top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Lẽ Ra Không Nên Có Những Hàng Rào Cho Chú Bé Mang Pyjama Sọc

Đã cập nhật: 1 thg 4, 2023

“Rất khó để miêu tả về câu chuyện “Chú bé mang pyjama sọc” này. Thường thì chúng tôi sẽ tiết lộ vài chi tiết về cuốn sách trên bìa, nhưng trong trường hợp này chúng tôi nghĩ làm như vậy sẽ làm hỏng cảm giác đọc của bạn. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là bạn nên đọc mà không biết trước nó kể về điều gì.” (Irish Times)


Bookiee - Sách Là Niềm Vui

Tại sao bạn nên đọc cuốn sách này?


Lấy bối cảnh xã hội những năm 1933-1945, dưới chế độ độc tài toàn trị của Hitler, “Chú bé mang pyjama sọc” phản ánh chân thật về những nỗi đau mang tính thời đại. Cuốn sách đưa chúng ta ngược về những năm tháng kinh hoàng của tội lỗi. Những góc khuất của chính trị, của số phận và xiềng xích được lồng ghép chỉn chu, ẩn mình dưới một câu chuyện về tình bạn cao đẹp của hai đứa trẻ vô tội.


Nếp gấp thời gian dường như không thể che mờ đi hố sâu của thời đại. John Boyne đã lột tả một cách trần trụi nhất vỏ bọc chính trị để phơi bày ra những tội lỗi kinh hoàng giáng lên đầu hai đứa trẻ. Đến với “Chú bé mang pyjama sọc”, độc giả sẽ cảm nhận được những giá trị hiện thực và nhân đạo đan chặt vào nhau, từ tình bạn đến tình người, tất cả đều được khắc họa chân thật đến ám ảnh.


Tính nhân đạo trong câu chuyện như một ngôi sao sáng giữa đêm đen của hiện thực. Tình người vẫn luôn tỏa ra dù trong tận cùng của đau đớn.


John Boyne - người thư kí trung thành của thời đại


“Chú bé mang pyjama sọc” là một tiểu thuyết Holocaust. Bằng những kiến thức đã được đúc kết từ nhiều năm, John Boyne chỉ hoàn thành bản thảo cuốn sách này trong hai ngày rưỡi.


Tác giả cuốn tiểu thuyết - John Boyne. Ảnh: Johnboyne.com


Chọn một chủ đề nhạy cảm của lịch sử, tiểu thuyết nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi các bài đánh giá tích cực ca ngợi câu chuyện là đạo đức, thì các bài đánh giá tiêu cực lại công kích sự mâu thuẫn lịch sử của cuốn sách và những thiệt hại tiềm tàng ảnh hưởng đến nền giáo dục Holocaust.


Tuy nhiên, với bản thân mình, John Boyne đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người thư kí trung thành của thời đại khi khéo léo đưa vào những khía cạnh tàn khốc của chính trị đan xen mềm mại trong câu chuyện tình bạn đầy tính nhân đạo giữa Bruno và Shmuel.


Nick Tucker gọi cuốn tiểu thuyết là "sự bổ sung tốt đẹp cho một lĩnh vực từng bị cấm kỵ của lịch sử, ít nhất là nơi văn học thiếu nhi được quan tâm." Ông khẳng định rằng cuốn sách tràn ngập những ẩn ý ám ảnh trí tưởng tượng đặc biệt là "cú đấm g.i.ế.t người" ở cuối cuốn tiểu thuyết.




Khía cạnh ấn tượng


[Cảnh báo có thể tiết lộ một số tình tiết trong tác phẩm, để có trải nghiệm trọn vẹn nhất với bài viết, bạn hãy tìm đọc cuốn sách và quay lại với chúng mình nhé!]


Hai thế giới


Cuốn sách được kể dưới góc nhìn của Bruno, một cậu bé lớn lên trong sự bảo bọc của cha mẹ, luôn nhìn thế giới dưới đôi mắt hiền hòa và đầy mơ mộng. Một biến cố xảy ra làm thay đổi cuộc đời cậu đó là khi gia đình cậu buộc phải chuyển đến sinh sống ở Ao Tuýt. Tác giả dành ra hơn ba phần tư trang sách chỉ để Bruno tự thuật về tháng ngày buồn chán của mình tại nơi ở mới, cho đến khi cậu tự làm một cuộc thám hiểm cho riêng mình.


Shmuel chính là Châu Mỹ của Bruno. Qua lớp hàng rào thép gai, Bruno khám phá ra Châu Mỹ của riêng mình. Shmuel được khắc họa cơ cực trong bộ pyjama sọc, với chiếc đầu trọc lóc và mặt lúc nào cũng cúi xuống, di chuyển lặng lẽ như một bóng ma.


Bruno luôn tò mò về cuộc sống sau lớp hàng rào, cậu tưởng tượng cũng có những quán ăn, những buổi tiệc, những cửa hàng rau củ như lúc cậu còn ở quê nhà. Trong trí tưởng tượng của Bruno thế giới hiện lên yên bình bao nhiêu thì sự thật lại tàn khốc bấy nhiêu. John Boyne đã thành công khi sử dụng thuần thục bút pháp tương phản. Hiện thực của trại giam người Do Thái không được đặc tả chi tiết nhưng chỉ với vài ba nét bút, độc giả hoàn toàn có thể hình dung ra sự đối lập giữa hai thế giới đầy khắc nghiệt.


Thế nhưng, nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở mức tô vẽ hai thế giới với hai gam màu tách biệt thì “Chú bé mang pyjama sọc” của John Boyne đã không thành công đến thế. Hai đứa trẻ vô tội vẫn chọn cách bầu bạn, ngày ngày chia sẻ với nhau về cuộc sống của riêng mình.


Shumel đã trở thành điểm tựa cho những chuỗi ngày buồn tẻ của Bruno, tình bạn được khắc họa chân thật, nhẹ nhàng nhưng lại đủ sức để tạo nên sự đối lập kinh hoàng với hiện thực. Đó là tình bạn giữa người Đức và người Do Thái, một tình bạn đi ngược lại với hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Bruno và Shmuel trở thành những nạn nhân tiêu biểu dưới chế độ độc tài toàn trị của Đức Quốc xã.


“Cậu là bạn thân nhất của tớ, Shmuel ạ, bạn thân nhất đời của tớ”.


"Bạn mặc trang phục phù hợp và bạn cảm thấy giống như người mà bạn đang giả vờ”.


Dưới góc nhìn của một cậu bé chín tuổi, câu chuyện được hiện lên vô cùng êm ái, thậm chí có phần tẻ nhạt. “Do đó mà tất cả những dữ dội và kinh hoàng đều ẩn mình đi, dù đôi khi chúng sơ hở để lộ ra vạt áo và làm người đọc chúng ta thắt lòng.” (Tiên Dứa)


Mình thích cái cách mà tác giả lồng ghép những chi tiết tưởng chừng không liên quan nhưng lại là tiền đề cho “cú đấm g.i.ế.t người” ở cuối cuốn tiểu thuyết. Bruno kể về những ngày lễ mà cứ hễ vào dịp đó, bà nội của cậu luôn đạo diễn những vở kịch mà ba bà cháu sẽ là nhân vật chính, với những bộ trang phục được “đo ni đóng giày”. Và khi mà “bạn mặc trang phục phù hợp với bạn, bạn sẽ cảm thấy giống như người mà bạn đang giả vờ”. Mình thích chi tiết này bởi nó như một sự tiên đoán cho cái kết của câu chuyện.



Giây phút chiếc hàng rào bị “gỡ bỏ” cũng là lúc hai đứa trẻ hòa làm một. Chẳng còn ai phân biệt nổi đâu là Bruno, đâu là Shmuel. Đây chính là mấu chốt của câu chuyện đồng thời cũng là ý nghĩ táo bạo, làm nên cái kết bi ai lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Chính trong khoảnh khắc đó, độc giả nhận ra ý đồ của tác giả khi khéo léo lồng ghép những lát cắt hiện thực để làm nền tảng cho sự thật trần trụi và tàn ác của lịch sử.


Xây dựng hình tượng hai nhân vật dường như là bản sao của nhau, tác giả đã lên án một cuộc chiến tranh phi nghĩ. Chỉ vì cách nhau một chiếc hàng rào, hai đứa trẻ buộc phải sống một cuộc đời xiềng xích, tội lỗi để rồi biến mất trong sự ngỡ ngàng. Một câu hỏi lớn mang tính thời đại được đặt ra rằng cái giá sẽ là bao nhiêu để rửa sạch những vết thương mà lịch sử đã hằn sâu lên những tâm hồn thơ bé?


“Một cánh cửa đóng chặt trong cơn mưa nhớp nháp. Cánh cửa đóng ngay trước mặt người đọc, khiến người đọc nghẹt thở. Cánh cửa đóng lại, hai đứa trẻ vẫn nắm tay nhau trong cuộc phiêu lưu trẻ dại của chúng. Chúng vẫn còn một mục tiêu chung chưa hoàn thành, một mục tiêu cao cả và thiêng liêng chan chứa lòng nhân ái và tình bạn. Hai đứa, như hoà làm một trong nước mắt của người đọc.” (Tiên Dứa)


Hiện thực trần trụi


Khi nói về chiến tranh, người ta chọn cách dùng những con số: số lượng người thương vong, số trẻ em bị thất lạc. Thế nhưng với văn học hiện thực của John Boyne, ông chọn cách nói ý nhị hơn về nạn diệt chủng đầy tính ẩn dụ, nhân văn và hiện thực.


Văn học không bao giờ được tách rời khỏi lịch sử. Văn học là phương tiện để phản ánh, tố cáo những góc khuất của lịch sử. John Boyne dùng ngòi bút của mình để phơi bày những sự thật trần trụi đó như một cách để đòi lại sự công bằng cho những nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa.


Hai đứa trẻ là đại diện cho thời đại mà John Boyne muốn phản ánh. Dù sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng chỉ vì cách nhau một lớp hàng rào mà Bruno không bao giờ có thể hình dung được về cuộc sống của Shmuel đang phải đối mặt, với những chia cắt, bạo lực và c.h.ế.t chóc.



Khoảnh khắc bố của Bruno - một người Lính quốc xã Đức, một người ái quốc, nhận ra sự biến mất của đứa con trai mình sau tấm hàng rào thép gai cũng là hồi kết của câu chuyện. Ông ta đại diện cho chính quyền, cho bộ máy chính trị, cho những người trực tiếp gây ra nạn diệt vong của người Do Thái. Ông ta tự hào với bộ quân phục bảnh bao, với quân hàm lấp lánh, với những việc làm mà ông ta cho rằng đó là chính nghĩa, là ái quốc cho đến khi đứa con trai duy nhất của ông ta bị chính bộ máy tàn ác của ông làm cho tan biến.


“Người ta có thể dễ dàng làm điều ác với người khác, bởi chỉ đứng ngoài cuộc thôi thì không bao giờ có thể cảm nhận hết được, cho đến khi vận ấy xảy ra với chính bản thân mình”. Đó chính là thông điệp mà John Boyne muốn gửi gắm. Chỉ khi con người ta trực tiếp cảm nhận được nỗi đau mất mát thì họ mới có thể cư xử “người” hơn.


Lời kết


Một cuốn sách giản đơn đến mức hoàn hảo. Mình nghĩ sẽ thật nguyên vẹn cảm xúc nếu bạn đọc nó khi chưa biết cuốn sách kể về điều gì.


Hàng rào thép gai trở thành biểu tượng đau đớn của sự chia cắt. Dẫu vậy, tình bạn vô tư của hai đứa trẻ vô tội ít nhiều đã trở thành liều thuốc, xoa dịu đi những vết thương của lịch sử…


Hoặc cũng có thể càng làm cho lịch sử trở nên đau đớn, tội lỗi hơn…


“Bởi vì đáng lẽ ra không nên có những hàng rào”.


Hãy thử ít nhất một lần đọc hết cuốn sách này bạn nhé!


Người viết: Anh Thy
Người thiết kế: Diệu Hương


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

Bookiee - Sách là niềm vui

913 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page