top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Một Thoáng Đi Qua Khu Vườn Mùa Hạ

Đã cập nhật: 7 thg 3, 2023

Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng có một mùa hạ nằm sâu trong trái tim mình - một mùa hạ chẳng thể nào lãng quên. Vào tháng năm ấy, ta đã chọn cách sống hết mình, chẳng để dở dang bất kì giây phút nào. Và nhà văn Kazumi Yumoto cũng như thế, bà gửi tặng mùa hạ một thứ quả ngọt ngào dịu mát mang tên "Khu vườn mùa hạ".


Một vài lý do để ta chọn cuốn sách này


Cuốn sách này dành cho ai? Tôi không biết nữa. Có lẽ nó dành cho bất cứ ai đang muốn tìm lại chút dư vị ngày hè còn sót lại. Bởi lẽ, lật giở từng trang sách, ta ngửi thấy một mùi nắng chẳng còn dịu dàng yên ả mà rực rỡ, căng tràn sức lực qua những hình ảnh miêu tả dưa hấu, pháo hoa. Một cuốn sách với giọng văn trong trẻo, ngọt ngào, gợi cho ta về những miền ký ức tuổi thơ xa xôi.


Bookiee - Sách là niềm vui

Thông điệp sống hết mình được thể hiện rõ trong cuốn sách.


Cuốn sách này yên tĩnh, xao động như đúng với tựa đề của nó: "Khu vườn mùa hạ". Ta như nhìn thấy một mảnh vườn xanh mướt, nở rộ dưới ánh nắng mặt trời, xôn xao trong tiếng ve cuối ngày. Chỉ với những hình ảnh đó, tác giả đã gợi lên một bài học mà dường như từ lâu ta đã để nó trôi vào quên lãng: hãy sống hết mình, sống trọn vẹn từng phút giây cùng những người ta yêu thương, để khi họ ra đi ta chẳng còn điều gì trăn trở hay nuối tiếc.


"Khu vườn mùa hạ" là cuốn tiểu thuyết đã từng được đề cử Giải thưởng văn học thiếu nhi Đức (German Juvenile’s Literature Prize) vào năm 1996 và giành giải Boston Globe Horn Award vào năm 1997. Mùa hè năm ấy, trong một khu vườn nọ, có một cụ già và ba cậu nhóc đã làm mọi thứ cùng nhau, nâng đỡ và cứu rỗi tâm hồn nhau qua những hành động thật giản đơn.


Kazumi Yumoto - Người giải thích thắc mắc cho trẻ em


Kazumi Yumoto là một nhà biên kịch kiêm nhà văn nổi tiếng người Nhật, sinh năm 1959, tốt nghiệp trường Đại học Âm nhạc Tokyo và có đóng góp vào nhiều vở opera, các chương trình phát thanh trên sóng truyền hình. Bản thân bà là một người yêu động vật sâu sắc và đặc biệt có tình cảm với những chú chim nhỏ.


Chân dung tác giả Kazumi Yumoto. Nguồn: geckopress.com


Bà từng nhặt được một chú chim và nuôi dưỡng nó đến khi nó lìa đời, và nhờ sự chỉ dạy của mẹ mình, bà có một cái nhìn rất khác về cái chết. Bà từng phát biểu rằng: “Mỗi khi nghĩ đến sức mạnh của ngôn ngữ, tôi luôn nhớ đến buổi tối ngày hôm ấy và không ngừng cảm thấy biết ơn mẹ. Nếu không có sự cố ngày ấy, có lẽ tôi đã không trở thành một nhà văn.”


Kazumi Yumoto mang trong mình một chất văn dịu ngọt, tinh tế. Từ đó, bà gửi gắm đến thế gian những tác phẩm nhẹ nhàng mà thấm đẫm giá trị nhân văn, giúp ta thêm hiểu về ý nghĩa của sự trưởng thành và giá trị của thời gian. Tác phẩm đầu tiên của bà: "Khu vườn mùa hạ" ra đời năm 1992 đã giúp nhà văn giành được nhiều giải thưởng lớn và đã được chuyển thể thành phim.



[Cảnh báo tiết lộ tình tiết]


Đây là phần phân tích chi tiết và cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nội dung. Để đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn, bạn hãy đọc sách và quay lại với bài viết của Bookiee sau nhé!


Không phải mối quan hệ nào cũng cần điều kiện


Mùa hạ năm ấy, có bốn con người tưởng chừng không liên quan lại tình cờ xuất hiện trong cuộc đời của nhau. Bắt đầu từ Wakabe, một cậu bé đeo cặp mắt kính dày cộm mang trong mình khao khát có một người cha; đến Yamashita mập mạp hiền lành, con trai của một ông chủ tiệm cá với ước mơ nối nghiệp cha của mình khi khôn lớn; tiếp nối là Kiyama, người có một gia đình không hạnh phúc khi mẹ là một người nghiện ngập, bố lại là người tham công tiếc việc, chẳng đoái hoài đến gia đình; cuối cùng là một ông cụ chẳng có tên với ngoại hình gầy gò sống cô đơn trong một căn nhà vắng tách biệt với tất cả mọi người.


Họ tưởng chừng như chẳng liên quan gì tới nhau lại gặp gỡ nhau trên cõi đời.


Mối quan hệ giữa ba đứa trẻ và ông cụ vô danh thực sự là một mối quan hệ lạ lùng, kỳ diệu và có lẽ là khởi nguồn từ sự sắp xếp ngẫu nhiên của tạo hóa. Một mối quan hệ vượt qua giới hạn tuổi tác cho đến suy nghĩ, lối sống, hoàn cảnh. Một thứ tình thân không được tạo nên từ huyết thống mà dựa trên sự yêu thương, tin tưởng và bình đẳng. Bởi lẽ, ba đứa trẻ đã bước vào và thắp sáng cuộc đời của ông cụ và ngược lại, ông cụ đã trở thành vị trưởng bối dẫn dắt cả ba thoát khỏi những tổn thương mà chúng đang phải chịu đựng.


Bản thân mình luôn có nhiều cảm xúc với những mối quan hệ đặc biệt như sự gắn kết của ông cụ và những đứa trẻ. Nó khiến mình có một cái nhìn khác đi về cuộc đời. Khi tình thân, tình bạn chan hòa một cách quá đỗi tự nhiên. Khi con người chẳng bên nhau vì lợi ích hay một điều gì khác. Họ lấp đầy cuộc sống của nhau trong một khoảnh khắc chẳng hề khiên cưỡng, dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Cuối cùng, họ trở thành một mảnh ký ức tốt đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, nằm tận sâu vĩnh viễn trong trái tim.


Mùa hạ của sự thay đổi và trưởng thành


Nhà văn Kazumi Yumoto đã chọn ngôi kể thứ nhất dựa trên điểm nhìn của một cậu bé mới chỉ 12 tuổi. Điều đó cho thấy việc bà am hiểu tâm lý các nhân vật trong câu chuyện của mình một cách sâu sắc. Bà nắm bắt sự trưởng thành của ba đứa trẻ qua từng chi tiết nhỏ, chậm rãi mà nhẹ nhàng đến mức độc giả có lẽ chẳng nhận ra. Qua mùa hạ ấy, tất cả đều đã vượt lên chính bản thân mình, không chỉ ông cụ mà cuộc sống của ba đứa trẻ cũng đã đổi thay.


Mùa hạ năm ấy, nhờ gặp gỡ nhau mà cuộc sống của họ thay đổi.


Wakabe chẳng còn trốn tránh sự thật và mở lòng về người cha của mình, ông ấy chẳng kì vĩ như những gì cậu đã kể mà chỉ là một người đã có một gia đình mới. Còn Yamashita thì ngừng hẳn việc tự ti vào ngoại hình mập mạp của bản thân và dũng cảm theo đuổi ước mơ tiếp nối cửa hàng cá. Trong khi Kiyama không còn nhút nhát mà sẵn lòng đứng ra bảo vệ bạn mình, gọt lê cho mẹ và ngăn bà ấy uống rượu. Cuối cùng, ông cụ chẳng còn xem tivi suốt ngày hay cộc cằn trốn tránh trong căn nhà ngập bóng tối nữa mà đã cùng bọn trẻ đi mua đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa.


Những đổi thay trong cuộc sống đôi khi giúp con người ta tốt hơn.


Những đứa trẻ đã được sống làm chính mình, vô tư và khám phá đủ thứ, dũng cảm đối diện với bản thân, biết trân trọng hơn cuộc sống này và hơn hết, hiểu được nỗi buồn khi mất đi một người trong cuộc đời mình. Còn ông cụ - một người đã thấm mệt khi đi qua sườn dốc bên kia của đời người, đã được hồi sinh, sống những ngày tháng cuối đời thật hạnh phúc và ý nghĩa.


Kết quả viên mãn của ông cụ và những đứa trẻ khiến chúng ta cảm thấy được tiếp thêm niềm tin vào tương lai phía trước. Mỗi người, trong chính cuộc đời của mình đều có những lần thay đổi. Sự thay đổi đó có thể khiến ta được hồi sinh, tiến về một tương lai tốt đẹp hơn. Vì thế hãy thử một lần bước ra vùng an toàn của bản thân, chấp nhận sự chuyển biến và tin vào sự lựa chọn của chính mình.


Trẻ thơ cũng có những suy nghĩ và áp lực riêng.


"Khu vườn mùa hạ" khởi đầu từ chính sự tò mò của ba cậu bé 12 tuổi về "cái c.h.ế.t". Tại sao những cậu bé mới chỉ chập chững ở lứa tuổi thiếu niên lại hiếu kỳ về điều đó? Phải chăng chính vì tuổi thơ đầy rẫy đau thương, trái tim đã chất chứa nỗi u ám và tâm hồn nhuốm màu sợ hãi nên khiến chúng phải suy nghĩ về sự ra đi.


Chính vì những vết thương lòng của tuổi thơ, cậu bé tò mò về cái chết.


Có lẽ nguyên nhân chính là vì bỗng một ngày, sự qua đời và mất đi tiến vào thế giới của Kiyama, Yamashita và Wakabe. Tác giả Kazumi Yumoto chẳng hề né tránh mà trực tiếp khai thác về tâm lý của trẻ nhỏ. Người lớn chúng ta luôn tưởng rằng: "Trẻ em là tờ giấy trắng" nhưng vì chính sự trong sáng, không nhuốm bụi trần của chúng chính là kẽ hở lớn nhất khiến bọn trẻ trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết cả về mặt thể chất và tinh thần.


Không chỉ người lớn, mà trẻ em cũng có những suy nghĩ, những áp lực riêng qua lăng kính tuổi thơ của chúng. Nỗi đau của thời niên thiếu thì luôn luôn ở lại, chẳng thể nhạt phai theo tháng năm, đặc biệt là tổn thương vì gia đình. Lúc này, mỗi đứa trẻ có lẽ chỉ cần một sự tôn trọng, một người bao dung mà kiên nhẫn dẫn dắt chúng đến với thế giới này, giúp chúng vượt qua những chông gai để trở nên mạnh mẽ hơn.


Hạt mầm cho những thế hệ trẻ


Đến cuối cùng, chúng ta chợt nhận ra ông cụ trong căn nhà ấy chẳng có tên. Ba đứa trẻ Kiyama, Yamashita, Wakabe đều được tặng cho một cái tên để xuất hiện thì ông cụ lại lặng lẽ dùng một thứ đại từ danh xưng bình thường, hiện diện trong căn nhà trống vắng. Ông cụ lặng lẽ đến với nhân gian, xuất hiện trong cuộc đời của ba đứa trẻ trong một thoáng mùa hạ ngắn ngủi rồi lặng lẽ ra đi.


Nhưng chính vì sử dụng đại từ danh xưng chung như thế, khiến ta có thể nhìn thấy hình ảnh của ông cụ luôn hiện diện quanh ta, đó là người ông, người bà, là bóng hình của những người đi trước. Những người đã gửi gắm sinh mệnh một cách vô danh, nhưng lúc nhắm mắt xuôi tay, họ để lại cho cuộc đời một hạt mầm quý báu cho thế hệ trẻ. Đó là sự dũng cảm sống, đấu tranh và đối mặt với bản thân để không ngừng tiến về phía tương lai rực sáng.


Người già ra đi, để lại những hạt mầm tương lai.


Kiyama, Yamashita, Wakabe là hiện tại và là tương lai của đất nước thì chính ông cụ đại diện cho lịch sử, quá khứ. Và ngày hôm ấy, nhà văn Kazumi Yumoto đã đưa hai khoảng thời gian này gắn kết lại với nhau bằng một câu chuyện nhẹ nhàng, giản đơn mà không kém phần sâu sắc giữa mùa hạ. Từ đó cổ vũ tinh thần cho những thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, tiếp thu tinh thần và kinh nghiệm của cha ông để làm hành trang cho cuộc đời của mình.


Cuối cùng tất cả chỉ còn là kỷ niệm


Câu chuyện đã khép lại, ta như nghe văng vẳng đâu đây tiếng cười nói, ánh mắt ấm áp của lũ trẻ và ông cụ. Một cuốn sách vừa trong trẻo tựa tiếng cười của trẻ thơ vừa lắng đọng như tâm sự của một người từng trải. Độc giả hẳn sẽ còn mãi day dứt về những khía cạnh, về những giá trị nhân sinh sâu sắc mà cuốn sách đã truyền tải.


Với tôi, cuốn sách này sẽ không kết thúc, nó là dấu chấm hết cho những gì mới mẻ sắp tới. Một hành trình mới sắp mở ra trước mắt, song hành cùng nó là bài học về cuộc sống: sự cho - nhận, được - mất và cuộc đời vô thường như thế nào. Vì thế, hãy sống và yêu thương hết mình những người xung quanh ta ngày hôm nay, đừng để bản thân sau này nhìn lại và tiếc nuối bất kì điều gì.


Còn bạn, bạn đã đọc cuốn sách này chưa? Hãy cho Bookiee biết cảm nhận của bạn về cuốn sách nhé!


Người viết: Phương Trâm
Người thiết kế: Khánh Nhung


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui

410 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page