top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Khúc Hát Của Tình Người Của Giết Con Chim Nhại

Đã cập nhật: 6 thg 8, 2022

Nếu biết chắc rằng mình rồi sẽ thất bại, liệu bạn vẫn tiếp tục hành trình của mình hay sẽ nản lòng mà từ bỏ? Chắc hẳn một số người sẽ chọn từ bỏ, và tôi cũng giống như bạn, bởi dấn thân vào thất bại thì có lợi gì cơ chứ? Thế nhưng từ sau khi đọc tác phẩm Giết con chim nhại, trong tôi dường như có gì đổi khác.


Bookiee - Sách là niềm vui

Không chỉ là phân biệt chủng tộc


Điều mà tôi chắc chắn nếu một người hỏi về nội dung của Giết con chim nhại, câu trả lời họ nhận được sẽ là về nạn phân biệt chủng tộc.


“Một luật sư người da trắng bảo vệ cho một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng. Đó không phải là một câu chuyện thường tình mọi lúc mọi nơi, nên tại một bang miền Nam nước Mỹ vào thập niên 1930, đó càng là điều bất khả”.


Đây chính là lời tựa đằng sau cuốn sách, thứ khiến tôi cũng lầm tưởng về sự đơn giản của cốt truyện này. Vậy mà đến khi gấp cuốn sách lại, tôi mới nhận ra biết bao nhiêu bài học ẩn sâu bên trong 400 trang viết. Nếu bạn hỏi tôi một lần nữa về nội dung của cuốn sách là gì, và nó có đáng đọc hay không, tôi nghĩ mình sẵn sàng đưa ra một câu trả lời khác: Không chỉ là phân biệt chủng tộc, mà ở đó còn là khúc ca về tình thương giữa người với người, là những bài học về cách sống, niềm tin và sự đấu tranh thông qua lời răn dạy của người cha Atticus dành cho hai người con là Jem và Scout. Đó còn là thông điệp về tầm quan trọng của giáo dục trong việc hình thành nhân cách một con người và lời kêu gọi khẩn thiết của tác giả để bảo vệ “những con chim nhại” còn tồn tại ở thế giới ngoài kia.



Khía cạnh ấn tượng


Đây là những cảm nhận của cá nhân tôi sau khi đọc xong tác phẩm, do đó không tránh khỏi việc tiết lộ nội dung. Các bạn hãy tìm đọc tác phẩm Giết con chim nhại, có những cảm nhận riêng cho mình, sau đó hãy quay lại và cùng đối chiếu xem chúng ta có sự đồng điệu trong suy nghĩ không nhé!


Chim nhại - biểu tượng cho sự ngây thơ và trong sạch



Trên thế giới này có vô vàn những loài chim, nhưng tác giả lại chọn chim nhại làm chủ thể cho bức tranh toàn cảnh của mình. Vì sao ư? Một nhân vật trong cuốn sách đã lý giải:


“Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải vì sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”


Nói về cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền, tác giả không đơn thuần chỉ muốn bảo vệ những người da đen. Bà còn lên tiếng bênh vực cho đồng bào người da trắng hay bất cứ ai phải chịu áp lực sống dưới bóng đen định kiến xã hội.


Tôi thấy cảm thương cho Boo Radley, một anh chàng da trắng chỉ vì sai lầm tuổi trẻ mà bị cha nhốt kín trong nhà, biến thành một bóng ma, sống dật dờ và dần bị quên lãng. Anh trở thành nỗi khiếp sợ cho toàn thể hàng xóm của mình chỉ bởi những lời đồn đại ác ý.


Tôi cũng thấy cảm thương cho Tom Robinson, một người làm vườn da đen phải gánh tội danh cưỡng hiếp trong khi chính anh còn chẳng màng đến điều ấy dù là trong ý nghĩ. Bản án trước mắt như hàng ngàn mũi kim đâm xuyên qua tim anh không hề thương tiếc, bởi người da đen lúc bấy giờ đến lời nói cũng chưa được tôn trọng.


Ít ai để ý rằng, Jem Finch, con của nhân vật trung tâm là vị luật sư Atticus, cũng nung nấu trong mình ước mơ trở thành người đại diện cho chính nghĩa như cha. Để rồi sau thất bại của phiên tòa - điều mà ngay từ đầu đã được dự đoán trước - ước mơ của Jem cũng dần tắt lịm. Thử hỏi, nếu không có lòng bao dung, sự trách nhiệm của người cha Atticus cùng những lời răn dạy chân thành của ông, thì phải chăng Jem cũng vô tình biến thành một con chim nhại?


Ảnh: Phieuplus


Không chỉ dừng lại ở những năm thập niên 30s, tiếng nói và thông điệp của Harper Lee vẫn gióng lên hồi chuông thức tỉnh hiện tại. Còn nhiều lắm những “chú chim nhại” ngoài kia khi hàng trăm cuộc đấu tranh đang diễn ra liên tục để đòi quyền bình đẳng sắc tộc, bình đẳng màu da, đòi quyền được sống và đối xử như một người bình thường. Tác phẩm tuy chưa thể bảo vệ được tất cả những số phận đau thương ấy nhưng tôi cảm nhận được ngọn lửa mạnh mẽ bà đã truyền vào trong từng con chữ. Hi vọng mai sau khi xã hội tiến đến nền văn minh mới, những “chú chim nhại” sẽ được yêu thương, trân trọng nhiều hơn và được sống đúng với chính bản thân mình một cách thật hạnh phúc.


Trở lại với câu hỏi: Dẫu biết phía trước là thất bại, bạn có sẵn sàng đấu tranh?


Với Atticus, tôi tin câu trả lời chắc hẳn là có. Bởi ông đã dạy các con mình rằng:

“...cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng.”


“...cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng." . Ảnh: Tinhte.vn


Đối với ông, không thành công, không khiến xã hội này thay đổi thì cũng chẳng sao cả. Atticus không đơn thuần muốn đấu tranh bảo vệ chính nghĩa, mà ở đây ông còn đấu tranh cho chính mình, cho niềm tin rằng phiên tòa kia sẽ lay động được phần nào tâm thức những con người nặng định kiến. Trên hết, đó còn là hành trình chứng minh cho sự tồn tại của công lý, để các con ông hiểu “lẽ phải” không đơn thuần là hai từ nằm cứng đơ trên sách vở. Phải có người tiên phong, phải có người dũng cảm, và Atticus đã truyền đi nguồn động lực to lớn cho các con ông sau này.


Tôi nhận thấy tuy khoảng cách giữa các thế hệ rất lớn nhưng chúng lại không phải là rào cản trong cách Atticus truyền tải bài học đến các con. Ông đã giảng giải, khuyên răn bằng cả tấm lòng của người cha, và thứ mà ông hết mực mong muốn các con hiểu được đó chính là sự chân thành, trung thực, công bằng bác ái.


Sẽ có những ý kiến cho rằng việc giáo dục những điều như vậy là còn quá sớm với những đứa trẻ ở độ tuổi 6 - 13, nhưng tôi tin rằng Atticus đã làm đúng bởi ta cần giáo dục trẻ em ngay từ thuở nhỏ. Đạo đức và hành vi ứng xử là hai viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển tâm hồn con người, là phát súng đầu tiên quyết định rằng liệu mai sau ta sẽ là người tốt hay kẻ xấu. Tôi tin rằng bản chất con người đều lương thiện, nó chỉ dần trở nên xấu xa hơn nếu không được giáo dục kỹ lưỡng. Và Atticus, ông không chỉ là một vị luật sư tài ba ở phiên tòa, mà còn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một người làm cha.


…Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…"


Ẩn sau tất cả những mảnh ghép nhỏ mà nhà văn gửi gắm vào chính là bức tranh toàn thể lớn - bức tranh về quyền bình đẳng. Quay ngược về quá khứ, Tổng thống Thomas Jefferson đã nói rất dõng dạc trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Thế nhưng gần 200 năm sau đó, quyền bình đẳng vẫn chưa thực sự dành cho những người da đen, những người đang chịu áp bức, bóc lột trực tiếp của xã hội. Quyền bình đẳng lúc bấy giờ chỉ được thừa nhận đối với những người đàn ông da trắng do ảnh hưởng của tình hình chính trị. Vậy thử hỏi, quyền - bình - đẳng đã thực sự thể hiện đúng ý nghĩa của nó hay chưa?


Một xã hội văn minh vẫn cần những cú nổ lớn hơn để thay đổi nhận thức của con người về đồng loại. "Chỉ có một hạng người: đó là người”. Đây là lời mà cô bé 6 tuổi - Scout - đã nói ra để thể hiện quan điểm bản thân khi được kể về sự phân biệt giữa người da đen và da trắng. Quả thật, không chỉ con người bình đẳng với con người, màu da bình đẳng với màu da, mà tất cả chúng ta đều như nhau trên mọi phương diện và xứng đáng nhận được tình yêu thương, được sống trong một thế giới tử tế hơn khi ý thức được hành vi và thái độ của mình.

"Chỉ có một hạng người: đó là người". Ảnh: Birmingham365


Việc cất lên tiếng nói phản kháng, đứng lên vì lợi ích của những người da đen trở thành một trách nhiệm lớn lao mà bất cứ con người có lương tâm nào cũng nên làm. Và đó cũng chính xác là sứ mệnh cao cả mà Harper Lee nỗ lực thực hiện trong tác phẩm “Giết con chim nhại” của mình.


Phát hiện thú vị


Harper Lee là một nữ nhà văn người Mỹ. Bà được biết tới nhiều nhất qua tiểu thuyết kinh điển đầu tay Giết con chim nhại, thế nhưng ít ai biết được rằng sự nghiệp văn chương của bà chỉ gói gọn trong hai tác phẩm, mà trong đó tác phẩm thứ hai mang tên Hãy đi đặt người canh gác được xem như là phần tiếp theo của Giết con chim nhại.


Nữ nhà văn Harper Lee. Ảnh: Britannica


Chia sẻ với báo đài, bà cho biết nhân vật Jean Louise “Scout” Finch, người dẫn truyện, được xây dựng dựa vào chính bản thân bà và những nhân vật trong câu chuyện được lấy cảm hứng từ bạn bè, gia đình và mọi người xung quanh. Chính việc sáng tác từ đời sống nên khi đọc tác phẩm này, tôi luôn có cảm giác mình đang thực sự du hành thời gian về quá khứ những năm 1930 để cảm nhận được sự khắc nghiệt của định kiến, sự ngây thơ, bao dung của trẻ thơ và sự ấm áp của ngọn lửa tình người.


Tác phẩm cũ nhưng tư tưởng sống mãi với thời gian


Là một tiểu thuyết được viết vào năm 1960, kể về những hỗn loạn của xã hội vào năm 1930, tôi cứ ngỡ suy nghĩ của tác giả sẽ chỉ phù hợp với giai đoạn lúc bấy giờ. Dường như sau khi hoàn thành xong tác phẩm tôi biết mình đã lầm, bởi bài học nơi đây vẫn còn đang ứng nghiệm, tiếng nói cất lên từ tác phẩm vẫn thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để giúp đỡ “những con chim nhại” xấu số ngoài kia. Tôi mong bạn sẽ cảm nhận giống như tôi, và tôi mong bạn sẽ có thêm được niềm tin vào sức mạnh con người sau khi đọc tác phẩm, thứ có thể chiến thắng mọi định kiến.


Bạn đã nhận được "khúc hát tình người" mà tác phẩm gửi đến chưa nhỉ?


Người viết: Khánh Vân
Người thiết kế: Thu Hoài


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

Bookiee - Sách là niềm vui


298 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page