top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Nếu Cô Đơn Đến Từ “Hai Phía” Trong Những Đêm Trắng

Đã cập nhật: 1 thg 4, 2023

"Chúng ta có đang khao khát đủ để yêu và được yêu không?"


Từ trước đến nay, mưu cầu thấu hiểu giữa người với người hay tự thấu hiểu mình luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng chúng ta vẫn thường ngại ngần với những điều mình đang ôm ấp, bận rộn đặt ra những câu hỏi chẳng thể tự trả lời và để chính mình xoay vòng trong quỹ đạo đơn côi thay vì thổ lộ. Để tìm câu trả lời và suy nghĩ thông suốt, mời bạn cùng tôi đọc về hai bi kịch tình yêu "Những đêm trắng" và "Cô gái nhu mì" trong cuốn sách này.


Bookiee - Sách là niềm vui


Ta nhận được gì được từ cuốn sách?


Hai tác phẩm ra đời trong giai đoạn đầu sự nghiệp của đại văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky. Tuy mới chỉ là 'viên ngọc thô' nhưng tác phẩm đã mở ra rất nhiều gợi ý về các đề tài xã hội hiện đại như sự cô đơn, nỗi sợ hãi bày tỏ lòng mình hay tính nghi ngờ thầm kín mà đa phần chúng ta đều ít nhất một lần bắt gặp. Tôi nghĩ cuốn sách là lựa chọn phù hợp cho những ai đang không ngừng tìm kiếm chính mình và một nửa của đời mình nhưng sợ hãi trước những ý nghĩ quẩn quanh về kết thúc hay bất trắc.


Fyodor Dostoyevsky - Một tượng đài văn học hiện thực Nga (*)


Vào ngày 11/11/1821, một nhà văn đại tài Nga đã ra đời mang tên Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky. Ông không chỉ là niềm tự hào của nền văn học Nga lúc bấy giờ mà hơn hai trăm năm sau, nhân loại vẫn trầm trồ bởi lượng kiến thức khổng lồ trong các tác phẩm của mình.


Mặc dù thường được mô tả như một nhà văn phản ánh hiện thực và nổi tiếng bởi hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, thơ mô tả cuộc sống đương đại, Dostoyevsky lại tự nhận mình là một "kẻ thực tế kỳ ảo". Tuy nghe có vẻ đối lập và vô nghĩa nhưng biệt danh này lại mô tả hoàn hảo phong cách văn của Dostoyevsky bởi ông luôn cố gắng phản ánh bi kịch cuộc sống dưới một lăng kính lãng mạn hơn.


Fyodor Dostoevsky (Nguồn: imdb.com)


Sự vĩ đại trong cách Fyodor Dostoyevsky lôi cuốn ta không chỉ được minh chứng qua các tác phẩm hết mực thống thiết về cái chết, chiến tranh, những tội ác và thói xấu như "Anh em nhà Karamazov" hay "Tội ác và trừng phạt" mà còn ở những tác phẩm trầm mặc hơn về đề tài tình yêu, nỗi cô độc mà truyện vừa "Những đêm trắng""Cô gái nhu mì" thể hiện rõ hơn cả.



Khía cạnh ấn tượng


[ ❗ Đây là phần phân tích chi tiết và cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nội dung. Để đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn, bạn hãy đọc sách và quay lại với bài viết của Bookiee sau nhé! ]


Những tinh cầu đơn độc say ngủ


Nhân vật ‘tôi’ trong "Những đêm trắng" luôn cố lục lọi những cảm xúc đã hóa tàn tro, tự trách thói đa cảm với tất thảy mọi điều nhỏ trong cuộc sống tẻ nhạt. Trong thoáng chốc, anh ngỡ mình được sống đúng nghĩa vì gặp một người lắng nghe mình, nhưng thói rụt rè sau đó đã tước mất cơ hội hiếm hoi cùng người ấy vĩnh viễn. Ngược lại, người chồng trong "Cô gái nhu mì" lại dựa vào sự kiêu hãnh tự phong để buộc người khác phải yêu như mình và mãi đắm mình trong các cuộc độc thoại nội tâm.


Hình ảnh này thật quen thuộc trong thế hệ cô đơn chúng ta - bận rộn tìm chỗ đứng trong đời, quay cuồng kiếm tìm nửa kia rồi lạc mất ai đó vì chất vấn, nghi hoặc, sau cùng là nhốt mình lại trong chiếc kén nhàu nhĩ của tiếc nuối.


Giữa lúc "Đông đảo thiên hạ làm huyên náo và quay cuồng trong cơn lốc của cuộc sống" thì trong thế giới nội tâm của những con người mơ mộng chỉ mang "trí tưởng tượng ngông cuồng nhát gan, buồn tẻ và đơn điệu đến đốn mạt, nó là nô lệ của hình bóng, của ý tưởng ..." mà đa phần không hợp để chuyện trò nhát gừng, chóng vánh.


Các nhân vật vẫn luôn mắc kẹt giữa mưu cầu được kết nối và tính cách khác biệt. Họ cố gắng dung hòa chúng nhưng ngày một xa rời với đám đông bởi một phần xã hội quá bận rộn để đoái hoài đến tâm tư tình cảm nhỏ mọn ấy, phần còn lại bởi chính họ vẫn luôn e dè không thể hiện mình.


Chúng ta chẳng thể trách mình được vì đâu thể nào ép bản thân vào một khuôn khổ khác với bản chất, nhưng nếu buồn phiền vì lẻ loi thì ta hãy tự hỏi xem mình đã thực sự làm tất cả để chấm dứt nỗi phiền não vì cô độc bấy lâu vẫn vây quanh hay chưa?


Thay vì phơi trần tâm hồn mình với người lạ trong vài đêm rồi sợ hãi với mỗi câu đã trót kể, thay vì đưa chân vào lối dẫn quanh co để tránh người khác biết quá sâu đời tư dẫu người ấy cố dang tay nắm lấy mình, thay vì để mặc cái trí tưởng tượng ngông cuồng cuốn ta đi bất tận và đem nỗi phiền muộn bóp nghẹt trái tim cả hai, hãy dừng lại tất thảy để trả lời đúng một câu hỏi thôi, rằng: "Chúng ta có đang khao khát đủ để yêu và được yêu không?"


Lần thứ nhất tôi đọc tác phẩm, tôi lấy làm ngạc nhiên vì những dòng tự mô tả cuộc đời của nhân vật chính có nhiều điểm tương đồng với khi bản thân tôi khi tự soi xét chính mình trong thời kỳ khủng hoảng. Sang đến lần đọc và chiêm nghiệm thứ hai, tôi càng thêm thán phục bởi giữa giai đoạn khắc nghiệt lúc ấy mà các nhân vật có thể ước mơ và biến màn đêm cuộc đời họ thành thứ gì đó hết sức huyền diệu.


Tuy truyện của Dostoyevsky thường đưa các nhân vật lẫn người đọc vào trạng thái mông lung, căng thẳng hoặc nản lòng để phản ánh đúng mặt trái xã hội nhưng chưa bao giờ mang hàm ý tôn sùng lối sống với tinh thần héo rũ ấy mà hướng người đọc về phía ánh sáng cả khi ta đang trốn trong góc tối. Đọc truyện ông, tôi lại nhớ câu nói: "Làm sao nhận thấy vẻ đẹp của bình minh nếu không có màn đêm? Sự sống còn lại ý nghĩa gì nếu biết kết thúc chẳng bao giờ đến?"


Sự cứu rỗi từ cái đẹp thuần khiết


"Những đêm trắng""Cô gái nhu mì" không chỉ phản ánh vấn đề hết sức hiện đại đặc biệt trong các thành phố lớn mà còn chú trọng đến cái đẹp và đạo đức trong tình yêu. Thiên tính nữ - thiên hướng đề cao các phẩm chất của phụ nữ là chìa khóa giúp tạo điểm tựa vững chắc cho các chủ đề khác.


Nastenka trong “Những đêm trắng” hay nhân vật Nàng trong "Cô gái nhu mì" đều là những đại diện tiêu biểu cho cái đẹp của tâm hồn thanh thuần, thông minh và đáng mến. Nhờ có sự tồn tại của họ mà tâm hồn héo rũ móp méo của nhân vật chính phần nào được nâng lên, được trải nghiệm cuộc sống đích thực chan chứa lòng yêu như chưa từng có, như màn đêm u tịch được thắp sáng bằng nguồn sáng mờ ảo dịu dàng.


Đáng buồn thay, cái đẹp hay lòng chân thành, thủy chung để thực sự hữu hình đôi lúc lại phải chứng minh bằng sự hy sinh cùng hối hận muộn màng từ người ở lại.


Cá nhân tôi nhận thấy mình đã cởi mở hơn trong lối suy nghĩ thay vì xoáy sâu vào hố sâu tiêu cực mà tôi để mình ngã vào trước đây nhờ nét đẹp đạo đức nơi Nastenka và Nàng. Tôi nghĩ rằng Dostoyevsky đã tiên đoán đúng và chứng minh thành công rằng "Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới" bất kể trong thế giới thực hay thế giới tâm hồn. Mong rằng bạn cũng nhận thấy sự thay đổi trong chính mình sau khi đọc tác phẩm.


Phát hiện thú vị


Tác phẩm vượt thời gian và khoảng cách địa lý


Với vốn kiến thức sâu rộng đa lĩnh vực được vận dụng khéo léo trong các tác phẩm, Dostoyevsky đã chứng tỏ tài năng của mình qua lời khen của đông đảo chuyên gia. Ví như Aleksey Remizov - một nhà văn Nga cùng thời từng ca ngợi ông hết lời rằng: “Dostoyevsky đó là nước Nga. Không có Dostoyevsky thì không có nước Nga." ; hay như các triết gia nổi tiếng Sigmund FreudFriedrich Nietzsche từng mô tả Dostoyevsky là người duy nhất đã từng dạy họ bất cứ điều gì về tâm lý học và triết học.


Ngoài ra, trong thời gian viết những dòng cảm nhận về cuốn sách, tôi đã may mắn được tham dự sự kiện chiếu phim “My love” và sinh hoạt khoa học về tác phẩm “Những đêm trắng”.


Nhân kỷ niệm tròn hai trăm năm sinh nhật Dostoyevsky, các đại diện khoa Văn học, Nghệ thuật học từ các trường đại học lớn đã thảo luận về tầm ảnh hưởng của Dostoyevsky đến văn học và điện ảnh thế giới. Thạc sĩ Lê Thị Tuân từ Khoa Văn học, trường đại học KHXH&NV Hà Nội khẳng định rằng: “Những đêm trắng chính là tác phẩm được cải biên nhiều nhất của Dostoyevsky ở thể loại truyện vừa và ngắn, kho tàng truyện của ông có thể phù hợp với bất kỳ thời đại và nền văn hóa nào.”.


Cùng chấm dứt quãng đời đơn độc này nhé!


Đừng mỏi mòn ngóng đợi tình yêu hay cái chết, đừng chọn bước vào con đường mủi lòng miên man mà hãy vực mình khỏi màn đêm cô tịch của bản thân. Hãy mơ vừa đủ để nhận ra vẻ đẹp trong ti tỉ sự vật đang tồn tại, hài lòng với chính mình của mọi thời điểm trong đời và đủ tỉnh thức để không tự thoát ly khỏi vòng kết nối với những người mình mến yêu như anh chàng nhân vật ‘tôi’ của Fyodor Dostoyevsky bạn nhé!


-dandelam-


(*) Tham khảo nguồn: Báo Tin tức, RFA


Sau khi đọc bài viết này, hãy cho chúng mình biết suy nghĩ của bạn nhé!


Người viết: Thơ Lam
Người thiết kế: Thơ Lam 


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui








430 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page