top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Ở Đây Chúng Tôi Không Đọc Sách!

Đã cập nhật: 27 thg 7, 2022

"Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia.” - Henry David Thoreau


Ở đây chúng tôi "không" đọc sách
Cuốn sách "451 độ F"-Ray Bradbury

Từ cổ chí kim, sách luôn được coi là nguồn tri thức quý báu, là người thầy, và là người bạn tâm tình dạy cho ta nhiều điều mới lạ trong cuộc sống. Bạn và tôi, chúng ta đều là những “độc giả”, là những người đọc sách và hết lòng yêu mến chúng. Một thế giới không có sách hay thậm chí bài trừ chúng quả là một điều không tưởng.


Thế nhưng, đó lại chính là viễn cảnh trong cuốn sách 451 độ F, được vẽ nên từ trí tưởng tượng độc đáo của nhà văn Ray Bradbury. Câu chuyện giả tưởng đặc sắc, kể về một thế giới nơi tri thức bị loài người ruồng rẫy, cho chúng ta một cái nhìn mới trước những hậu quả khủng khiếp mà sự phụ thuộc vào công nghệ có thể mang đến.


1. Thể loại


Dystopia là gì?


Dystopia (phản địa đàng) là từ gốc Hy Lạp, dùng để chỉ các xã hội, các thế giới phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ. Nói một cách đơn giản, dystopia là “nơi không tốt.” Đặc trưng của các tác phẩm thuộc dòng dystopia là thể hiện sự phi nhân tính, chế độ độc tài, thảm họa môi trường, và các yếu tố liên quan khác đến sự thoái hoá xã hội. Các xã hội dystopia xuất hiện trong rất nhiều dòng viễn tưởng và thường dùng để nói về các vấn đề đang tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ, chẳng hạn như môi trường, chính trị, kinh tế, tôn giáo, tâm lý, đạo đức, khoa học và/hoặc công nghệ -những vấn đề nếu không được giải quyết sẽ đưa xã hội đến một tương lai dystopia.

451 độ F” của nhà văn Ray Bradbury là một trong những cuốn sách thuộc thể loại Dystopia như vậy. Và dù đã gần 70 năm kể từ ngày đầu tiên ra mắt, câu chuyện về một thế giới vô hồn, trống rỗng, nơi con người đang dần rời bỏ cái nôi tri thức chắc chắn vẫn sẽ làm bao bạn đọc phải suy ngẫm.


2. Tại sao bạn nên đọc cuốn sách này?


Trái ngược với dòng sách Utopia, “451 độ F” của Ray Bradbury sẽ mang đến cho bạn một viễn cảnh tăm tối và trống rỗng. Sự mục nát và hoang mang ẩn chứa trong từng tình tiết sẽ ngày càng dồn dập kết hợp cùng sự vô nghĩa của cuộc sống con người trong thời đại công nghệ sẽ được tác giả đẩy đến tận cùng. Cuốn sách không phải là một dự đoán tương lai của tác giả mà là chất xúc tác giúp bản thân chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về tầm ảnh hưởng của tri thức trong thế giới hiện đại.


Ở đây chúng tôi "không" đọc sách

Cuốn sách "451 độ F" chắc chắn sẽ đưa người đọc đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau


Hãy đọc “451 độ F để hiểu tại sao bạn lại phải đọc sách, tại sao con người phải biết quý trọng lịch sử và bài học của những người đi trước. Bởi lẽ, nếu không có quá khứ thì con người sẽ không bao giờ có thể tiến đến tương lai.


3. Tác giả


Ray Bradbury - Người kể chuyện đến từ tương lai


Ray Bradbury (22/08/1920 – 05/06/2012) là một tác giả kiêm nhà biên kịch người Mỹ. Ông nổi tiếng với các bộ tuyển tập truyện ngắn khoa học viễn tưởng và kinh dị The Martian Chronicles (1950) The Illustrated Man (1951), đặc biệt nhất là cuốn tiểu thuyết “451 độ F” (1953). Năm 2012, sau khi ông qua đời, tờ New York Times đã nhận định Bradbury là "nhà văn có công lớn nhất trong việc đưa khoa học viễn tưởng hiện đại gia nhập thế giới văn chương chính thống."



Nguồn: simonandschuster.com


Những phát hiện thú vị


Năm 1972, các phi hành gia trên tàu Apollo 15 đã đặt tên một hố va chạm trên Mặt trăng là Dandelion Crater, dựa theo tên cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1957 của Ray Bradbury.


Năm 1992, một tiểu hành tinh mới được đặt tên là "9766 Bradbury".

Năm 2012, thiết bị khám phá Curiosity của NASA đã hạ cánh xuống một địa điểm trên sao Hỏa có tên "Bradbury Landing".


Cuốn sách cũng đã từng được chuyển thể thành phim. Tuy nhiên, phiên bản năm 2018 với sự góp mặt của Michael B. Jordan chỉ nhận được 4.9/10 điểm IMDB và 33% độ tươi trên trang đánh giá Rotten Tomatoes.



4. Tác Phẩm


451 độ F, 233 độ C và… nhiệt độ giấy tự bốc cháy!


451 Độ F (tương đương với gần 233 độ Celsius) theo ghi chú của bản dịch là “nhiệt độ giấy in sách bắt lửa và bốc cháy”. Nói cách khác, 451 độ F là nhiệt độ mà sách giấy sẽ bắt lửa và cháy – ngay từ nhan đề của truyện đã gợi lên hình ảnh đặc trưng: những cuốn sách chìm trong biển lửa. Nếu ở thế kỷ 21 khi mà lính cứu hỏa là người có nhiệm vụ dập tắt đám cháy thì trong thế giới tương lai này, họ trở thành lính phóng hỏa cầm súng phun lửa, cùng những con Chó Máy (sản phẩm công nghệ) đi thiêu rụi những kho sách còn sót lại và cả chủ nhân của những cuốn sách ấy.




Khám phá ra cách thắp lửa là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của loài người, nhưng đồng thời cũng là một trong những phát minh có tính hủy diệt nhất. Nhan đề của cuốn sách không chỉ nói về ngọn lửa sẽ hóa tro những cuốn sách giấy trong tương lai mà còn làm lụi tàn cái nôi tri thức của nhân loại. Không có sách, nền văn minh của con người trong thế giới của “451 độ F” dần biến dạng theo những chiêu trò quảng cáo rẻ tiền và các hình thức giải trí vô nghĩa song hành với nó.


Câu chuyện về một anh “Lính phóng hỏa”


“451 độ F” viết về một thế giới giả tưởng, nơi truyền hình thống trị và văn chương đang trên bờ vực tuyệt chủng. Người ta chạy theo những thông tin nông cạn, hời hợt. Tri thức bị ruồng rẫy và đương nhiên, tàng trữ sách là phạm pháp. Guy Montag, nhân vật chính trong câu chuyện, là một lính phóng hỏa. Nhiệm vụ của anh không phải cứu những ngôi nhà khỏi cái lưỡi dữ dằn của ngọn lửa tàn ác mà là thiêu rụi bất cứ ngôi nhà nào tàng trữ sách. Có lẽ anh sẽ sống cả đời mà không nhận ra rằng mình chưa bao giờ thực sự sống. Đến khi Montag gặp một cô gái 17 tuổi tên là Clarisse. Cô thích đi dạo trong đêm, thích ngửi mùi và ngắm nhìn mọi thứ. Cô đi hoài để ngắm nhìn mặt trời mọc, cô yêu những cuốn sách và rồi chết đi một cách bất ngờ.



Truyền hình lên ngôi khiến văn chương bị rơi vào quên lãng


Sự biến mất đột ngột của Clarisse chính là thứ châm ngòi cho hàng loạt biến động tâm lý và những xung đột trong gia đình Montag. Anh nhận ra những việc mình làm hàng ngày thật vô nghĩa, rằng thật ra những trang sách anh từng đốt chứa nhiều điều hơn thế. Chúng không chỉ là những dòng sáo rỗng mà mọi người vẫn thường hay nói. Với 3 chương truyện, hơn 200 trang vừa phải, tác phẩm dẫn dắt ta qua hàng loạt các cung bậc cảm xúc và những suy ngẫm về hiện thực đáng sợ của một thế giới quá phụ thuộc vào công nghệ.



Từ khi nào sách lại bị cấm?


Giờ thì anh hiểu tại sao người ta ghét và sợ sách chưa? Chúng cho thấy những lỗ chân lông trên khuôn mặt cuộc đời. Những người ưa thoải mái chỉ muốn những khuôn mặt tròn xoay bóng như sáp, không có lỗ chân lông, không có lông, không có biểu cảm.

Chúng ta đang sống ở cái thời mà hoa chỉ muốn mọc trên hoa, chứ không muốn mọc từ mưa nhuần và đất mùn đen. Kể cả pháo hoa, dẫu đẹp là thế, cũng là từ những hóa chất của trái đất. Thế mà chẳng hiểu sao, ta cứ nghĩ rằng ta có thể lớn lên, nhờ hoa nhờ pháo, mà không cần phải hoàn tất cái quy trình quay trở lại thực tại.”

Trong thế giới của “451 độ F”, người ta không cứu hỏa mà lại phóng hỏa, người ta không đốt gì khác mà lại đốt những cuốn sách. Ngày qua ngày, ta đến trường, đến cơ quan, ta học và lao động, cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Thế nhưng, đến một ngày ta sẽ tự hỏi mình bằng một câu hỏi đơn giản mà ít ai biết câu trả lời: “Tại sao?”. Chúng ta đi học, đi làm vì mục đích gì? Chúng ta hy sinh thời gian, công sức và nỗ lực của bản thân cho cái gì?”

Nếu không có sách, những câu hỏi đó dường như trở nên bế tắc và ta khó lòng tìm cho mình một câu trả lời thỏa đáng. Có lẽ vì thế mà người ta bắt đầu ghét sách, vì nó khiến họ suy nghĩ, khiến họ trăn trở về bản thân và hơn hết lo lắng về thế giới mà họ đang sống. Không còn sách tức là không còn khổ đau, không còn những suy nghĩ tiêu cực, và nhân loại trong câu chuyện của Ray Bradbury đã mù quáng tin vào điều đó.


Xã hội vô cảm và truyền thông lũng đoạn


Nói Ray Bradbury có khả năng tiên tri vì những gì ông vẽ ra trong cuốn “451 độ F” đang ngày càng đúng ở xã hội hiện đại. Ngày nay, con người không thể rời mắt khỏi TV, smartphone, liên tục bơm vào đầu những gì truyền thông đã sắp đặt. Thậm chí, những biển quảng cáo phải trải dài cả dặm thì người ta mới có thể đọc hết nội dung mà nó truyền tải.

Mặt trái của một xã hội khi truyền thông lên ngôi là sự rạn nứt và hờ hững trong những mối quan hệ đáng nhẽ là khăng khít nhất. Mildred là người ngày ngày nằm cạnh Montag nhưng anh cảm thấy mình chỉ như một người trên hòn đảo xa lạ. Cô tiếp xúc với “gia đình” ảo, những người lạ trong màn hình vô tuyến. Tuy là hai vợ chồng nhưng thế giới quan của họ lại hoàn toàn khác biệt. Họ quên mất ngày đầu tiên họ gặp nhau và Montag từng nghĩ, dù Mildred có chết thì anh cũng chẳng buồn đau. Bởi lẽ, lý do mà chúng ta buồn khi người thân qua đời là vì chúng ta tiếc nuối những điều họ đã làm cho ta, những trải nghiệm đã có cùng nhau trong quá khứ. Nhưng Montag không buồn, vì anh và Mildred vốn dĩ chẳng có điểm gì chung đụng hay giao hòa với nhau cả.


Lời tuyên chiến với một xã hội bị chi phối bởi công nghệ


Trong thời đại mà Ray Bradbury sống, nước Mỹ đang trong cơn cuồng tín chủ nghĩa McCarthy (được đặt tên theo thượng nghị sĩ Joseph McCarthy). Người dân bị khủng bố, kết tội dựa trên mối nghi ngờ. Cùng với đó, sách báo, phim ảnh bị kiểm duyệt trong suốt từ thập niên 1940 đến 1950 đều lấy danh nghĩa bảo vệ tổ quốc.

Độc giả có thể thấy những ảnh hưởng từ bầu không khí của thời đại ngày nay trong "451 độ F". Ở thế giới Bradbury sáng tạo, nhân danh sự tiến bộ và ổn định xã hội, tự do con người bị thủ tiêu, tri thức bị cấm đoán. Con người chỉ còn quanh quẩn với những chiếc TV khổng lồ hằng ngày phát lên những chương trình vô thưởng vô phạt, làm cảm xúc cá nhân bị điều khiển, con người sợ hãi sách vở như sợ mầm bệnh.


Con người trong thế giới sáng tạo của Bradbury coi sách vở như một mầm mống của sự xấu xa và độc hại.


Sau này, mọi người luôn nói về tính tiên tri trong tác phẩm này. Rằng "451 độ F" đã miêu tả gần như chính xác cách mà các thiết bị công nghệ được vận hành, từ trước khi chúng được phát minh vài thập niên như tai nghe hay những màn hình tivi khổng lồ. Vượt trên cả sự thấu thị đó, đi từ chỗ miêu tả xã hội hoài nghi tri thức, nhà văn đã tuyên chiến với một thế giới -nơi sách vở bị gạt qua một bên, con người trở nên lãnh cảm và bị chi phối bởi các phương tiện truyền thông.


5. Lời kết


Cách mà Ray Bradbury xây dựng bối cảnh, cách mà ông đi sâu vào tâm hồn, miêu tả sự chuyển biến trong nhận thức và những đổi thay tinh vi trong xúc cảm của nhân vật đã làm nên thành công của tác phẩm. Trí tưởng tượng bay bổng kết hợp với nghệ thuật so sánh gợi hình, gợi cảm đã giúp ông dựng lên một không gian hết sức sống động của một thế giới tương lai. Đọc "451 độ F” của Ray Bradbury trong những năm đầu của thế kỷ 21 không còn là sớm, nhưng cũng chưa hẳn là muộn.


Còn bạn thì sao? Sau khi đọc bài viết này bạn sẽ tìm đọc cuốn sách "451 độ F" của Ray Bradbury chứ?


Người viết: Lan Khanh    
Người thiết kế: Quốc Việt                                                                                                                           


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui


40 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page