top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Khu Vườn Bí Mật: Những Bài Học Đáng Giá

Đã cập nhật: 27 thg 7, 2022

Bạn có tin vào phép màu? Phép màu thật ra là tên gọi khác của lòng yêu thương, kiên trì và nỗ lực.

Nghe có vẻ xa xôi, phù phiếm nhưng phép màu luôn hiện diện mọi nơi, xung quanh chúng ta. Nếu bạn không tin thì hãy đọc ngay tác phẩm “ Khu vườn bí mật” của nữ nhà văn Frances Hodgson Burnett. Bạn sẽ khám phá ra nhiều điều thần kỳ và màu nhiệm nơi khu vườn và những đứa trẻ đấy!



Đôi nét về tác giả


Frances Hodgson Burnett tên đầy đủ là Frances Hodgson Eliza Burnett, sinh ra tại vùng Manchester, Anh. Năm 1965, bà cùng gia đình di cư sang Mỹ. Sự nghiệp văn chương của bà bắt đầu với hàng loạt truyện ngắn như "Trái Tim và Kim Cương", "Lễ đính hôn của tiểu thư Carruther".


Frances Hodgson Burnett vào năm 1901 (52 tuổi)


Năm 1877, bà cùng với chồng dời đến Washington. Trong khoảng thời gian tại đây, bà đã có những tác phẩm nổi tiếng với chủ đề thiếu nhi như "Sara Crew" (tiền thân của quyển "Công chúa nhỏ") và "Khu vườn bí mật" và các tác phẩm này vẫn nổi tiếng đến ngày hôm nay.

Mặc dù bà có sự nổi tiếng, được đánh giá cao nhưng nhìn lại cuộc đời của bà có đầy đau thương. Năm 1865, cha của bà mất. Gia đình lâm vào tình cảnh khốn khó. Năm 1873, bà kết hôn với tiến sĩ vật lý Swan M.Buret. Con trai đầu đời qua đời lúc 6 tuổi để lại nỗi tổn thương trong lòng. Đến năm 1898, bà và chồng ly dị. Rất nhanh sau đó, bà quyết định tái giá lần 2 nhưng cuộc hôn nhân cũng chóng vánh. Về sau, bà định cư tại Long Island, Mỹ và sống cuối đời tại đó với thú vui làm vườn.


Bà được giới văn đàn Anh đánh giá rất cao về cái tài kể chuyện tài tình. Sự kết hợp các chi tiết hiện thực và yếu tố lãng mạn khiến câu chuyện bà kể luôn hấp dẫn và độc đáo. Văn chương của bà giàu tình cảm, ấm áp và đôi chút kì ảo. Tuy nhiên, bà vẫn chú trọng đến địa vị, giai cấp trong các tác phẩm.


Đôi điều với tác phẩm


"Khu vườn bí mật" được viết vào năm 1888 và là một trong những tác phẩm hay nhất của Hodgson về đề tài thiếu nhi. Sức hút của nó vẫn duy trì đến ngày nay. Truyện được viết bằng phương ngữ vùng Yorkshire với nhiều âm đặc trưng là thử thách cho các dịch giả trong quá trình chuyển ngữ.


Vùng đất Yorkshire rộng lớn với những cánh đồng hoang mênh mông là niềm cảm hứng cho rất nhiều các tác phẩm nổi tiếng như "Đồi gió hú" của Emily Bronte, "Bá tước Dracula" của Bram Stoker. Vẻ đẹp của vùng đất nơi đây hoang sơ, tự nhiên với nhiều thắng cảnh đẹp như bước ra từ các câu chuyện cổ tích.


Vùng Yorkshire thuộc miền Bắc nước Anh có khung cảnh hoang sơ và thơ mộng


Tác phẩm "Khu vườn bí mật" cũng được chuyển thành phim với nhiều phiên bản. Đã có năm phiên bản chuyển thể phim vào các năm 1919, 1949, 1987, 1993 và 2020. Và các phiên bản truyền hình dài tập, các vở kịch đều được công chúng yêu thích.


Tác phẩm kể về cô bé Mary Lennox cáu kỉnh, bướng bỉnh được gửi đến trang viên Misselthwaite, vùng Yorkshire, tại Anh vì cô đã mất hết cha mẹ và được người chú Craven Archibald giám hộ. Một ngày kia, cô bé bắt gặp chìa khóa và cánh cửa dẫn vào khu vườn bị cấm. Với sự tò mò, cô bé đã mở cánh cửa đi vào khu vườn bí mật đó. Cô quyết tâm sẽ hồi sinh khu vườn, nơi cô gặp được Dickon và Colin. Cả ba đã cùng nhau là nên những điều kì diệu.



Những bài học quý giá trong "Khu vườn bí mật"


1. Hãy yêu thương cả sự nghịch ngợm của những đứa trẻ


Mary Lennox, ban đầu, cô bé luôn khiến mọi người mệt mỏi và phát chán. Tính cách của cô bé được mọi người dùng những tính từ nặng nề như đanh đá, ương ngạnh, cáu gắt để miêu tả về cô bé. Đến cả Martha, người hầu gái có 13 đứa em, cũng không thể chịu nổi Mary. Tuy nhiên, một cô bé không có sự giáo dục đúng cách và sự yêu thương từ cả cha lẫn mẹ của cô thì tính xấu của cô chỉ là vỏ ngoài để bảo vệ bản thân.


Colin cũng không ngoại lệ. Thậm chí, cậu còn khiến cả người đọc không đồng cảm vì lý do thiếu vắng tình thương. Cậu mất mẹ từ khi mới sinh và cha cậu gần như bỏ mặc vì nỗi đau mất người vợ của ông. Để bù đắp, ông Craven đã ra lệnh cho mọi người đều phải tuân theo lệnh của Colin. Vị tiểu vương tử này có tính cách tệ không thua kém gì Mary. Cậu bi quan, nghĩ về cái chết dù chẳng biết gì về nó. Cậu thích ra lệnh và sẽ gào thét, rên la nếu không đạt được mục đích.


Tuy nhiên, cả Mary và Colin có những thay đổi tích cực trong suốt cả câu chuyện. Cô bé bày tỏ sự yêu thương, lời cảm ơn đến những người cô quý mến như Martha, Dickon. Còn Colin sẵn sàng tin tưởng và quý trọng Dickon và và bà Sowber. Cậu cũng biết nói cảm ơn. Cậu dù kiêu ngạo nhưng cũng không muốn mình trở nên kì cục, có những suy nghĩ tốt hơn về người khác.


Những đứa trẻ vốn là những trang giấy trắng. Sự bướng bỉnh, nghịch ngợm là thứ phản ánh những việc làm của người lớn xung quanh. Trẻ con sẽ trưởng thành, sẽ thay đổi qua từng ngày. Nếu cho chúng một sự giáo dục đúng cách, chúng sẽ tốt hơn. Nếu bỏ rơi chúng trong sự im lặng, trẻ con sẽ càng tin rằng những việc chúng làm đều là đúng đắn.


Hãy quan sát nhưng cũng đồng thời trân trọng sự nghịch ngợm vừa phải của trẻ


Như đã nhắc ở trên, để trẻ em có thể tốt hơn, chúng ta cần có một sự giáo dục đúng đắn, lòng yêu thương và không gian tự phát triển. Tác giả, với kinh nghiệm làm mẹ, đã chỉ rõ cho người đọc về tầm ảnh hưởng của những điều trên lên những đứa bé như Mary và Colin. Nếu Martha không thốt lên với những lời thật lòng với Mary, cô bé vẫn sẽ ương bướng và xấu tính mãi. Nếu bà Sowber không để tâm đến cả Colin và Mary thì cả hai đứa trẻ sẽ ngày càng tệ hơn.


2. Phép màu là điều có thật khi chúng ta nỗ lực


Phép màu là thứ tồn tại thực sự trong lòng những đứa trẻ. Colin tin rằng phép màu đã giúp Mary tìm ra khu vườn, hồi sinh nó và giúp đỡ cậu trở nên tích cực hơn. Mary cũng tin như vậy, cô bé đã nghĩ rằng Dickon có những phép màu để thu hút động vật và tái sinh khu vườn.


Phép màu ở đây, trong câu chuyện này, là những thứ đã giúp chúng nó yêu đời hơn, cười nhiều hơn và hạnh phúc đến nghẹt thở. Tuy nhiên, điều kì diệu này sẽ không tồn tại nếu thiếu đi sự nỗ lực, kiên trì. Mary đã thực sự yêu thích những cây cỏ, không khí ở trang viên Miss để cô bé có thể làm mọi việc để tái sinh chúng, từ việc hỏi thăm các loài thực vật, bật khóc khi mong muốn Dickon giúp đỡ cô. Colin trở nên khỏe hơn cũng vì khao khát được sống, khao khát được tình yêu thương của người cha mà mong muốn mạnh khỏe hơn.


Nếu thiếu đi bàn tay giúp đỡ từ mọi người thì "phép màu" sẽ không tồn tại. Một lần nữa, mình phải khẳng định giá trị của lòng yêu thương của những con người bình dị như bà Sowber và Dickon. Họ sẵn sàng giúp đỡ và tin tưởng vào việc Mary và Colin. Thêm cả việc ông làm vườn Ben cáu kỉnh cũng chăm chú nghe những gì Colin dù lão chẳng hiểu gì cả.

Phép màu được sinh ra từ lòng yêu thương của con người


Họ đã tiếp thêm sức mạnh và củng cố lòng tin tưởng ở một đứa trẻ sau những lần hư đốn của chúng. Thiên nhiên cũng góp phần tạo nên những điều kì diệu của bọn trẻ. Chú chim ức đỏ đã chỉ dẫn Mary tìm thấy cánh cổng vào khu vườn. Sức sống mãnh liệt của các loại hoa xuyên tuyết, thủy tiên vàng, khóm hồng đỏ đã dạy cho Colin lòng ham sống kỳ lạ; cơn gió đã giúp Mary trở nên mạnh khỏe và béo ra.


3. Thiên nhiên và con người - mối liên kết vĩnh cửu của sự sống

Thiên nhiên và con người trong tác phẩm này dường như có một mối liên kết mật thiết và quan trọng. Thiên nhiên phản ánh một phần nội tâm của con người. Lần đầu tiên khi đến trang viên của ông Craven, khi băng qua vùng đất hoang, Mary không thể yêu một nơi “có cảm tưởng chuyến đi này sẽ không bao giờ kết thúc, và cánh đồng hoang trống trải, mênh mông là cả một đại dương đen ngòm trải rộng đến vô cùng mà nó đang phải vượt qua". Sự bỡ ngỡ trước một khung cảnh xa lạ khiến cô bé nhìn thấy cánh đồng hoang là một thứ gì đó mà nó không thích.


Tuy nhiên, khi trái tim nhỏ bé dần biết yêu thương ai đó thì cánh đồng hoang lại trở nên hấp dẫn.


"Bao giờ tôi có thể ra đó? – Mary hỏi với vẻ bâng khuâng và đưa mắt qua cửa sổ nhìn về phía màu xanh tít tắp. Đó quả là một màu sắc mới mẻ, rộng lớn, kỳ diệu như thể trên thiên đường.”


Khi tình yêu thương lớn dần, Mary hy vọng “Khu vườn bí mật” sẽ tái sinh một lần nữa. Và khu vườn với sự chăm sóc của Mary và Dickon đã đáp lại họ bằng khung cảnh “Khu vườn là một vùng hoang dã, toàn sắc vàng của mùa thu xen lẫn màu tía, màu tím phớt xanh và cả đỏ tươi chói lọi. Khắp mọi nơi là những vạt ly ly nở muộn mọc sát bên nhau: ly ly có hai màu, trắng và trắng pha đỏ sẫm.”. Thiên nhiên đâu chỉ là những cảnh vật, sinh vật chỉ tồn tại mà thực ra thiên nhiên luôn sống, luôn biết cách yêu thương những ai yêu chúng.


Thiên nhiên phản ánh một phần nội tâm của con người


Chúng ta nên cảm thấy biết ơn tác giả về bài học con người với thiên nhiên. Thiên trong khu vườn bí mật" sống động và đa dạng với nhiều khía cạnh. Từ biết bao nhiêu tên các loại hoa, cây cỏ tác giả đã liệt kê làm trí tưởng tượng của chúng ta hiện lên những hình dạng, màu sắc. Và khi nhìn lại chúng ta của hiện tại, liệu chúng ta có thật sự yêu quý và bảo vệ thiên nhiên?


4. Dạy trẻ như quý bà Yorkshire Sowber


Bà Sowber là mẹ của hai chị em Martha và Dickon. Một người phụ nữ Yorkshire bình thường, có đến tận 14 đứa con và phải sống túp lều tranh tại cánh đồng hoang. Tuy nhiên, những nhân vật quyền quý như ông Craven, bà Medlock đều tôn trọng bà. Các đứa trẻ như Mary, Colin đều yêu thích và mong ước bà là mẹ.


Bà Sowber có những phương châm dạy trẻ mà có thể thời nay vẫn áp dụng được:

  1. Hãy để những đứa trẻ lao động. Dù làm việc lớn hay nhỏ, chúng sẽ cảm thấy bản thân mình có ích và hiểu tầm quan trọng của việc lao động. Chưa kể, vận động tay chân khi làm cũng khiến chúng ăn ngon hơn, ngủ sâu hơn.

  2. Nuông chiều là liều thuốc độc, còn mặc kệ là con dao giết chết tâm hồn của một đứa trẻ. Colin từng kích động, gào thét nhưng không một ai dám khuyên can. Thay vào đó, họ chỉ mặc cậu gào đến khi mệt lã và rỉ tai vào nhau rằng đứa trẻ này sẽ không sống lâu.

  3. Những đứa trẻ sẽ học nhiều điều từ nhau. Mary từng khâm phục sự hiểu biết của Dickon về các loại hoa cỏ. Colin từng thấy bản thân mình kỳ cục khi Mary chỉ ra lỗi sai. Những đứa trẻ, khi ở cạnh nhau, chúng sẽ đối xử bình đẳng với nhau, mọi thứ đều rõ ràng và chúng sẽ hiểu chúng nên làm gì.

  4. Hãy trẻ có không gian riêng. Những đứa trẻ cũng như người lớn, cần có những không gian của riêng mình. Việc can thiệp, gò bó những việc làm của trẻ gây ra sự đối nghịch trong tâm lý của trẻ và phụ huynh. Bậc phụ huynh nên quan sát, hỏi thăm con cái thay vì cố gắng kiểm soát chúng. Tình yêu thương không phải là thứ đè nặng lên tâm hồn con trẻ.


Lời kết


The Secret Garden 1993 movie poster


Một câu chuyện đã ra đời cách đây cả thế kỷ vẫn giữ nguyên những giá trị vĩnh cửu về tình yêu thương, giáo dục và thiên nhiên. Mặc dù đây là tác phẩm dành cho các bạn nhỏ, nhưng những người trẻ và cả những bậc phụ huynh cũng có thể thưởng thức và rút ra cho mình bài học riêng. Tình yêu thương là suối nguồn không bao giờ cạn, lan tỏa sức mạnh và xoa dịu những trái tim chịu đầy tổn thương.




(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui


1.317 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page