnh cuộc đời mình là gì, thì sẽ sống một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.”


Các bạn có đồng quan điểm với tác giả không? Rằng nếu chúng ta không thể nhận thức được mọi thứ, đặc biệt đối với bản thân của mình là ai, sứ mệnh cuộc đời mình là gì thì sẽ không cảm nhận được một cuộc đời ý nghĩa, hối tiếc?


Riêng cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên cũng như vỡ lẽ ra nhiều điều khi tự ngẫm nghĩ lại. Bởi khi ấy tôi đang trong giai đoạn trị liệu rối loạn lo âu, hoàn toàn mất định hướng về mọi thứ, mỗi sáng thức dậy dường như đều không biết sẽ làm gì. Cũng may mắn thay “Trên đường băng” xuất hiện thật duyên để phần nào rẽ lối tôi sang trang mới trong cuộc đời này tốt đẹp hơn.

TÔI LÀ AI?


Đây là một mẩu chuyện nhỏ trong phần một Packing checklist - chuẩn bị hành trang. Ngay từ tiêu đề của mẩu chuyện này cũng đủ thu hút với cá nhân tôi lúc bấy giờ.


“Tôi là ai?” là một sự định hướng đầy hào phóng của tác giả dành cho đối tượng có nhu cầu giật học bổng quốc tế. Định hướng tựa như bước đầu để bạn làm bất cứ một điều gì đó mang tính chất quá trình. Nên chuyện du học, học trường quốc tế cũng vậy.


Điều khiến tôi tâm đắc ở “Tôi là ai” đó chính là việc Tony khuyên độc giả nên tự rèn luyện kỹ năng viết luận nếu có nhu cầu nộp đơn vào mấy trường quốc tế nổi tiếng thế giới. Và chủ đề quen thuộc của mọi cánh cửa đại học lớn ấy chỉ xoay quanh câu hỏi: “Tôi là ai? Who Am I”.

Qua đó ta có thể thấy được tầm quan trọng của câu hỏi này. Không chỉ đối với những cá nhân có nhu cầu du học sang các trường quốc tế nổi tiếng trong việc viết luận mà còn là câu hỏi chung cho tất cả chúng ta ở hiện tại. Trong bối cảnh hiện đại hoá, thời đại thông tin này phần lớn chúng ta dành thời gian cho các hoạt động giải trí ngắn hạn, hoặc các tin tức hằng hà sa số mà dẫn đến việc quên mình là ai.


Một câu hỏi đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ nhận thức để trả lời một cách trọn vẹn, sát với bản thân của mình. Vậy nên sau khi đọc “Tôi là ai?”, câu hỏi này đã khiến tôi nghiêm túc định hướng lại mọi thứ rất nhiều. Phần nào trốn tránh hiện thực và khi nghiêm túc hơn trong việc xâu chuỗi các khía cạnh xem mình là ai, tôi dần dần thoát khỏi rối loạn lo âu.

ĐÃ ĐỊNH LÀM RỒI NHƯNG MÀ…


Bao nhiêu người trong tất cả chúng ta đã từng không hoàn thành một công việc cụ thể nào đó đúng thời hạn vì “mãi bận” với các trang mạng xã hội hay các hình thức giải trí trên Internet?


Nếu câu trả lời của bạn là đã từng ít nhất một vài lần thì bạn sẽ không hề cô đơn khi đọc đến “Bệnh nghiện Internet”. Với khả năng hư cấu và ngòi bút trào phúng hài hước của mình, Tony đã tạo dựng lên nhân vật mắc bệnh nghiện Internet - vốn cũng là một căn bệnh hiện đại của giới trẻ nói chung.


Khi đọc đến mẩu chuyện này của Tony, tôi nuốt chửng từng chữ… à vì… có lẽ tôi nhìn thấy bản thân mình đâu đó thông qua anh H, 30 tuổi.


“Cứ mỗi lần đọc gương phấn đấu của các bạn khác thì máu con sôi lên 100 độ. Nhưng sáng ngủ dậy lại quên mất hôm qua mình ĐỊNH QUYẾT TÂM CÁI GÌ. Mở sách học tiếng Anh ra thì con không biết học để làm gì,…”


Phần này của cuốn sách như hồi chuông cảnh tỉnh cho những cá nhân đắm chìm trong thế giới ảo. Hiện tại tôi cũng có đôi khi quên mất nhiệm vụ, công việc của mình mà lo chat chit cùng mấy đứa bạn, hay xem mấy tập phim hay. Thế nên giờ ngồi đây có cơ hội chia sẻ lại căn bệnh nghiện Internet trong “Trên đường băng”, tôi như một lần nữa khắc cốt ghi tâm bài học này.


Mạng xã hội, website, thư điện tử, internet nói chung vốn được phát minh ra nhằm giúp cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nếu lạm dụng sẽ đi ngược lại mục đích, cũng như lợi ích ban đầu của nó. Ngoài ra ở đây, Tony còn tâm đắc nêu ra cách chữa trị căn bệnh này bằng cách khuyên nhân vật trong mẩu chuyện của mình “ban đêm đăng ký lớp học cầu lông tennis bơi lội đá bóng võ thuật gì đi. Tham gia một CLB tình nguyện, ví dụ nhặt rác bờ hồ. Đăng ký đi hiến máu để thay máu não giúp não mình thay đổi.”


Điều này hoàn toàn thiết thực nếu ta nhận ra “căn bệnh nghiện Internet” và áp dụng một cách phù hợp lời khuyên của Tony nhằm thay đổi lối sống của mình.

Thông điệp cốt lõi


Tóm lại tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa những câu chuyện trong sách đều là do tác giả hư cấu nên, hoặc nghe kể lại. Những giá trị bài học, lợi ích của nó hoàn toàn thiết thực nếu chúng ta biết cách áp dụng chúng vào cuộc sống cá nhân.


Thông qua sự truyền cảm hứng của tác giả về các nhân vật xuất chúng, thành công, ta có thể chắt lọc những điểm phù hợp nhằm phát triển các khía cạnh của bản thân như nhận ra vai trò của ngoại ngữ mà tích cực học, tập thể dục thể thao, sẵn sàng lao động tay chân, đọc nhiều sách, đi du lịch khắp nơi trên thế giới, chơi với bạn bè ham học ham làm, giữa cho đầu óc phóng khoáng, hoặc mày mò nhằm đạt được thành tựu trong nghề nghiệp mình chọn.


Tôi hi vọng các bạn khi đọc về bài cảm nhận này, nếu có thành kiến tiêu cực về self-help thì hãy thử một lần mở lòng tìm đến “Trên đường băng”. Chắc chắn giá trị bạn nhận được sẽ nhiều hơn những gì tôi tâm đắc về tác phẩm gửi gắm qua bài cảm nhận này.


Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc đến dòng cuối và chúc các bạn một ngày thật tốt lành!


Người viết: Thành Đại
Thiết kế: Vũ Tâm 


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. ________________________ Bookiee - Sách là niềm vui 👉 Fanpage 👉 VUI HƠN - ĐỌC NHIỀU HƠN 👉 Instagram



331 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page