top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Sống Một Cuộc Đời Cũng Giống Như Vẽ Một Bức Tranh Colorful Vậy*

Đã cập nhật: 27 thg 7, 2022

Có thể bạn chưa biết, cuộc đời chúng ta là tập hợp của những mảng màu khác nhau. Có nét vui tươi được thể hiện qua gam màu nóng và có cả vài điểm lặng buồn của gam màu tối sẫm,.. Người họa sĩ phác họa lên bức vẽ ấy không ai khác chính là bản thân bạn. Vậy bức tranh của bạn có màu gì? Bạn chọn đa sắc hay chỉ một tone màu chủ đạo?


Cuốn sách Colorful của Eto Mori

Bức tranh của bạn liệu có muôn màu hay chỉ có một tone chủ đạo?


1. Bạn nên chọn cuốn sách này!


Tuổi mới lớn, phải chăng là cánh cửa bí ẩn mà đa số chúng ta chưa tìm hiểu và khám phá từng góc khuất? Tuổi của sự nổi loạn, muốn chứng tỏ mình nhưng lại rất cô đơn? Tuổi đang cần sự thấu hiểu và yêu thương?...


Bạn biết đấy, sự phát triển của một con người trong giai đoạn giữa trẻ em và người trưởng thành là thời kỳ chuyển tiếp theo xu hướng nổi loạn nhất! Các cô cậu ở tuổi này sẽ thi nhau thể hiện cái tôi của mình mà chẳng mảy may để ý đến kết quả sẽ ra sao và chắc chắn rằng không giới hạn gì có thể ngăn cản nổi chúng.

Thế nhưng, tại khoảnh khắc này, nếu biết giữ một cái đầu lạnh, suy nghĩ kỹ trước khi hành động thì sẽ tạo cho chúng một nền tảng vững chắc với nhiều kỹ năng quan trọng: thấu hiểu người khác, ra quyết định, nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh,... Vậy làm sao để có được điều đó?

Colorful” - nơi giải quyết được vấn đề này!


“Nếu mẹ muốn biết lý do thì sao không tự hỏi bản thân mình ấy?”

“Tôi hỏi xong rồi. Hôm nay tôi cũng không cần cậu hướng dẫn nữa, vì dù sao tôi cũng không về nhà. Cậu có thể để tôi một mình không?”


Nhân vật chính là cậu bé 14 tuổi - người cũng có những hành động chưa đủ chín chắn. Độc giả đặt mình vào Makoto để thấy được những hậu quả không thể lường trước khi bản thân đã lỡ đưa ra những quyết định bồng bột. Khi đó, họ sẽ biết mình nên làm gì và phải tránh những hành động đó ra sao. Chính vì vậy, “Colorful” sẽ rất phù hợp với các thiếu niên tuổi teen - lứa tuổi tiếp xúc nhiều những bài giảng và lý thuyết khô khan, chưa có nhiều trải nghiệm thực tế!



Cuốn sách Colorful của Mori Eto

Cuốn sách Colorful của tác giả Eto Mori


Vậy nếu là người lớn thì liệu cuốn sách này có còn phù hợp hay không? Câu trả lời vẫn là có nhé! Những nhân vật trong câu chuyện sẽ phản ánh chân thực các góc khuất của bản thân người đọc.


2. Tác giả cuốn sách này là ai?


Eto Mori là một nhà văn Nhật Bản, được mô tả là "một trong những nữ nhà văn tiểu thuyết nổi tiếng nhất ở Nhật Bản hiện nay". Mori sinh ra ở Tokyo, tốt nghiệp Đại học Waseda. Cô bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng các tác phẩm dành cho thiếu nhi, sau khi gặt hái khá nhiều giải thưởng thì chuyển sang viết tiểu thuyết dành cho người lớn. Các tác phẩm khác của cô: Uchu no minashigo, Tsuki no fune, RizumuKazeni maiagaru biniru shito.



Nhà văn Nhật Bản Eto Mori. Nguồn: asianwiki.com

Cuốn tiểu thuyết năm 1998 Karafuru (Colorful) đã rất thành công khi nhận được giải thưởng của The Sankei Child Books Publishing and Culture Award lần thứ 46.



3. Tác phẩm Colorful


Có rất nhiều cách để nhìn về một chủ thể. Chính vì thế, để hiểu rõ một vấn đề, ta nên nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau.


“Bạn học cũng nghĩ cậu ta lập dị. Makoto là một người sống nội tâm, hơi ngây ngô. Cậu ta hầu như chẳng mở miệng với ai. Nói đúng hơn là, cậu ta luôn nghĩ mình bị cho ra rìa,..”


Kobayashi Makoto là một cậu bé 14 tuổi với ngoại hình thấp bé, trầm tính và học lực cũng không khá hơn là bao. Thoạt đầu, bạn sẽ cho rằng cậu bé này không có điểm gì đáng chú ý. Nhưng bất ngờ thay, điểm nổi bật nhất của cậu nằm ở khả năng hội họa. Tuy nhiên, mọi người chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, rồi trở nên xa lánh, khinh miệt cậu. Có chăng họ đã hiểu hết Makoto hay chưa?


...Hoàn toàn khác với những đứa con trai ấu trĩ và tầm thường, cậu ấy trong sáng và tinh khiết, ôm tất cả nỗi buồn của thế gian này, chịu đừng gánh nặng một mình”

“Nói dối. Kobayashi thực sự rất tỏa sáng mà…”


Trong cuộc đời của Kobayashi không thể không nhắc đến cô bạn Sona Shoko. Tuy trong kí ức của cậu không hề có chút kỉ niệm gì về Sona nhưng xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện dường như người đọc sẽ thấy cô chính là người quan tâm và thấu hiểu Kobayashi nhất. Khi “Tôi” xuất hiện, cô đã lập tức nhận ra những thay đổi nhỏ nhất, thấu hiểu từng nét vẽ của cậu nhóc 14 rồi vô tình đem lòng yêu cậu lúc nào không hay. Trong cái nhìn ghẻ lạnh của mọi người, Makoto thật nhạt nhòa; nhưng trong ánh mắt trìu mến và chan chứa yêu thương của Shoko, cậu lại là một bầu trời đêm lấp lánh.


Hay một nhân vật khác đã bị "bóp méo" khi cậu bé bắt gặp cô đi cùng người tình bước ra từ khách sạn - Mẹ Makoto. Cậu nhóc vốn luôn cho rằng mẹ mình vì không còn tình cảm với gia đình nên quyết định có tình nhân riêng. Trong khi sự thật lại được “Tôi” khám phá ra trong lúc “ở trọ”, rằng bà ấy chỉ muốn tìm cho mình sự khác biệt và đã vô tình gặp thầy giáo dạy nhảy flamenco. Thật đáng thương khi đã trở thành một người mẹ hai con nhưng "bức tranh của cô" lại chẳng có gì độc đáo.


Bức tranh cuộc đời của mẹ Makoto chỉ là một bức tranh đơn sắc


Bạn thấy đấy! Mọi chuyện đều cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Sẽ chẳng có gì là đúng và cũng chẳng có gì là hoàn toàn sai, sự khác biệt nằm ở chỗ bạn đang đứng ở vị trí nào để quan sát.


Nếu sống thay cuộc sống của người khác, chắc hẳn sẽ “dễ thở” hơn so với cuộc sống của mình


Tôi không muốn học nữa.

Cậu làm vậy là mất tư cách Kobayashi Makoto đấy

Được thôi, cho mất luôn.”


Việc sống thay cuộc đời của người khác trong xã hội hiện nay dường như không còn xa lạ nữa. Điều đó được phản ánh rõ nhất khi những Idol của bạn gặp phải các lùm xùm cá nhân. Bạn lập tức "đòi" sống cuộc sống của họ bằng cách thay họ trả lời dư luận, soi xét những comment ác ý rồi đưa ra hết dẫn chứng này đến dẫn chứng khác, trong khi người trong cuộc lại chưa có một sự lên tiếng nào. “Sống hộ” quả là rất dễ. Chỉ cần thấy bất bình, mình sẽ vùng lên đấu tranh.

Đó cũng là hình ảnh “Tôi” khi vẫn đang ở trọ trong cơ thể Kobayashi. Cậu ta không dè chừng trước các hành động của mình. Cậu cãi lại mẹ; tỏ thái độ với Shoko đến mức hình tượng của Makoto trong lòng cô bé vỡ thành trăm mảnh và còn rất nhiều hành động không tốt khác được cậu thể hiện chỉ với mục đích bảo vệ quan điểm của bản thân. Có lẽ vì thế, ta thấy được nhân vật này đã mặc kệ số phận Makoto và chỉ quan tâm đến bản thân của hiện tại.


Nhưng bạn ơi! Thay vì sống hộ cuộc sống của người khác, tại sao bạn lại không thử nhìn lại cuộc sống của bản thân mình? Bạn không dám thể hiện bản thân mình trước người khác. Bạn không dám đứng lên chống lại những điều bất bình dù biết nó sai rành rành trước mắt. Có thể nói một cách phũ phàng hơn, bạn thấy đúng nhưng không bảo vệ, thấy sai mà không đấu tranh. Có thể bạn sẽ biện hộ rằng “Tôi chỉ đang đưa ra những quyết định đúng mà thôi!” hay “Nếu tôi làm vậy thì người khác nhìn vào sẽ ra sao?”. Và minh chứng cho vấn đề này không ai khác ngoài Kobayashi. Khi được trở về là chính mình, cậu dường như dè dặt trước mọi chuyện, không hành động thiếu suy nghĩ như trước nữa.


Vấn nạn tự tử của giới trẻ ngày nay


Học sinh áp lực không chỉ thi cử mà còn trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô,...; nhân viên thì uất ức sếp, khó hòa đồng với đồng nghiệp;... Ngày nay, việc gặp phải những áp lực cuộc sống không còn là chuyện xa lạ nữa. Tệ hơn là khi mức độ căng thẳng ngày càng tăng khiến ta rơi sâu vào những cơn khủng hoảng. Khi đó, ta không thể nào bước tiếp cũng chẳng thể lùi về sau, cho đến khi ta tự dồn mình vào ngõ cụt - Tự tử.


Có ai dám chắc khi bạn chết đi thì cuộc đời của bạn sẽ chấm dứt? Khoa học chưa hề có một minh chứng nào cho giả thiết này cả! Và tôi cũng không tin vào điều đó. Thay vì trốn tránh thì tại sao ta không chọn cách đối diện. Đây là một vấn đề nóng cần được xã hội quan tâm sát sao. Cần đó những tổ chức được thành lập, cần đó những buổi quan tâm, chia sẻ và giáo dục về vấn nạn tự tử. Đừng để những đứa trẻ non nớt lãng phí một đời người chỉ vì một lần suy nghĩ bồng bột.


Mách nhỏ nè!


“Colorful” đã được chuyển thể thành ba bộ phim (bao gồm cả bộ phim hoạt hình “Colorful năm 2010 và phim chuyển thể “Homestay năm 2018 của Thái Lan), và bộ truyện dài bốn tập “Daibu !!” (đã được chuyển thể thành một bộ truyện tranh, một bộ phim truyện và một bộ phim truyền hình anime).


4. Lời cuối


Tôi nghĩ rằng con người chúng ta sẽ không có phiên xổ số nào cả. Dừng lại có nghĩa là chấm hết. Dừng lại là thất bại. Không sợ chậm, chỉ sợ dừng! Đừng chấm dứt cuộc sống một cách nhạt nhòa như vậy! Cuộc sống là của bạn. Đừng để bức tranh chính mình chỉ là một mảng màu vô hồn. Hãy “sống như chưa từng được sống, vui nay thôi ai biết mai sau”**


(*) Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân

(**) Trích Bài ka tuổi trẻ - TamKa PKL


Còn bạn thì sao? Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ tìm đọc cuốn Colorful của nhà văn Eto Mori chứ?

Người viết: Diểm Phương
Người thiết kế: Quốc Việt


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui



373 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page