Có lẽ trong đời ai cũng ít nhất một lần trải qua khoảnh khắc tự ti về ngoại hình của bản thân, cảm thấy xấu hổ vì bản thân không phù hợp với những quy chuẩn về cái đẹp của xã hội, những hình mẫu sắc sảo vẫn thường được người ta tung hô, ngưỡng mộ hết lời. Và có bao giờ bạn nghĩ rằng, liệu những quy chuẩn ấy đã biến đổi con người bạn như thế nào? “The Bluest Eye" (Mắt Biếc) của nhà văn Toni Morrison khiến người đọc phải suy ngẫm về chuẩn mực cái đẹp - nỗi áp lực khiến con người ta phải học cách hòa nhập với những ý tưởng hữu danh vô thực.
Tại sao bạn nên đọc cuốn sách này?
“The Bluest Eye" kể về câu chuyện của một gia đình đang đối mặt với những vấn đề phân biệt chủng tộc và giai cấp vào đầu những năm 1940 ở Ohio, chủ yếu xoay quanh cô bé 11 tuổi tên Pecola, một nhân vật được miêu tả là luôn mong ước trở nên khác biệt. Câu chuyện được kể xen kẽ từ vô số góc độ khác nhau, từ chính các nhân vật cho đến người dẫn chuyện, từ mạch truyện của quá khứ cho đến hiện tại, mọi thứ như được sắp xếp một cách có chủ đích nhằm mang đến thông điệp về cả một đời người.
Dù cuốn sách có được kể lại dưới bất cứ góc nhìn nào, sắc tộc luôn là vấn đề trọng tâm, cùng với sự ám ảnh về những chuẩn mực xã hội làm công cụ dẫn dắt và gắn kết các tình tiết lại với nhau thành một tuyệt phẩm mang tính cách mạng.
“The Bluest Eye" không đơn thuần chỉ là một câu chuyện hay, mà đây còn là cả một bài thơ truyền cảm hứng, phê phán những định kiến nói chung và sự trừng phạt vô vị của xã hội lên những ai không đáp ứng được chúng. Sắc đẹp luôn là một nỗi ám ảnh hiện hữu rất lâu trong suốt chiều dài lịch sử, và đấy cũng là lý do vì sao cuốn tiểu thuyết với bối cảnh những năm 1940 này vẫn có thể khiến bất kỳ độc giả nào phải kinh ngạc với những tình tiết khó đoán, cao trào đến bức bối. Thật khó lòng hoàn thành cuốn sách mà không tự mình chiêm nghiệm sự nguy hiểm của quy chuẩn khắt khe và cái giá phải trả của việc “biến đổi” bản thân để hòa nhập theo nhịp sống của xã hội.
Đôi lời về Toni Morrison
Toni Morrison, tên thật là Chloe Anthony Wofford Morrison, sinh ngày 18/2/1931 tại Lorain Ohio (bối cảnh của “The Bluest Eye"). Bà là một tiểu thuyết gia người Mỹ, một nhà văn, biên tập viên, và là một giáo sư giảng dạy tại nhiều nơi khác nhau, trong đó có khoa Khoa học xã hội tại trường đại học Princeton danh tiếng.
(Nguồn ảnh: VnExpress)
Morrison lớn lên trong giai đoạn Đại Suy Thoái, bộc lộ niềm đam mê đối với văn học từ rất sớm. Thuở nhỏ, bà dành thời gian học tiếng Latin, nghiền ngẫm các tác phẩm văn học Nga, Anh và Pháp. Austen và Tolstoy là hai trong số các tác giả mà bà ngưỡng mộ nhất. Bà kết hôn vào năm 1958 và có hai đứa con, trước khi ly dị vào năm 1964 để rồi trở thành biên tập viên nữ da đen đầu tiên ở mảng văn học viễn tưởng tại nhà xuất bản Random House trực thuộc thành phố New York.
Mãi cho đến năm 1970, bà cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay The Bluest Eye thu hút sự chú ý của công chúng cũng như các nhà phê bình nổi tiếng nhờ những mô tả sâu sắc về cuộc sống và số phận của cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Morrison với gia tài tác phẩm đồ sộ đã mang về cho bà vô số giải thưởng cao quý, bao gồm Giải thưởng Sách Quốc Gia (1973), Giải thưởng phê bình sách Quốc Gia, và giải thưởng của Viện Hàn Lâm Văn Học và Nghệ Thuật Mỹ. Kể từ năm 1981, bà là một thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Văn học và Nghệ thuật Mỹ, Viện Hàn lâm các Khoa học xã hội và Khoa học chính xác Mỹ. Sau này, bà còn được trao thêm nhiều giải thưởng uy tín khác, trong đó có giải Pulitzer vào năm 1988, và đặc biệt là giải Nobel vào năm 1993, đưa bà trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên được trao giải thưởng cao quý này.
“Mắt biếc”
(Nguồn ảnh: Kiến thức tổng hợp)
Tiêu đề của tiểu thuyết được lấy từ nỗi mong ước vô bờ của cô bé nhân vật chính, là được sở hữu một đôi mắt xanh biếc như màu da trời. “Da trắng" là chuẩn mực cái đẹp mà Pecola sẽ không bao giờ có thể đạt được, và cũng chính là gốc rễ của nỗi ám ảnh mang tên “mắt biếc” mà cô bé luôn đau đáu.
Xuyên suốt câu chuyện, Morrison luôn cố tình nhấn mạnh rằng không có bất cứ chi tiết nào miêu tả rằng Pecola là xấu xí cả, cô bé chỉ đơn giản là không thể đáp ứng được những quy chuẩn trong xã hội thời bấy giờ, khi vấn đề “da trắng thượng đẳng" vẫn còn nhen nhóm trong cách mà xã hội vận hành. Điều này vô hình chung khiến độc giả phải tự đặt câu hỏi rằng “Thế nào là ĐẸP?”, và liệu một người có thật sự xấu xí, khi mà không hề có bất cứ một sự lý giải nào phù hợp.
“Người lớn, những thiếu nữ trẻ, các cửa hàng, tạp chí, biển hiệu trên cửa sổ - cả thế giới dường như đều nhất trí rằng, một con búp bê mắt xanh, tóc vàng, da trắng hồng mới là thứ mà tất cả bé gái nên yêu quý.”
“Mỗi đêm, Pecola đều cầu nguyện cho một đôi mắt xanh biếc. Trong suốt một năm cô đã dành để gửi ước nguyện đến Chúa Trời, có phần nản lòng nhưng chưa bao giờ mất đi hy vọng.”
Vì không một ai muốn nói rằng Pecola là một đứa trẻ xinh đẹp, cô bé tội nghiệp đành phải tự mình tìm lấy những tia hi vọng. Rồi dần dần cô cũng đánh mất niềm tin, luôn nói chuyện với bản thân như một cách chạy trốn khỏi hiện thực tàn nhẫn cũng như nỗi tự ti với chính sắc tộc mà mình thuộc về.
Lối kể chuyện độc nhất vô nhị
Thật sự thì có lẽ bất cứ ai chuẩn bị ngồi xuống và lật ra trang sách đầu tiên cũng tưởng rằng sẽ được chào đón bởi một cuộc hành trình hoàn toàn từ góc nhìn cô bé Pecola. Thế nhưng, tác giả Morrison lại không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được thỏa mình thể hiện lối kể chuyện đầy tham vọng xen kẽ nhiều góc nhìn khác nhau một cách độc đáo. Cuốn sách bao gồm các chương được kể bằng góc nhìn thứ nhất, từ quá khứ cho tới hiện tại, của chính Pecola và các nhân vật khác:
“Nhưng nó thật sự có cảm giác như thế nào? Liệu nó có đau đớn như trong trí nhớ của tôi. Chỉ lưng chừng thôi. Hoặc có lẽ, đó là nỗi đau vì một nghĩa cử cao đẹp hơn.”
Để rồi đến các chương sau, câu chuyện được tiếp nối bởi một người dẫn chuyện bí ẩn, một góc nhìn thứ ba, giúp người đọc có một cái nhìn khách quan hơn về những gì đang diễn ra:
“Rồi gia đình này, vào một bữa sáng thứ Bảy của tháng 10, bắt đầu, từng người một, khuấy động những giấc mơ sung túc và sự trả thù cho nỗi khốn cùng trong cửa hàng của họ.”
Ngoài ra, Morrison còn tự do thể hiện sự sáng tạo qua cách sử dụng nhiều phông chữ khác nhau để kích thích sự cao trào ở những tình tiết quan trọng. Lối dẫn chuyện hấp dẫn và đầy xúc cảm, đôi khi lại có chất thơ, với sự chú ý cẩn thận tới nhịp điệu. Ngoài ra, bà còn dành rất nhiều trang chỉ để miêu tả bối cảnh một cách có chủ đích, thể hiện phong cách văn xuôi nổi bật và mạnh mẽ cùng như những dòng văn cách điệu đầy tính nghệ thuật.
Lời kết
Là tác phẩm đầu tay của Toni Morrison, đẹp đẽ, khác thường, và truyền cảm hứng, cuốn tiểu thuyết “The Bluest Eye" luôn khiến bất cứ độc giả nào cũng phải bứt rứt, bất lực trước một hiện thực tàn nhẫn, xấu xí mà tác giả đã xây dựng nên cùng với lối kể chuyện truyền cảm hứng; một hiện thực dễ đẩy con người ta vào bước đường cùng, bị cuốn vào một vòng xoáy vô tận của những chuẩn mực xã hội cố hữu và sự phân biệt đối xử nặng nề.
Hãy thử trải nghiệm cuộc hành trình này và học cách đồng cảm để nhận ra những giá trị thực sự của bản thân. Chỉ khi đó, xã hội này mới có thể xóa dần đi những định kiến khắt khe để hướng đến một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.
Người viết: Quang Minh
Người thiết kế: Thu Hoài
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. ________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Kommentarer