"Hãy cứ ước mơ, hãy cứ dại khờ" - cánh cửa thần kỳ mở ra cho bạn cơ hội được đặt chân đến Phần Lan và trải nghiệm một hành trình du học không thể nào chân thực hơn.
Nếu Hàn Quốc là một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới nhưng học sinh của họ chưa bao giờ nghe tới khái niệm ngày chủ nhật thì Phần Lan, nơi mà hệ thống giáo dục đứng thứ 6 toàn cầu nhưng đây lại là một quốc gia nổi tiếng với giờ ra chơi dài nhất thế giới, nơi có rất ít các kỳ thi và học sinh sẽ không bao giờ được giao bài tập về nhà...
Rất nhiều điều thú vị khác về nền giáo dục của đất nước Phần Lan sẽ được bật mí qua cuốn sách nhỏ mang tên “Hãy cứ ước mơ, hãy cứ dại khờ”. Cuốn sách như một chiếc cửa thần kỳ mở ra cho bạn cơ hội được đặt chân đến Phần Lan và trải nghiệm một hành trình du học không thể nào chân thực hơn.
Tác giả
“Hãy cứ ước mơ, hãy cứ dại khờ” là cuốn cẩm nang du học được dệt nên từ những kinh nghiệm và câu chuyện có thật qua lời kể của Sisu, một nhóm du học sinh Phần Lan. Sisu trong tiếng Phần Lan có nghĩa là can đảm và đây cũng chính là thông điệp mà nhóm tác giả muốn gửi đến các bạn trẻ, những người đang ấp ủ trong mình giấc mơ du học rằng:
“Hãy vươn đến bầu trời, dù không thể hái được vì sao sáng nhất nhưng ít ra, bạn cũng có thể đứng giữa muôn vàn tinh tú để thắp sáng ước mơ.” (Khuyết danh)
Tác phẩm
Nội dung sơ lược
“Hãy cứ ước mơ, hãy cứ dại khờ” là cuốn sách được viết theo hình thức tự sự qua việc thuật lại những câu chuyện và những khó khăn, thách thức của một sinh viên trong chuyến hành trình đầu tiên đặt chân tới đất nước Phần Lan. Cuốn sách được viết dành riêng cho các bạn học sinh, sinh viên có nhu cầu tìm hiểu về các thông tin du học bổ ích ở Phần Lan. Ngoài ra, cuốn sách cũng có thể trở thành nguồn tư liệu tham khảo cho các bậc phụ huynh cũng như những độc giả có cùng chung mối quan tâm về vấn đề du học Phần Lan.
Cuốn sách gồm 13 phần với những nội dung khác nhau, từ lý do chọn Phần Lan, đến hướng dẫn về cách “săn” học bổng, cách lập kế hoạch ôn thi đầu vào, những mẹo nhỏ giúp chinh phục kỳ phỏng vấn, từng bước hoàn thiện hồ sơ du học, các thủ tục xuất ngoại và cuối cùng là trải nghiệm cuộc sống ở Phần Lan đã được mô phỏng vô cùng đầy đủ và thuyết phục.
Quốc kỳ Phần Lan. (Nguồn ảnh: Shutterstock)
Khía cạnh tâm đắc
Phần Lan - nơi luôn chào đón những con người có xuất phát phát điểm từ con số 0
“Mỗi lần bàn đến chuyện đi du học cùng người thân và bạn bè, tôi vẫn thường được “cố vấn” cho những trường tại Anh, Mỹ, Canada, Úc. Nếu là tại châu Á thì tên của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vẫn thường được nhắc tới. Những nước này hay được nhắc tới không chỉ bởi nền giáo dục ưu việt mà còn vì môi trường sống văn minh, hiện đại với mức sống cao bậc nhất thế giới. Hơn nữa, các chương trình học dành cho sinh viên quốc tế ở các nước này rất nhiều và hấp dẫn.”
Đó là những dòng chia sẻ của nhân vật “tôi” mỗi khi nhắc tới chuyện du học của mình. Nhìn lại bản thân với năng lực không quá nổi bật, bảng điểm cũng chẳng có gì xuất sắc, gia đình lại thuộc tầng lớp trung lưu thì việc du học ở một trong những nước kể trên là một điều quá xa xỉ. Cho đến một ngày, cô nhận được một lời gợi ý đến từ chú Hải, một người bạn của bố, “Hay là cháu thử tìm học bổng ở một số nước Bắc Âu xem. Chú nghe nói Na Uy với Phần Lan miễn phí cho sinh viên quốc tế đấy!”. Kể từ lời gợi ý ngày hôm đó, nó đã nhen nhóm trong cô nguồn động lực, sự tò mò đến lạ thường và muốn tìm hiểu về đất nước kỳ lạ này.
Phần Lan hấp dẫn là do đâu?
Phần Lan không xa lạ như mọi người nghĩ đâu, bởi ở Việt Nam, Phần Lan chính là đất nước với những lần hợp tác trong các dự án cung cấp nước sạch và xử lý chất thải cũng như chính nơi đây đã khởi nguồn cho các sản phẩm, thương hiệu huyền thoại như điện thoại Nokia, trò chơi Angry Birds đình đám. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những thành tựu thú vị này “rất thầm lặng và rất ít được biết tới”.
Vậy “Một quốc gia khiêm nhường như Phần Lan phải chăng cũng có một nền giáo dục khiêm nhường?”
Khoảng 40 năm trước, Phần Lan đã bắt đầu thực hiện cải tiến mô hình giáo dục với mục tiêu biến giáo dục thành chất xúc tác cho phát triển kinh tế. Với thành tựu vang dội được kể tên như vào năm 2000, Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment - PISA) đã chính thức công bố rằng các thiếu niên Phần Lan có khả năng đọc hiểu tốt nhất thế giới. Cũng tại chính đất nước này, ba năm sau đó họ đã dẫn đầu môn Toán. Ba năm tiếp theo (2006), họ đứng ở top đầu về các môn khoa học trong số 57 nước. Cho tới năm 2009, họ đứng thứ 2 về khoa học, thứ 3 về khả năng đọc hiểu và thứ 6 về toán học. Phải công nhận rằng Phần Lan là một đất nước sở hữu những thành tựu kinh tế - giáo dục vượt trội.
Khuôn viên một trường đại học Phần Lan (nguồn: Shutterstock)
Mọi kỳ tích đều bắt nguồn từ triết lý “Càng ít càng nhiều - Less is more”
Lại một tiếng trầm trồ thán phục dành cho nền giáo dục Phần Lan khi đây là đất nước có thời gian học tập trung bình của một học sinh, sinh viên ít hơn rất nhiều so với học sinh Việt Nam, điều đó có nghĩa là họ có nhiều thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động ngoài trời hơn. Cùng với thời lượng học tập trên trường ít thì đương nhiên sự hướng dẫn và kèm cặp đến từ các thầy cô và giảng viên cũng được giảm bớt. Điều này đòi hỏi học sinh, sinh viên Phần Lan phải tự giác đầu tư nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, mày mò kiến thức chuyên sâu nếu muốn bắt kịp chương trình học. Song song với chủ trương giáo dục đặc biệt này thì các thầy cô cũng sẽ có nhiều thời gian dành cho việc nghiên cứu bài giảng cũng như xây dựng chương trình học sao cho sâu sát và hấp dẫn hơn. Và còn một điều thú vị và độc đáo không kém nằm ở chỗ chương trình học của Phần Lan có rất ít các kỳ thi, khảo sát chất lượng học tập, bởi tất cả đều hướng tới mục đích cuối cùng của nền giáo dục là giúp sinh viên tập trung chủ yếu thời gian dành cho việc học.
Làm thế nào để có được “một tấm vé” du học Phần Lan?
Tại Phần Lan, các bạn sinh viên vượt qua được kỳ xét tuyển đầu vào do FINNIPS tổ chức thì sẽ được miễn học phí hoàn toàn. Còn đối với các chương trình học thu học phí, các trường đại học đều tạo điều kiện bằng cách đưa ra các gói học bổng khuyến khích cho sinh viên tài năng đến từ các nước ngoài khối Liên minh Châu Âu.
Về cơ bản, các trường sẽ tự chủ trong việc đưa ra các tiêu chí đánh giá và tuyển sinh đầu vào. Cụ thể, trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Phần Lan, hầu hết các ngành như kỹ sư, kinh tế, quản trị du lịch và khách sạn đều có những đợt thi được tổ chức ở Việt Nam, chỉ riêng ngành thiết kế trò chơi thì thí sinh bắt buộc phải thi ở Phần Lan. Vậy nên, những bạn có dự định du học Phần Lan cũng đừng quá lo lắng trong việc tìm kiếm thông tin học bổng, hồ sơ tuyển sinh cũng như các hình thức chi trả lệ phí nhé! Mọi thông tin cần thiết đều sẽ được đăng tải trên các trang chính thức của từng trường hoặc qua cổng thông tin của Hội đồng giáo dục quốc gia Phần Lan.
Kỳ thi tuyển đầu vào liệu có khó như bạn nghĩ?
Ở lần thử sức đầu tiên, nhân vật “tôi” đã quyết định tìm tới sự giúp đỡ của trung tâm tư vấn du học Edulinks. Toàn bộ quá trình ôn thi cũng như làm thủ tục hồ sơ du học đều được bên trung tâm hỗ trợ nhiệt tình. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với cô ở lần này. Sau lần ôn thi qua trung tâm không thành công, cô quyết định tự túc ôn tập và chuẩn bị hồ sơ. Và phương pháp học theo nhóm đã được cô lựa chọn với quyết định tham gia vào nhóm kín có tên HAFA trên Facebook. Đây cũng chính là nơi cung cấp những nguồn thông tin hữu ích chính thống đồng thời là môi trường lý tưởng để giúp cô tìm được những người bạn có cùng chí hướng, có thể cùng nhau thảo luận cũng như giúp quá trình luyện tập trở nên hiệu quả hơn.
Khi tất cả đã được chuẩn bị, việc còn lại chính là tham dự kỳ thi đầu vào. Người Phần Lan rất coi trọng chữ tín nên thí sinh tuyệt đối không được gian lận và phải trung thực làm bài bằng chính thực lực của mình. Thời gian làm bài sẽ kéo dài trong 4 tiếng, với những bạn đã ôn tập kỹ lưỡng thì thời gian này được cho là khá thoải mái và dư sức để hoàn thành bài thi một cách trọn vẹn.
Giảng đường tại Phần Lan (Nguồn: Shutterstock)
Cuối cùng, ngày này cũng tới!
Khi đi đến một môi trường mới, việc trải qua những cú sốc văn hóa là điều khó thể tránh khỏi. Với những du học sinh “chân ướt chân ráo” vừa đặt chân nơi xứ người, ai rồi cũng phải trải qua bốn giai đoạn cơ bản là hưởng thụ, khủng hoảng, điều chỉnh và thích nghi để có thể từng bước thích nghi với cuộc sống mới.
Và cô gái Việt đầy bản lĩnh của chúng ta cũng thế, cô đã gặp rất nhiều khó khăn ở quãng thời gian đầu này. Nhưng cô đã nhận ra rằng chỉ bằng việc dũng cảm đối mặt và vượt qua những trở ngại thì cô mới có thể đem về cho mình những kinh nghiệm quý báu. Trải qua cú sốc văn hóa đó đã giúp cô trưởng thành và mạnh mẽ hơn nhiều, nó đã giúp cô có được cô của ngày hôm nay, có thể một mình tự tin bước tiếp con đường mình đã chọn.
Điều còn đọng lại...
Đất nước Phần Lan xinh đẹp sẽ là sự lựa chọn đáng cân nhắc cho một quyết định du học và “Hãy cứ ước mơ hãy cứ dại khờ” vẫn là cuốn cẩm nang hữu ích “gối đầu giường” dành cho những bạn trẻ đã và đang có dự định chinh phục vùng đất mới với đầy ắp những điều thú vị và kỳ lạ này.
Đọc tới đây, bạn đã có được câu trả lời cho chính mình chưa?
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
ước mơ một lần được đặt chân đến đất nước Phần Lan xinh đẹp